Trong khi SMBC muốn mua 15% cổ phần VPBank thì theo tờ Nikkei Asia, Ngân hàng Mizuho cũng sẽ mua cổ phần 7,5% cổ phần Công ty cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M-Service), sở hữu ví MOMO.
Mizuho muốn mua 7,5% cổ phần MOMO.
Mizhuho Bank muốn 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần MOMO
Theo thông tin từ Nikkei Asia, Mizuho Bank dự định đầu tư tối đa 20 tỷ yen (170 triệu USD) để mua 7,5% cổ phần trong M-Service trước cuối năm nay. Mục tiêu của ngân hàng là tận dụng lĩnh vực bán lẻ của M-Service.
Động thái của Mizuho diễn ra trong bối cảnh SMBC - đối thủ đứng trên của Mizuho đang cấp tập mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Cuối tháng 10/2021 vừa qua, SMBC đã hoàn tất thương vụ mua lại 49% vốn Công ty tài chính FE Credit với giá gần 1,4 tỷ USD – thương vụ M&A có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Việt Nam.
Hiện SMBC cũng đang kên kế hoạch thoái sạch vốn khỏi Eximbank sau nhiều năm “mắc kẹt” để mua lại15% vốn ngân hàng mẹ VPBank. Thương vụ này dự kiến diễn ra quý I/2022 với giá trị không kém thương vụ mua lại 49% vốn FE Credit.
Dù chậm chân hơn các “đồng hương” trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, song với dự định mua 7,5% cổ phần siêu ứng dụng MOMO, Mizuho đang quyết tâm không bỏ lỡ khu vực đang tăng trưởng nhanh ở châu Á.
Được thành lập từ năm 2007, M-Service đặt mục tiêu biến MoMo trở thành một siêu ứng dụng, hiện MOMO đã có hơn 20 triệu người dùng cùng hệ sinh thái vô cùng rộng lớn.
Đầu năm nay, M-Service đã hoàn thành gọi vốn Series D, thu hút được rất nhiều nhà đầu tư lớn góp vốn: Warburg Pincus, Goodwater Capital, Affirma Capital Singapore, Kora Management, Macquaries Capital, Tybourne Capital Management. Công ty từ chối tiết lộ số tiền huy động được song theo Bloomberg, M-Service được “rót” hơn 100 triệu USD. Trong các vòng gọi vốn trước đó, công ty cũng đã huy động được hàng chục triệu USD từ Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity
Không chỉ liên tục gọi vốn thành công, MOMO cũng liên tục mở rộng hệ sinh thái. Ngày 30/6 vừa qua, MOMO vừa hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique (tên trước đây là NextSmarty) - Công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp số.
Ngân hàng Nhật ghi dấu ấn mạnh mẽ tại Việt Nam
Làn sóng ngân hàng Nhật đầu tư vào Việt Nam liên tục diễn ra mạnh mẽ thời gian qua, bao gồm cả đầu tư vào ngân hàng lẫn công ty tài chính.
Gần đây nhất, ngoài thương vụ SMBC mua 49% vốn FE Credit là Aozora mua 15% cổ phần ngân hàng TMCP OCB.
Riêng với Mizuho, ngân hàng này đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2011 trong khoản đầu tư khủng vào Vietcombank. Khoản đầu tư vào Vietcombank của Mizuho đến nay đã “một vốn bốn lời”, việc Tập đoàn này tìm thêm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ của Việt Nam là dễ hiểu.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng, ngành tài chính ở Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động M&A trong thời gian tới.
Lý do, số lượng ngân hàng tham gia thị trường vẫn lớn, trong khi đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang từng bước tái cơ cấu và tinh gọn quy mô của hệ thống ngân hàng để lĩnh vực này ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng chú ý là những ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu và những ngân hàng nhỏ yếu kém sẽ khó tránh khỏi M&A.
Trong khi đó, bà Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cũng đánh giá rằng, M&A trong ngành tài chính - ngân hàng, công nghệ, tiêu dùng... sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Không chỉ các tập đoàn tài chính nhật mà các doanh nghiệp Nhật Bản cũng gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2021, Nhật Bản đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Trong 10 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 150 dự án mới (gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước), điều chỉnh 105 lượt dự án và 170 lượt dự án góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký 3,38 tỷ USD.
”Dòng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng bất chấp những khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19 thể hiện niềm tin của doanh nghiệp FDI Nhật Bản và sức hút của thị trường Việt Nam. Đây cũng là cơ hội tốt để tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh mới”, ông Hiếu nhận định.