Tuần qua, các ngân hàng lớn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay sau “hiệu triệu” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Dẫu vậy, nhiều ngân hàng cũng đồng loạt than khó và “xin” nhiều chính sách hỗ trợ bởi áp lực vốn ngày càng gia tăng.
Lãi suất cho vay giảm 0,5%
Cuối tuần qua, ba ngân hàng VietinBank, BIDV và Vietcombank đã đồng thời hạ lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%/năm, áp dụng lãi suất trung, dài hạn tối đa 10% đối với các doanh nghiệp tốt, thuộc lĩnh vực ưu tiên.
Quyết định giảm lãi suất cho vay được các ngân hàng này đưa ra đúng ngày Thủ tướng gặp doanh nghiệp, 29/4, chỉ sau 2 ngày NHNN phát đi yêu cầu giảm lãi suất cho vay.
Lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng được hưởng đang ở mức rất thấp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, lãi suất cho vay bình quân hiện đang là 8,5%/năm, trong khi lạm phát năm 2015 chỉ có 0,6%. Như vậy, lãi suất thực mà doanh nghiệp đang phải chịu là 7 - 8%/năm, mức này đang cao hơn nhiều lần so với lãi suất 2%/năm được các nước trong khu vực áp dụng. “Chính phủ nên đặt mục tiêu giảm lãi suất thực 1-2% trong năm tới cùng với việc giải quyết nợ xấu một cách thực chất”, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị.
Theo tính toán của ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, nếu lãi suất giảm 1%, doanh nghiệp có thể giảm chi phí 50.000 tỷ đồng. Không công cụ thuế nào có thể hỗ trợ doanh nghiệp mạnh như thế.
Ám ảnh Thông tư 36
Dù nhất trí giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, song lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng được hưởng đang ở mức rất thấp, chưa kể, ngân hàng đang đứng trước nhiều áp lực về vốn.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV, hiện lãi suất cho vay bình quân là 8,5% trong khi giá vốn ngân hàng đã là 7,8%, có nghĩa chênh lệch lãi suất mà ngân hàng được hưởng chỉ khoảng 0,7%.
Không những thế, việc NHNN dự định sửa đổi Thông tư 36 vẫn đang là nỗi ám ảnh của các nhà băng. Thời gian qua, lo lắng vì tín dụng trung, dài hạn, nhất là tín dụng bất động sản tăng quá nhanh, NHNN đã đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Theo đó, sẽ tăng hệ số rủi ro bất động sản từ 150% lên 250%, đồng thời giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%. Với những quy định mới này, các ngân hàng thương mại phải có thêm nhiều vốn dự trữ hơn để cho vay, đồng nghĩa lợi nhuận trên mỗi đồng vốn có nguy cơ giảm xuống.
Ông Trần Bắc Hà kiến nghị, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 40% cần lộ trình triển khai. Cụ thể nên quy định sau 12 tháng sẽ đưa về mức 50%, và sau 24 tháng sẽ đưa về mức 40% theo Dự thảo Thông tư.
Trước lo lắng của các ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, việc sửa Thông tư 36 là cần thiết. Với bối cảnh nhu cầu vốn hiện nay là rất lớn, trong khi nguồn vốn hạn chế, nên cần được xem xét để sử dụng sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Dù vậy, lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, sẽ xem xét sửa đổi nội dung và lựa chọn thời điểm ban hành Thông tư 36 một cách kỹ lưỡng, đảm bảo các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước.
Cũng liên quan đến áp lực vốn, nhiều ngân hàng chia sẻ, hiện áp lực tăng vốn chủ sở hữu để bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản - CAR) là rất nặng nề. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian qua, tổng tài sản của các ngân hàng tăng lên nhanh chóng khiến hệ số CAR sụt giảm mạnh.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT ngân hàng Vietcombank cho hay, cuối năm 2015, hệ số CAR của Vietcombank xấp xỉ 11%. Cuối năm nay, CAR của Vietcombank sẽ chỉ ở mức 9%. Nếu Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng) chính thức được áp dụng, hệ số CAR tại Vietcombank sẽ giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng 7%, tức không đạt được yêu cầu tối thiểu.
Do áp lực tăng vốn, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã xin cổ đông trả một phần cổ tức bằng lợi nhuận để chia cổ phiếu thưởng, nhằm giúp ngân hàng tăng tiềm lực vốn. Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà cũng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước để lại cổ tức, thặng dư cho chuyển nhượng phần sở hữu của Nhà nước, thặng dư từ các khoản thoái vốn đầu tư làm nguồn tăng vốn cho ngân hàng. Được biết, liên tiếp ba năm nay, BIDV xin phép không chia cổ tức bằng tiền để tăng vốn, nhưng không được chấp thuận.
Hà Tâm / baodautu.vn