Một số ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) năm 2017 thấp hơn mục tiêu tăng trưởng toàn ngành là 18%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 18% được đánh giá là phù hợp với tình hình kinh tế |
Năm 2016, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 18,71%. Mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho năm 2017 là tăng trưởng dư nợ toàn hệ thống ở mức 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16 - 18%.
Chính sách tiền tệ sẽ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
LienVietPostBank cho biết, năm 2017, Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa là 16%. Tuy nhiên, với mục tiêu đưa sản phẩm tín dụng tới người dân trên mọi miền tổ quốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, Ngân hàng dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ cao hơn mức 16%. Theo đó, sau khi sử dụng hết room được cấp, LienVietPostBank sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng.
ACB cho hay, năm ngoái, chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng mà Ngân hàng trình Đại hội đồng cổ đông là 18%, ngang bằng với mục tiêu của ngành ngân hàng đề ra. Thực tế, hoạt động tín dụng khả quan hơn dự kiến nên sau khi sử dụng hết room được cấp, ACB đã trình hồ sơ xin nới room và được chấp thuận nâng lên 21%.
Kết thúc năm 2016, dư nợ tín dụng của ACB tăng 21%, trong khi nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng nằm trong hạn mức đã được Ngân hàng Nhà nước phân bổ đầu năm là 16%.
Tại Agribank, trong kế hoạch kinh doanh năm 2017 của ngân hàng này, mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 14 - 18%.
Với Vietcombank, năm 2017, Ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng tăng 18%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 15%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 9.200 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016. Trong năm 2016, Ngân hàng đạt 8.212 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 23,4% so với năm 2015 nhờ hoạt động tín dụng tăng trưởng.
Tổng giám đốc Eximbank, ông Lê Văn Quyết chia sẻ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay được Ngân hàng xây dựng cao hơn so với các năm trước, nhưng cũng chỉ trên 10%. Thực tế, trong những năm gần đây, tăng trưởng dư nợ tại Eximbank khá thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong một số quý, do Ngân hàng tập trung xử lý nợ xấu và thu hồi nợ.
Còn ViettinBank cho hay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 sẽ cao hơn nhiều so với năm 2016. Năm nay, Ngân hàng tiếp tục cơ cấu lại đối tượng khách hàng, giảm sự phụ thuộc vào đối tượng doanh nghiệp lớn, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng an toàn, bền vững của hệ thống.
Trong đó, phát triển khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngân hàng. Bên cạnh đó, VietinBank tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay đầu tư sản xuất - kinh doanh, nhất là những ngành nghề được Chính phủ ưu tiên.
Ngoài các nhà băng kể trên, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nhỏ đang được xây dựng để trình đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp thường niên diễn ra trong tháng 4 tới. Lãnh đạo một số ngân hàng nhỏ nhận định, khả năng room tín dụng năm nay sẽ không cao như năm ngoái.
Mức room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng trung bình là 14 - 15%, khác với năm trước, ở mức 18% ngay từ đầu năm.
Năm ngoái, room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp cho một số nhà băng nhỏ cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng của ngành. Chẳng hạn, OCB được phép tăng trưởng tín dụng tối đa 25%. Viet Capital Bank có room tăng trưởng tín dụng 30%. Tuy nhiên, do ngân hàng có quy mô nhỏ nên con số tuyệt đối trong tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức vài chục ngàn tỷ đồng, không đáng kể so với tăng trưởng dư nợ của nhà băng lớn.
Nhận xét về việc Ngân hàng Nhà nước có động thái cấp room tín dụng năm nay thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng chung của ngành, không ít chuyên gia tài chính cho rằng, cơ quan quản lý muốn có sự kiểm soát và chủ động ngay từ đầu dựa trên tình hình lạm phát cũng như kiểm soát tín dụng vào một số lĩnh vực như bất động sản để hạn chế rủi ro, từ đó quyết định “gìm cương” hay “nới lỏng” cho phù hợp.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát đối với các khu vực có rủi ro cao bao gồm: bất động sản, chứng khoán và cơ sở hạ tầng, nhằm hạn chế nợ xấu tăng trở lại.
Vì vậy, có khả năng mong muốn của Ngân hàng Nhà nước là không muốn sử dụng hết room tín dụng 18%, mà quan trọng hơn đó chính là làm thế nào để đạt mức tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra cho năm nay (GDP tăng 6,7%).
Nếu đẩy tín dụng mà không đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì đây không hẳn là bài toán hay. Tín dụng tăng trưởng cao mà không kiểm soát được chất lượng sẽ khiến nợ xấu tăng nhanh.
“Hạn mức tăng trưởng tín dụng mà các ngân hàng nhận được từ Ngân hàng Nhà nước đầu năm nay thấp hơn mức 18%, trừ những ngân hàng quy mô vừa và nhỏ. Mức room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho các ngân hàng trung bình là 14 - 15%, khác với năm trước, ở mức 18% ngay từ đầu năm”, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nói.
Liên quan đến chỉ tiêu dư nợ tín dụng, chuyên gia ngân hàng, ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra cho năm nay ở mức 18% là phù hợp với tình hình kinh tế. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xem xét kỹ về con số tăng trưởng thực và số liệu thống kê từ các ngân hàng thương mại. Bởi lẽ, để giải quyết nợ xấu và tăng dư nợ, có thể các ngân hàng sẽ sử dụng biện pháp đảo nợ nhằm đạt được mục tiêu về tăng trưởng nên khó biết con số tăng trưởng dư nợ thật.
Vân Linh / InfoMoney