Trái với năm 2019, các ngân hàng nội địa đang đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm lại đáng kể, thậm chí là tăng trưởng âm trong năm nay vì Covid-19.
Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Công ty chứng khoán SSI ước tính tác động của dịch bệnh Covid-19 đến kết quả kinh doanh trong quí 1-2020 là không lớn, trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước đó. Nguyên nhân vì dịch Covid-19 bắt đầu trở phức tạp kể từ tuần thứ 2 của tháng 3
Tuy nhiên, đến quí 2 thì việc các gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong trong quí tiếp theo của các nhà băng.
Theo đó, SSI điều chỉnh giảm 11,1% và giảm 16,4% lợi nhuận trước thuế so với dự báo trước đây để phản ánh tác động của dịch Covid-19 trong 2 kịch bản: kiểm soát dịch bệnh vào cuối quí 2-2020 và thời điểm cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự kiến tăng trưởng 7,2% và 0,8% so với cùng kỳ, trong 2 kịch bản theo diễn biến dịch Covid-19 nêu trên.
Các ngân hàng đang đối mặt với thách thức nợ xấu vì Covid-19 trong năm nay. Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: VB
Có khả năng gia tăng nợ xấu trong tương lai gần
Theo Tổng cục thống kê, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng ở mức 0,68% so với cùng kỳ tính đến ngày 20-3. Đây là mức thấp nhất khi so sánh với giai đoạn từ 2015-2019 với khoảng giao động từ 1,25-2,81%, theo SSI. Điều này càng dẫn đến nhiều khó khăn cho các nhà băng trong quí tiếp theo. Nhưng tình hình có lẽ sẽ gay gắt hơn ở thời điểm năm 2021, khi đó tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ cao hơn và nợ xấu gia tăng bắt nguồn từ giai đoạn bùng phát Covid-19 trên toàn cầu, theo SSI.
Sau khi Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực ngày 13-3, các ngân hàng tiếp tục tung ra các gói hỗ trợ mới dành cho khách hàng, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19. Dự kiến những gói hỗ trợ lãi suất hiện nay dự kiến cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của ngân hàng. Chẳng hạn, theo ước tính của đại diện Vietcombank, nếu gói hỗ trợ triển khai ở quy mô 120.000 tỉ đồng thì dự kiến mức thu nhập giảm tương ứng 300 tỉ đồng.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sẽ chậm lại đáng kể ở nhiều ngân hàng, thậm chí là âm. Nguồn SSI. Đồ họa: DN.
Hiện nay, cơ quan quản lý cũng yêu cầu ngân hàng không chi trả cổ tức bằng tiền mặt, nhằm giữ lại thu nhập từ năm trước để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều hình thức để hỗ trợ các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung, chẳng hạn bao gồm động thái cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm 50% phí giao dịch liên ngân hàng (theo Thông tư 04/2020) và gia hạn thời gian nộp thuế (dự thảo sửa đổi Nghị định được đang đề xuất).
Đầu năm 2020, rất nhiều ngân hàng báo lãi lớn, không chỉ ở con số tăng trưởng mà con số tuyệt đối cũng ghi nhận nhiều kỷ lục mới. Tuy nhiên sau 3 tháng đầu năm, những kế hoạch này đã và đang chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều ngân hàng hiện đang phải tính toán, cân nhắc lại về mục tiêu kinh doanh trong năm nay, sau khi xác định đầy đủ các ảnh hưởng có thể có bởi Covid-19.
Ngân hàng BIDV trong cuộc họp đại hội cổ đông thường niên vào đầu tháng 3, công bố lợi nhuận kế hoạch là 12.500 tỉ đồng, nhưng đó là trong kịch bản kiểm soát dịch bệnh kéo dài dến cuối tháng 3. Tài liệu từ Ngân hàng TMCP Nam Á mới đây cũng đặt mục tiêu kế hoạch lợi nhuận hợp nhất trong năm nay giảm 14% so với con số thực hiện trong năm ngoái.
Trong xu hướng bị hạ triển vọng xuống tiêu cực
Hệ thống ngân hàng Việt Nam cùng 11 nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã bị hạ triển vọng xuống tiêu cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra và suy thoái kinh tế lan nhanh trên toàn thế giới.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã đưa ra đánh giá triển vọng tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng của các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, phản ánh dự báo của cơ quan này về phạm vi gián đoạn kinh tế và thị trường do dịch bệnh đang lan rộng sẽ ảnh hưởng mạnh lên môi trường và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Việc nhiều doanh nghiệp phá sản và hạn chế giao tiếp xã hội, theo đó, sẽ tác động lên các hoạt động kinh tế trong năm 2020, Moody’s dự đoán tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ quay đầu giảm tốc.
“Gián đoạn kinh tế và thị trường do virus SARS-CoV-2 gây ra khá nghiêm trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do vậy, chúng tôi dự đoán nhiều nền kinh tế tại đây sẽ đối mặt với tăng trưởng GDP âm hoặc tăng trưởng rất thấp trong năm 2020. Ảnh hưởng lên hệ thống ngân hàng là nợ xấu sẽ tăng và lợi nhuận giảm”, ông Eugene Tarzimanov, chuyên viên phân tích các tổ chức tài chính của khu vực Đông Nam Á của Moody’s, đánh giá.
Theo Moody’s, nếu các gián đoạn từ việc bùng phát dịch bệnh kéo dài qua nửa đầu năm nay, ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của các ngân hàng có thể rất lớn.
Triển vọng cho các hệ thống ngân hàng Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam bởi vậy đã được thay đổi thành tiêu cực, bên cạnh hai hệ thống ngân hàng khác là Hồng Kông và Nhật Bản cũng được Moody’s giữ nguyên triển vọng tiêu cực từ đánh giá trước.
Theo cơ quan xếp hạng này, môi trường hoạt động cho các hệ thống ngân hàng trong khu vực sẽ suy giảm đáng kể do Covid-19 gây ra với rủi ro bao trùm lên tài sản của các ngân hàng và chi phí cho vay tăng lên. Cùng với đó là lãi suất điều hành được điều chỉnh giảm bởi ngân hàng trung ương các nước, lợi nhuận của các ngân hàng do đó sẽ sụt giảm trong năm 2020.
Ông Eugene Tarzimanov lý giải các ngân hàng sẽ phải đối mặt với các khoản nợ khó có khả năng thu hồi mới đến từ khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng các công ty hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh như hàng không, bán lẻ, du lịch…
“Chúng tôi cho rằng vấn đề suy giảm lợi nhuận tại các ngân hàng sẽ đến từ các chi phí cho vay cao hơn và biên lãi ròng thấp hơn do các chính sách cắt giảm lãi suất của chính phủ các nước.”
Những ngân hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các ngân hàng có hoạt động tập trung vào khu vực, có vốn yếu hoặc thiếu vốn.
Theo hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s, hỗ trợ của chính phủ có thể được tung ra cho các ngân hàng có vai trò thiết yếu trong hệ thống, tuy nhiên các ngân hàng nhỏ hơn có thể không được hưởng các hỗ trợ này trong tương lai gần. Chính phủ nhiều nước đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ sâu rộng nhằm củng cố tình hình tài chính của các doanh nghiệp và làm giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh lên thị trường lao động và các hộ gia đình, tuy nhiên những hỗ trợ này có thể không đủ để hoàn toàn bù đắp được các tác động bất lợi của suy thoái do dịch bệnh gây ra lên các ngân hàng. |