Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2020 khá lạc quan, ngay cả một số bi quan thì cũng chỉ ở mức lợi nhuận sụt giảm so với kế hoạch đặt ra trước đó. Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đến ngân hàng có độ trễ và việc ghi nhận chi phí dự phòng phải đảm bảo nguyên tắc thận trọng, kịp thời thì không biết ngân hàng nào trong số này đang thực sự bị “nội thương”.
Nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển biến đáng quan ngại.
Nhìn từ các ngân hàng châu Âu
Kinh tế châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong quí 2-2020, đặc biệt là trong tháng 4. Theo dự báo nhanh của Eurostat, GDP quí 2 của khu vực đồng euro giảm 12,1% so với quí 1, và cả sáu tháng đầu năm 2020 là giảm 15,3%. Các chính sách tài khóa và tiền tệ chưa từng có tiền lệ đã được EU sử dụng để đảm bảo không có một cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng xảy ra nhưng các ngân hàng châu Âu đã công bố kết quả kinh doanh sáu tháng vừa qua khá bi quan.
Chỉ riêng trong quí 2-2020, các ngân hàng châu Âu đã ghi nhận các khoản thua lỗ khổng lồ. Ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha và số 2 của khu vực đồng euro là Banco Santander lỗ 11,1 tỉ euro; Ngân hàng Société Générale của Pháp lỗ 1,3 tỉ euro; Ngân hàng NatWest (trước đây là RBS) của Anh lỗ 1,1 tỉ euro; và Ngân hàng Deutsche Bank của Đức lỗ 77 triệu euro.
Nhiều ngân hàng không bị vượt qua làn ranh đỏ, nhưng lợi nhuận sụt giảm kinh hoàng. Hai ngân hàng lớn của Anh là HSBC và Barclays giảm lợi nhuận ròng lần lượt là 96% và 91%. Trong khi đó, Ngân hàng BPCE của Pháp giảm 86%, Ngân hàng UniCredit của Ý giảm 77%, Ngân hàng ING của Hà Lan giảm 79%, và ngân hàng BBVA của Tây Ban Nha giảm 50%. Chỉ có một số trường hợp hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận ròng dương là BNP Paribas với 2,3 tỉ euro (giảm 7% so với quí trước) và Crédit Agricole với 1,5 tỉ euro (giảm 18% so với quí trước).
Nguyên nhân chính khiến cho các ngân hàng châu Âu sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng hay thậm chí lỗ là do việc ghi nhận chi phí dự phòng tăng đột biến. Mặc dù các gói hỗ trợ của các chính phủ và ngân hàng trung ương được ví như các khẩu bazooka, nhiều khoản vay có bảo đảm nhưng nguyên tắc thận trọng và kịp thời buộc các ngân hàng châu Âu phải ghi nhận các khoản dự phòng khổng lồ.
Không chỉ đương đầu với lợi nhuận sụt giảm, các ngân hàng châu Âu còn có một thách thức khác là tăng vốn điều lệ để phòng ngừa triển vọng kinh tế không tốt như kỳ vọng, kéo theo phá sản của các doanh nghiệp hay thị trường tài chính bị sụt giảm sâu.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã khuyến nghị các ngân hàng trong khối không chia cổ tức hay mua cổ phiếu quỹ để tăng vốn và các ngân hàng lớn đã đáp lại bằng việc giữ lại cổ tức khoảng 27,5 tỉ euro. ECB cũng đã thực hiện đánh giá khả năng bị tổn thương của 86 ngân hàng mà mình giám sát và công bố kết quả hôm 28-7 vừa qua là các ngân hàng này vẫn đáp ứng các yêu cầu an toàn. Trong trường hợp xấu nhất, tỷ lệ khả năng thanh toán (solvency ratio) giảm từ 14,5% xuống còn 8,8% và các biện pháp khẩn cấp mới sẽ được kích hoạt.
Khó có thể lạc quan cho một số ngân hàng Việt Nam
Tình hình nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển biến đáng quan ngại. Theo thông tin từ cuộc họp của Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng ngày 27-7 vừa qua, nợ xấu đã tăng 72% so với thời điểm cuối năm 2019, với lượng nợ xấu khoảng 4,43% dư nợ - tương đương 332.000 tỉ đồng. Tỷ lệ này một cách ngẫu nhiên gần với tỷ lệ nợ xấu năm 2011-2012. Thêm vào đó, mới đây UBND TPHCM đã kiến nghị kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) đến hết năm 2025.
Đối với các ngân hàng có quy mô vốn khiêm tốn, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào lãi nên nếu nhiều khách hàng bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh thì nguy cơ nợ xấu là rất cao. Trong trường hợp phải lập chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này thì hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng này sẽ dễ dàng đổi cực, thậm chí có nguy cơ mất vốn như đã xảy ra vào thời kỳ nợ xấu năm 2012.
Nếu tình hình cách ly, giãn cách xã hội ở Việt Nam mở rộng, tình hình hoạt động của một số ngân hàng sẽ trở nên trầm trọng vì nợ xấu cũ chưa xử lý xong thì nợ xấu mới lại ập đến. Khi đó, việc tái cấu trúc các ngân hàng một lần nữa là khó tránh khỏi. Các ngân hàng thực sự yếu kém phải rời cuộc chơi, như một sự đào thải của quy luật tự nhiên.
(*) Giảng viên trường Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global