Dù các ngân hàng vẫn thường xuyên tuyển thêm nhân viên để bù đắp vào những người nghỉ việc, ở một số nhà băng, lượng nhân viên vẫn giảm mạnh trong năm vừa qua.
Nhiều người cho biết lương cao nhưng làm ngân hàng phải chịu những áp lực rất lớn. Ảnh minh họa: Thanh Lan. |
"Sau 2 năm làm chuyên viên khách hàng doanh nghiệp, lương trung bình hàng tháng đều trên 20 triệu đồng, tôi vẫn phải từ bỏ công việc ngân hàng vì những áp lực và không còn thời gian dành cho gia đình", anh Nguyễn Văn Lương (27 tuổi, quê Bắc Ninh) chia sẻ khi được khỏi về công việc hiện tại của anh.
Ngân hàng nào 'mất' nhiều người nhất?
Trong khi xã hội vẫn nhìn ngành ngân hàng bằng con mắt ngưỡng mộ với công việc ngồi máy lạnh, đếm tiền, nhận lương khủng vài chục triệu mỗi tháng thì nhiều nhân viên ngân hàng đã phải "dứt áo ra đi" vì không chịu được áp lực trong công việc này.
Theo chia sẻ của bà Ngô Thị Lan, chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn tuyển dụng ngành ngân hàng của Navigos Group, vài năm trở lại đây tài chính - ngân hàng là ngành có biến động nhân sự rất lớn cả ở cấp nhân viên và cán bộ quản lý.
Dù các ngân hàng vẫn thường xuyên tuyển dụng nhân sự để bù đắp vào lượng nhân sự nghỉ việc hoặc để mở rộng thêm mạng lưới kinh doanh, một số ngân hàng vẫn ghi nhận số lượng nhân viên giảm mạnh năm qua.
Theo báo cáo tài chính riêng ngân hàng mẹ quý IV/2017 tại gần 20 ngân hàng gồm cả tư nhân và quốc doanh, có ba ngân hàng ghi nhận số lượng nhân viên giảm mạnh năm qua gồm BIDV, NCB và SHB.
Đáng chú ý, BIDV năm qua đã tăng mạnh khoản chi cho nhân viên từ mức 24,8 triệu đồng thu nhập bình quân mỗi tháng lên mức 28,6 triệu đồng, tăng gần 4 triệu/tháng. Dù thế, số lượng nhân viên tại đây vẫn giảm mạnh năm vừa qua.
Tại ngân hàng mẹ BIDV năm qua đã sụt giảm tới 936 nhân viên so với đầu năm. Hiện tại, số lượng nhân viên tại BIDV vào khoảng 22.668 người.
Trong khi đó, số nhân viên tại NCB và SHB cũng giảm lần lượt 198 và 146 người dù các ngân hàng này đều tăng mạnh thu nhập bình quân cho nhân viên của mình vài triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài 3 ngân hàng có số lượng nhân viên sụt giảm năm qua thì các ngân hàng còn lại đều tăng mạnh về lượng nhân viên, thậm chí LienVietPostBank số lượng nhân viên còn tăng tới 2.230 người, hay tại VPBank tăng thêm 2.190 người và tại Sacombank cũng có thêm 1.413 người...
"Năm 2017 và cả năm 2018 thị trường ngân hàng đang phát triển tốt vì vậy rất nhiều ngân hàng muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành này tăng mạnh", bà Ngô Thị Lan cho hay.
Nghỉ việc vì sợ vướng vòng lao lý
Trong một báo cáo mới đây về nhân sự ngành ngân hàng của Navigos Group, nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người e ngại làm việc tại ngân hàng bên cạnh khối lượng công việc nhiều, áp lực chỉ tiêu cao thì còn là ngành ngân hàng có độ rủi ro cao về pháp lý.
Thời gian gần đây, không thiếu những vụ cán bộ ngân hàng phải hầu tòa vì các vi phạm trong hoạt động cho vay và huy động tín dụng.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, cho biết nhu cầu tuyển dụng ngân hàng tăng mạnh cũng có nguyên nhân từ việc quá nhiều cán bộ, nhân viên ngân hàng vướng vòng lao lý thời gian vừa qua.
"Có ngân hàng trong hệ thống từ tổng giám đốc đến nhân viên đều ra hầu tòa, đi tù thì phải tuyển dụng thêm để bù đắp vào chỗ đó", ông Toại cho hay.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định làm cán bộ nhân viên ngân hàng, lương có thể cao hơn so với những người cùng kinh nghiệm ở các ngành nghề khác song trách nhiệm lại rất lớn.
“Một số vụ kiện tụng xảy ra thời gian qua cho thấy không ít nhân viên khi ra toà khai rằng họ chỉ thực hiện theo mệnh lệnh cấp trên nhưng vẫn phải chịu án, buộc tội vì có trách nhiệm liên quan”, ông nói.
Từng làm việc tại nhiều ngân hàng ở Việt Nam, ông cho biết cán bộ nhân viên chịu nhiều áp lực, nhận lệnh mà không thi hành thì có thể bị sa thải, chi nhánh không đạt chỉ tiêu về huy động, tín dụng sẽ bị xếp hạng thấp, thậm chí bị phạt…
“Nhưng dù có áp lực, làm nhân viên ngân hàng, nếu biết mình làm trái luật thì thà bỏ việc còn hơn để sau có nguy cơ vướng vòng lao lý”, vị này nói.
Tuyển mới ồ ạt
Trong khi đó, 2 tháng đầu năm, rất nhiều ngân hàng đã đưa ra thông báo tuyển dụng lớn nhất trong năm với số lượng hàng nghìn ứng viên ở nhiều vị trí khác nhau.
Techcombank thông báo mở đợt tuyển nhân viên lớn nhất trong năm ở mọi vị trí. Trong khi đó, NamABank cũng tuyên bố tuyển dụng 1.000 nhân sự mới trong năm 2018.
Những vị trí NamABank cần tuyển bao gồm từ giám đốc/phó giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch cho tới chuyên viên trong các mảng quan hệ khách hàng, thẻ, công nghệ thông tin... Trước đó, cuối năm 2017, ngân hàng này cũng đã tuyển dụng mới tới 500 nhân sự.
Hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ khác cũng thông báo tuyển dụng như Vietcombank, Vietinbank, VPBank, SCB, Sacombank, HDBank, KienLongBank... với số lượng từ vài chục cho tới cả trăm nhân sự tại mỗi ngân hàng.
Không chỉ các ngân hàng trong nước mà cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 100% vốn nước ngoài cũng thông báo tuyển dụng như HSBC cũng thông báo tuyển dụng hàng loạt vị trí Trợ lý nội bộ hay chuyên viên tín dụng tại Hà Nội.
Theo Zing News