Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng thương mại đang sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Nếu thực hiện thoái vốn vào thời điểm này, giá cổ phiếu giảm sẽ khiến các ngân hàng gặp bất lợi
Thế nhưng đến nay, vẫn còn nhiều nhà băng chưa thể thực hiện thoái vốn.
Thông tư 36 được ban hành tháng 11/2014 đã bổ sung những quy định quan trọng về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, đáng chú ý, Điều 20 của Thông tư 36 giới hạn việc ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác.
Theo đó, ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ của ngân hàng tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng.
Cho đến nay, mới có một vài trường hợp đã thoái được vốn sau khi tiến hành sáp nhập hoặc mua lại các công ty tài chính (công ty con trực thuộc ngân hàng) mà các nhà băng này đang tham gia giữ vốn.
Đơn cử, Techcombank đã mua lại Công ty Tài chính cổ phần Hóa chất (VCFC); VPBank mua lại Công ty Tài chính Than khoáng sản; HDBank mua Công ty tài chính SGVF; SHB mua Công ty Tài chính Vinaconex Viettel; Maritime Bank đã sáp nhập cả MDB lẫn Công ty Tài chính cổ phần Dệt may - hai đơn vị mà Ngân hàng đang sở hữu 10 - 11% cổ phần. Hay trường hợp SouthernBank sáp nhập vào Sacombank để hợp thức hóa và xóa bỏ sở hữu chéo của cổ đông lớn giữa hai nhà băng này…
Như vậy, sau hơn 1 năm thực hiện Thông tư 36, vẫn còn nhiều ngân hàng đang đứng trước khả năng không thể thoái vốn theo đúng quy định. Trong số đó, Vietcombank là ngân hàng có vốn tại nhiều TCTD khác nhất. Hiện tại, Vietcombank sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trong đó, 3 trên 5 TCTD này, Vietcombank đang sở hữu vượt 5%. Cụ thể, Vietcombank nắm trên 7% cổ phần tại MB; 8,24% cổ phần Eximbank; 5,07% tại OCB và trên 8% tại Saigonbank.
Một trường hợp khác, Eximbank cũng đang nắm giữ cổ phần tại 4 đơn vị, trong đó nắm giữ 8,76% cổ phần tại Sacombank (sau sáp nhập thêm SouthernBank). Trước đó, Eximbank đã tính đến chuyện thoái vốn khỏi Sacombank khi điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin gì mới về việc triển khai kế hoạch trên.
Ngoài ra, Vietinbank hiện đang sở hữu 10,4% cổ phần tại Saigonbank, ABBank sở hữu 8,4% EVN Finance.
Trước đó, một số ngân hàng đã xin gia hạn và đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cụ thể là trường hợp của Vietcombank. Ngân hàng này đã có văn bản gửi NHNN về việc xử lý phần vốn góp tại Eximbank và MB. Trong đó, Vietcombank đề xuất giữ phần vốn góp tại MB với tỷ lệ như hiện tại, vì cổ phiếu MB là cổ phiếu tốt và đã được NHNN chấp thuận. Đối với phần vốn tại Eximbank, theo yêu cầu của NHNN, Vietcombank sẽ tiếp tục nắm giữ phần vốn tại Eximbank cho tới hết năm 2015.
Thế nhưng, sau kỳ ĐHCĐ bất thường của Eximbank diễn ra ngày 15/12/2015, phần vốn của Vietcombank tại Eximbank vẫn được giữ nguyên. Thậm chí, người của Vietcombank còn nắm vị trí chủ chốt trong HĐQT nhiệm kỳ mới (giai đoạn 2015 - 2020) của Eximbank.
Một trong những nguyên nhân khiến việc thoái vốn của các ngân hàng khó đáp ứng đúng lộ trình của Thông tư 36 được cho là do thị trường chứng khoán ảm đạm, giá cổ phiếu ngân hàng giảm. Đồng thời, nợ xấu tăng, trích lập dự phòng cao khiến lợi nhuận teo tóp… Vì vậy, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, thoái vốn trong lúc này sẽ khó tránh việc chịu lỗ nặng.
Theo TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP. HCM, các ngân hàng chậm trễ thoái vốn là vì nếu thực hiện vào thời điểm này, giá cổ phiếu giảm sẽ khiến các ngân hàng gặp bất lợi. Thực tế, cuối năm 2015, việc đấu giá bán cổ phiếu của không ít đối tác ngân hàng đã bất thành, dù mức giá chỉ ở 5.000 - 6.000 đồng/cổ phiếu.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, vấn đề sở hữu chéo thời gian tới sẽ được NHNN kiểm soát rốt ráo và mạnh tay hơn. Vì vậy, cách tốt nhất đối với ngân hàng nhỏ, yếu kém là tìm kiếm đối tác để tiến hành M&A. Thực tế, M&A được xem là con đường ngắn và là giải pháp để các ngân hàng thương mại có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà, xóa được tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36.
Theo Thùy Vinh / Tinnhanhchungkhoan.vn