Khó thu hồi các khoản vay với những doanh nghiệp có sức chống chịu kém trước dịch bệnh, nợ xấu ngành ngân hàng nguy cơ gia tăng thời gian tới.
Trong thời gian giãn cách xã hội và được nghỉ làm luân phiên, Nguyễn Thơm - nhân viên tín dụng có thâm niên ba năm tại một ngân hàng cổ phần, vẫn phải tới tận nhà khách nhắc nợ. Cô cho biết, trước đây rất ít trường hợp trả chậm thì nay việc quá hạn 7-9 ngày đang có xu hướng tăng lên. "Thời gian tới, tình hình nợ nần chắc sẽ còn xấu hơn khi nhiều khách hàng mất khả năng chi trả vì dịch bệnh", cô lo lắng.
Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho thấy, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp duy trì được hoạt động không quá 3 tháng, 50% doanh nghiệp trụ được nửa năm. Điều này sẽ gây sức ép lên nợ xấu và lợi nhuận của các ngân hàng.
Phó giám đốc quản trị rủi ro tín dụng của một nhà băng có vốn nhà nước cho hay, việc tái cơ cấu hay cho vay có thể cứu những doanh nghiệp khó khăn tạm thời trong một - hai kỳ. "Nhưng với những doanh nghiệp sức chống chịu kém và không thích nghi kịp thì việc giãn nợ cũng chỉ mang tính kéo dài thời gian chết vì cơ bản thị trường đã không còn như xưa", ông nói.
Hiện nguy cơ nợ xấu đã và đang rình rập các ngân hàng. Trong báo cáo tài chính quý I vừa công bố của Vietcombank cho thấy, khi tỷ lệ nợ xấu vẫn giữ quanh ngưỡng 0,8%, tương đương cuối năm 2019, thì dư nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) của nhà băng này tăng gần gấp đôi lên hơn 5.000 tỷ đồng. Đây là những khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày.
Tương tự, nợ xấu nội bảng của Sacombank cuối quý I/2020 ở mức 6.046 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết lo ngại nợ xấu sẽ tăng do những tác động của Covid-19. Theo đánh giá sơ bộ của cơ quan này, khoảng 23% dư nợ toàn ngành - tương đương con số 2 triệu tỷ đồng bị ảnh hưởng, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động ngân hàng. Trong đó, dư nợ của một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng chiếm tỷ trọng lớn như công nghiệp chế biến - chế tạo; khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô phụ tùng...
Ngân hàng Nhà nước cũng nhìn nhận, tỷ lệ nợ xấu chắc chắn tăng trong bất kỳ trường hợp nào. Kịch bản tốt nhất là dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã phân loại sẽ ở mức 2,9-3,2% vào cuối quý II và 2,6-3% vào cuối 2020. Nếu dịch được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ tăng lên 4% và 3,7% tương ứng cuối quý II và cuối năm nay. Thậm chí, nợ xấu có thể còn cao hơn, ảnh hưởng đến tiến độ cơ cấu, xử lý của các ngân hàng và khả năng phục hồi các nhà băng yếu kém.
Hàng quán, trung tâm mua sắm đóng cửa vì Covid-19 ngày 13/4. Ảnh: Ngọc Thành.
Không chỉ nợ xấu, lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng chịu áp lực đáng kể theo nhận định của Fitch Ratings. Nhu cầu tín dụng giảm khiến thu nhập từ lãi của ngành này bị ảnh hưởng. Các chính sách cơ cấu nợ, giảm mạnh lãi vay cũ và mới trong khi lãi suất tiết kiệm giảm không nhiều sẽ gây áp lực lên lợi nhuận.
4 ngân hàng quốc doanh mới đây được dự báo sẽ giảm 40% lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, theo chỉ đạo của Thống đốc. Tới nay, nhà băng dẫn đầu hệ thống đã giảm ít nhất 2.200 tỷ lợi nhuận để chia sẻ khó khăn, giảm lãi suất cho khách hàng.
Theo tính toán của Viện đào tạo & nghiên cứu BIDV, lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng sẽ bị giảm 30.000-34.000 tỷ đồng, tương đương mức giảm 21-25% so với năm ngoái.
Còn Công ty chứng khoán SSI ước tính kết quả lợi nhuận thiếu khả quan của ngành ngân hàng sẽ được phản ánh rõ vào quý II/2020 khi thu nhập lãi, phí và thu hồi nợ xấu giảm xuống. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo có mức tăng trưởng 7,2% nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý II. Trong kịch bản xấu nhất khi dịch bệnh diễn biến đến cuối năm, lợi nhuận của ngành ngân hàng chỉ tăng 0,8%.
Đứng trước những khó khăn trên, hiện một số ngân hàng như SHB, HDBank, Sacombank... đã phải giảm lương cán bộ, nhân viên, trong đó có nơi giảm đến 50% lương lãnh đạo cấp cao để tiết giảm chi phí.
"Ngân hàng gặp khó khăn, lợi nhuận giảm, thật lòng tôi cũng chẳng mong chờ gì vào khoản thưởng nữa. Lương tháng này thì chắc tầm 6 triệu, giảm tới 40%", cô nhân viên tín dụng của một ngân hàng thở dài.
Ngân hàng hướng dẫn khách hàng giao dịch an toàn mùa dịch. Ảnh: VietinBank.
Chủ tịch Ngân hàng Công Thương - VietinBank Lê Đức Thọ nói rằng, các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch và mức độ ảnh hưởng còn rất khó để có thể lường đoán. Ông cho hay, ngân hàng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất, vì đây là ngành kinh tế tổng hợp. Mọi tác động của dịch bệnh đều khiến các nhà băng gặp khó khăn.
"Chính vì vậy, bên cạnh những giải pháp của các ngân hàng thương mại trong việc cơ cấu lại nợ, điều chỉnh lãi suất vay với người dân, thì chính ngân hàng cũng rất cần có chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước", ông nhấn mạnh.
Ông Thọ cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn với mức lãi suất thấp, tuy không nhiều nhưng cũng giúp các ngân hàng thương mại giảm mạnh hơn nữa lãi suất cho vay. Ngoài ra, Chính phủ mới đây đã đồng ý đưa ngân hàng vào diện được giãn thời hạn nộp thuế.
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định "ngành ngân hàng năm nay sẽ rất khó khăn". Vì vậy, ngoài những giải pháp trên các nhà băng cũng phải nâng cao sức chống chịu và tuân thủ theo quy định Basel II, bằng cách tiếp tục tăng vốn điều lệ - vốn được xem tấm đệm phòng bị rủi ro. Không thể vì bối cảnh dịch bệnh mà sao nhãng những kế hoạch nằm trong lộ trình, ông nói.
Ông cũng cho rằng, các nhà băng nên tận dụng thời điểm nhu cầu giao dịch ngân hàng số tăng trong mùa dịch để phát triển dịch vụ. Đồng thời, ngân hàng đẩy mạnh tín dụng cho những lĩnh vực như thiết bị y tế, sản xuất khẩu trang... và các ngành phát triển mạnh sau dịch.