Việc ngân hàng tận thu từ phí dịch vụ, đặc biệt phí dịch vụ ngân hàng điện tử đang khiến nhiều khách hàng bức xúc.
Ảnh minh họa. |
Giảm “độc canh” tín dụng
Sở hữu tới hơn 10 triệu khách hàng cá nhân, nên Vietcombank điều chỉnh một loạt phí dịch vụ từ đầu tháng 3/2018 đã tạo nên một làn sóng tranh luận sôi nổi trong dư luận, trên các diễn đàn, các mạng xã hội. Tại các hội, các nhóm buôn bán trên facebook, rất nhiều người dùng lên tiếng đòi tẩy chay dịch vụ ngân hàng này, kêu gọi người dùng chuyển sang tài khoản ngân hàng khác.
Mặc dù đại diện Vietcombank lên tiếng khẳng định, việc điều chỉnh phí dịch vụ đi kèm với việc ra mắt hàng chục tiện ích, dịch vụ mới, hợp tác với hàng trăm nhà cung cấp…, song vẫn không xoa dịu được sự bức xúc của người tiêu dùng.
Ở góc nhìn của các chuyên gia, việc ngân hàng tăng phí là điều khá dễ hiểu: “Cá ngân hàng muốn tăng doanh thu từ dịch vụ, thay vì độc canh tín dụng. Điều này phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành ngân hàng, giúp các ngân hàng phát triển bền vững”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận xét.
Trong khi đó, trả lời phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Bùi Quang Tín, Giám đốc sáng lập Trường Doanh nhân Bizlingt cũng cho rằng, Vietcombank tăng phí là phù hợp. “Hiện nay, yêu cầu của người dân về dịch vụ ngân hàng ngày càng cao, yêu cầu đầu tư bảo mật cũng ngày càng lớn. Chính vì vậy, ngân hàng tăng phí là điều dễ hiểu”, ông Tín nói.
Ông Tín cũng hy vọng, với việc tăng phí, ngân hàng sẽ ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt đảm bảo an toàn bảo mật tốt hơn, không để xảy ra các sự cố mất tiền, tài khoản bốc hơi của khách hàng.
Quá nhiều loại phí
Việc tăng phí của Vietcombank vừa qua “nhắm” chủ yếu vào các giao dịch trên ngân hàng điện tử (Internet Banking, Mobile Banking). Điều này cho thấy, ngân hàng này đã “đón đầu” rất tốt khi số lượng giao dịch thanh toán, chuyển khoản online đang tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh toán điện tử mới ở giai đoạn đầu, Chính phủ đang đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp khuyến khích thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, việc ngân hàng tăng phí có thể sẽ gây ra hiệu ứng tiêu cực.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra hàng chục loại phí với chủ thẻ. Nếu tiếp tục tăng phí, áp dụng thêm các loại phí với dịch vụ Internet Banking, mục tiêu của Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, đến năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng, bởi chi phí sử dụng tài khoản và thẻ khách hàng nhiều ngân hàng đã lên tới hàng trăm ngàn đồng/năm.
Chính vì vậy, dù tán thành ngân hàng phải tăng thu từ mảng dịch vụ để giảm phụ thuộc vào tín dụng, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, phí ngân hàng ở Việt Nam đang quá cao. Việc tăng phí ngân hàng có mặt bất lợi là sẽ tác động tiêu cực đến chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt. Hơn nữa, khách quan mà nói, các ngân hàng Việt Nam đang tính phí nhiều quá, trong đó có rất nhiều khoản phí vô lý mà ngân hàng các nước, ngay cả ngân hàng ở Mỹ, cũng không áp dụng.
“Khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, thậm chí để hàng chục triệu đồng trong tài khoản với lãi suất không kỳ hạn, ngân hàng sử dụng số tiền đó để kinh doanh kiếm lời, nhưng vẫn thu nhiều loại phí như phí tra cứu thông tin tài khoản, phí duy trì tài khoản… là vô lý”, ông Hiếu nói.
Vietcombank đang là ngân hàng có lợi cao nhất hệ thống hiện nay, một phần là nhờ huy động được lượng tiền gửi với lãi suất không kỳ hạn rất lớn trong cơ cấu tiền gửi. Tuy vậy, với việc điều chỉnh phí, có thể Vietcombank sẽ mất một lượng khách hàng cá nhân không nhỏ. Đây cũng là cơ hội của nhiều ngân hàng khác trong bối cảnh cạnh tranh bán lẻ đang diễn ra gay gắt. Hiện tại, trên thị trường có khá nhiều ngân tầm trung có dịch vụ và công nghệ tốt, phí dịch vụ hợp lý như VPBank, VIB, TPBank, Techcombank…
Theo InfoMoney