Tín dụng tăng nhanh, nên không ít nhà băng sẽ sớm hết “room” tín dụng được giao.
Tín dụng tăng
Theo thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành 5 tháng đạt 4,67%. Trong khi đó, cùng kỳ năm trước, con số này chỉ đạt chưa tới 2%.
Trước đó, theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tín dụng tới ngày 16/4 tăng 3,34% so với đầu năm, cao hơn mức 2% tính tới cuối tháng 5/2020. Như vậy, bất chấp dịch bệnh bùng phát trở lại, tín dụng vẫn tăng trưởng ổn định.
Trong khi đó, huy động vốn tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 0,54%, trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 1,47%. Còn tại khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến ngày 31/5 đạt hơn 2,96 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 0,74% so với tháng trước và tăng 2% so với cuối năm ngoái.
Trong khi huy động vốn tăng chậm, thì dư nợ tín dụng của ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đến ngày 31/5 đạt trên 2,65 triệu tỷ đồng, tăng 1,02% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1.220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 46% và tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 3,47% so với cuối năm. Trong khi đó, dư nợ trung, dài hạn ước đạt 1.432.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54% và tăng 1,12% so với tháng trước, tăng 5,77% so với cuối năm.
Như vậy, tín dụng của nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm nay, kể cả khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4. Các ngân hàng cho biết, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng, các chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19 theo chủ trương của Chính phủ và NHNN.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVSC) cho biết, tín dụng có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với tăng trưởng huy động, khiến thanh khoản hệ thống nhiều khả năng không còn dư thừa nhiều như năm 2020. Tuy nhiên, dù tín dụng phục hồi, mức tăng sẽ không quá nóng, bởi NHNN vẫn áp hạn mức tín dụng đối với phần lớn ngân hàng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Sớm cạn room
SSI Research cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, cầu tín dụng có thể bị ảnh hưởng và NHNN sẽ kiên định mục tiêu giữ lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất vẫn sẽ giữ ổn định ở mức thấp trong quý II/2021 do thanh khoản các ngân hàng dồi dào. Việc giải ngân vốn vay cho khách hàng chậm hơn trong giai đoạn cuối tháng 5, đầu tháng 6 do một số ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được NHNN giao.
Đầu năm nay, NHNN đã giao chỉ tiêu tín dụng lần 1 cho các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Với nhóm ngân hàng quốc doanh, Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” 6,5 -7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Còn hạn mức của một số ngân hàng TMCP như VIB, ACB, Sacombank là 8,5 - 9,5%; MB, VPBank, Techcombank là 10,5 - 12%.
Nhìn chung, mặt bằng “room” tín dụng được NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng thấp hơn năm trước. Trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng tổ chức tín dụng vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” vào nửa cuối năm. Điều này cũng dẫn đến việc các tổ chức tín dụng sử dụng hết hạn mức ngay từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới room.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), năm nay, NHNN có thay đổi lớn trong điều hành tín dụng. Theo đó, NHNN sẽ thực hiện tạm giao hạn mức tăng trưởng tín dụng quý đầu năm để các ngân hàng bám sát triển khai, trong khi chưa tính toán xong mục tiêu cả năm 2021. Tức là, NHNN vẫn thực hiện cách thức thông thường, cấp hạn mức tín dụng theo năm cho các ngân hàng thương mại.
Những năm trước, NHNN sẽ sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm ngày 31/12 năm trước để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau.
Về lâu dài, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, NHNN nên cân nhắc bỏ cách điều hành mang tính hành chính đối với tín dụng, thay vào đó, cần quản lý theo hệ số an toàn vốn (CAR).