Không chỉ vấn đề nhân sự, nợ xấu, dự phòng, lợi nhuận, cổ tức, mà áp lực tăng vốn để đáp ứng các chuẩn mới theo quy định của Hiệp ước vốn Basel II cũng khiến các nhà băng đau đầu trước và sau kỳ đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2017.
“Căng” chuyện tăng vốn
HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa có thông báo gửi các cổ đông về ngày chốt danh sách cuối cùng để tiến hành ĐHĐCĐ là ngày 27/3 và ngày tiến hành ĐHĐCĐ là cuối tháng 4/2017. Năm qua, Saigonbank chưa thể thực hiện tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng, dù đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã thoái vốn tại Saigonbank từ 10,39% xuống 4,91% vốn cổ phần, nhằm đáp ứng lộ trình quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Không chỉ ngân hàng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng có tiềm lực vốn lớn, như MB, đều có kế hoạch tăng vốn. Ảnh: Đ.T |
Dù chưa được tiết lộ, song theo một nguồn tin, nhiều khả năng, Saigonbank sẽ tái trình cổ đông thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ tại kỳ đại hội năm nay và khó có thể trì hoãn kế hoạch này. Thực tế, trong 4 năm qua, Saigonbank đã không thể triển khai kế hoạch tăng vốn và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) từng có lời đề nghị được sáp nhập thêm nhà băng này.
Áp lực tăng vốn càng nặng nề hơn với các nhà băng có vốn điều lệ chỉ bằng hoặc cao hơn chút đỉnh so với mức vốn pháp định theo quy định (3.000 tỷ đồng), như: Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) hay Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank)… Trong bối cảnh thị trường khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng giảm, việc nâng vốn của các ngân hàng này không hề dễ dàng.
Trong khi đó, để đáp ứng chuẩn Basel II, điều kiện cần và đủ đối với các ngân hàng là phải nâng cao năng lực tài chính. Thời gian quy định cho tất cả các ngân hàng phải áp dụng chuẩn quốc tế Basel II, thay vì chỉ có 10 nhà băng thí điểm như hiện nay là vào cuối năm 2018. Do đó, không chỉ ngân hàng nhỏ, mà ngay cả những ngân hàng đã có tiềm lực vốn lớn, như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)… đều có kế hoạch tăng vốn.
Ông Đào Minh Anh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị rủi ro của OCB cho biết, OCB dự kiến sẽ nâng vốn lên mức 5.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn lên đến mức nào, thời điểm, phương thức huy động vốn ra sao, đều đã được OCB cân nhắc để phù hợp với điều kiện hiện tại. Được sự hậu thuẫn và ủng hộ tối đa từ HĐQT, việc tăng vốn của Ngân hàng trong năm 2017 rất khả thi.
Đua thoái vốn khỏi ngân hàng
Trong khi các ngân hàng nỗ lực tăng vốn, thì nhiều tổ chức thoái vốn khỏi ngân hàng nhỏ, nhằm đáp ứng quy định thoái vốn ngoài ngành. Chẳng hạn, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tiến hành đấu giá thoái hết cổ phần đang nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) và OCB vào tháng 3/2017. Trước đó, trong quý III/2016, Vinamilk đã thoái vốn thành công toàn bộ hơn 2 triệu cổ phần Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)…
Trong khi các ngân hàng nỗ lực tăng vốn, thì nhiều tổ chức thoái vốn khỏi ngân hàng nhỏ, nhằm đáp ứng quy định thoái vốn ngoài ngành. |
Rõ ràng, không chỉ chịu áp lực tăng vốn, mà các nhà băng nhỏ còn chịu áp lực thoái vốn. Trong khi đó, theo đánh giá của các nhà phân tích chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng năm nay khó cải thiện đột biến, trừ một số mã ngân hàng lớn, kinh doanh hiệu quả Vietcombank, ACB, VietinBank, MB…
Ông Bạch An Viễn, Trưởng phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, so với 3 năm trước, hoạt động của ngành ngân hàng đã có cải thiện tích cực, song không đồng đều giữa các ngân hàng. Do vậy, cổ phiếu ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh mẽ, kể cả cổ phiếu đã niêm yết.
TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Khối Nghiên cứu kinh tế trưởng Tập đoàn Dragon Capital cũng cho rằng, cổ phiếu ngân hàng hiện cũng có sự phân hóa rõ nét. Một số cổ phiếu của ngân hàng đã niêm yết trên sàn rất tốt, nhất là những ngân hàng quy mô lớn và đã xử lý sạch nợ xấu như: Vietcombank, ACB... Ngược lại, cổ phiếu của những nhà băng quy mô nhỏ và vừa mà nợ xấu còn cao, thì vẫn khó có thể tăng giá.
Vân Linh / InfoMoney