Nhiều nhà băng gần đây đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất gần 9% một năm nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân.
Phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một trong những cách để ngân hàng cân đối lại nguồn vốn nhằm đáp ứng được tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định. Ảnh: PV.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất khá cao. Theo đó, khách hàng tham gia chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm +1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48% một năm, còn kỳ hạn 7 năm thì sẽ hưởng lãi 8,88% một năm cho năm đầu tiên.
Trong khi đó, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) phát hành chứng chỉ trung hạn (18 tháng, 24, tháng, 36 tháng và 60 tháng) chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng. Khách muốn mua bao nhiêu cũng được, lãi suất thì lên đến 8,8% một năm.
Bên cạnh các chứng chỉ tiền gửi đều có kỳ hạn dài như Sacombank từ 5 năm + 1 ngày đến 7 năm, hoặc trung hạn như LienVietPostBank... một số ngân hàng như Việt Á còn đưa ra chứng chỉ kỳ hạn khá ngắn từ 6 tháng đến 18 tháng và được hưởng lãi suất cao nhất lên đến 8,2% một năm.
Nhìn nhận diễn biến này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP HCM chia sẻ, theo quy định của Thông tư số 06/2016, từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng từ 60% xuống 50%. Để đáp ứng quy định này, các ngân hàng phải tăng vốn trung và dài hạn.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng trên địa bàn đang gần chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên chắc chắn họ sẽ tăng cường huy động vốn trung dài hạn để đủ nguồn cho vay tương ứng. Vì thế, việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách để tăng nguồn vốn trung và dài hạn này.
Ngoài ra, theo ông Minh, động thái trên của các ngân hàng còn nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án mà họ đã cam kết tài trợ dài hạn. "Do đó, thời gian qua, một số ngân hàng đã xin phép được phát hành một lượng chứng chỉ tiền gửi dài hạn để huy động nguồn vốn nhằm thực hiện mục đích này", ông Minh nói.
Phân tích thêm vấn đề trên, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần phía Nam cho biết, động thái phát hành chứng chỉ tiền gửi của các nhà băng còn nhằm mục đích tăng hệ số CAR (tỷ lệ phần trăm của tổng vốn cấp I và vốn cấp II so với tổng tài sản đã điều chỉnh rủi ro của ngân hàng, theo quy định tỷ lệ này hiện là 9%).
Bởi hiện nay nhiều ngân hàng đang hướng đến mục tiêu tuân thủ Basel II. Theo đó, bên cạnh những rủi ro tín dụng thì các nhà băng phải song hành với kiểm soát rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động. Nếu chiếu theo khung chuẩn mới, chắc chắn CAR của các ngân hàng Việt sẽ thấp hơn hiện tại rất nhiều. Để đạt được tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mới, không cách gì khác là các ngân hàng phải tăng vốn.
Một lý do khác, theo lý giải của giới chuyên gia, hút vốn qua phát hành chứng chỉ tiền gửi dù phải trả lãi suất cao hơn so với phương thức tiết kiệm thông thường nhưng nó sẽ giúp ngân hàng yên tâm hơn trong kế hoạch sử dụng nguồn vốn. Bởi đặc điểm của loại giấy tờ có giá này là người mua không được thanh toán trước hạn.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi mà cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ngân hàng đã linh hoạt hơn khi cho phép khách hàng có thể tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi với ngân hàng bất cứ lúc nào. Trường hợp khách không muốn bị chiết khấu khi chuyển nhượng (ngân hàng sẽ thu phí khi chuyển nhượng trước hạn) thì người mua có thể cầm cố lại chứng chỉ để vay vốn của ngân hàng.
Với sự linh hoạt và lãi suất hấp dẫn, nhiều ngân hàng cho biết chỉ trong vài ngày, họ đã huy động đủ lượng vốn cần huy động và tiến hành khoá sổ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý, mặc dù có lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhưng người mua cần tính toán kỹ, chỉ nên mua khi đã có kế hoạch rõ ràng về việc sử dụng vốn của mình.
Riêng lo ngại lãi suất của chứng chỉ tiền gửi cao sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất chung, lãnh đạo các ngân hàng cho rằng điều này khó xảy ra. "Phát hành chứng chỉ tiền gửi thường chỉ diễn ra ở vài ngân hàng và có hạn mức nhất định nên lãi suất khó tác động nhiều đến mặt bằng chung", Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia thì cho rằng, việc lãi suất huy động từ chứng chỉ tiền gửi cao như vậy sẽ khiến lãi suất cho vay khó có thể đứng yên, đặc biệt là lãi suất trung, dài hạn. Và điều này sẽ phần nào gây khó khăn cho mục tiêu ổn định và giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Lệ Chi / VnExpress