Trong kế hoạch hoạt động năm nay của nhiều ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ, việc tăng vốn điều lệ tiếp tục được đặt ra, với kỳ vọng “níu chân” cổ đông lớn theo quy định Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ lên 4.080 tỷ đồng theo phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Theo đó, Saigonbank dự kiến phát hành thêm 92 triệu cổ phiếu (tương đương 920 tỷ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu), theo hình thức phát hành riêng lẻ, có thể được thực hiện trong một đợt hay nhiều đợt do HĐQT lựa chọn tùy theo tình hình thực tế.
Nếu Saigonbank hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ nêu trên trong năm nay, thì hai cổ đông lớn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ thoát án “vượt rào” sở hữu chéo theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Hiện Vietcombank sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng khác và 1 công ty tài chính, trong đó có tỷ lệ sở hữu vượt 5% tại 3 tổ chức tín dụng.
Saigonbank sẽ phát hành 92 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng trong năm 2016
Trả lời tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, trước mắt NHNN cho phép Vietcombank giữ nguyên tỷ lệ 7% tại MB, vì đây là ngân hàng hoạt động hiệu quả. Vietcombank sẽ chỉ giữ lại cổ phần ở 2 ngân hàng, nhưng việc giữ lại ngân hàng nào sẽ được quyết định căn cứ vào tín hiệu thị trường và kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng.
Không chỉ Vietcombank nắm cổ phần tỷ lệ lớn tại Saigonbank, mà VietinBank cũng nắm gần 8% cổ phần tại ngân hàng này. Do đó, việc tăng vốn thành công của Saigonbank được xem là kỳ vọng lớn của các cổ đông trong việc thoát án “vượt rào”.
Tuy nhiên, tăng vốn thành công trong bối cảnh hiện nay là điều không dễ, nhất là với những ngân hàng nhỏ, nợ xấu tăng như Saigonbank, khi thị trường chứng khoán còn khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng chưa được cải thiện. Thực tế, ngân hàng này đã nhiều năm thất bại trong kế hoạch tăng vốn điều lệ và từng có ý định sáp nhập với Vietcombank…
Theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trước ngày 1/2/2016, các ngân hàng phải xây dựng phương án xử lý, biện pháp và kế hoạch thoái vốn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định theo lộ trình đưa ra sau 1 năm kể từ khi Thông tư có hiệu lực (ngày 1/2/2015). Thế nhưng, hiện đã quá hạn lộ trình theo quy định, vẫn còn nhiều ngân hàng chưa thể thực hiện việc thoái vốn.
Khó thoái vốn trong bối cảnh thị trường hiện nay và để tránh được làn sóng sáp nhập khi năng lực tài chính còn thấp, cổ đông lớn thoái vốn, các ngân hàng trong tình cảnh này đã nỗ lực tăng vốn điều lệ trong những năm qua. Mục đích là nâng cao năng lực tài chính, đồng thời “níu” các cổ đông lớn khi họ thoát án “vượt rào”.
Được biết, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng có kế hoạch tăng vốn từ 4.500 tỷ lên 5.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn sẽ giúp Vietcombank giảm được tỷ lệ sở hữu tại OCB (hiện là 5,07%). Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay vẫn chưa được triển khai.
Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính, ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM), hiện các ngân hàng phải nỗ lực tăng vốn, nhưng trước diễn biến khó khăn của thị trường, cổ phiếu ngân hàng không dễ thu hút nhà đầu tư. Trong năm qua, một số cổ đông ngân hàng đã đem đấu giá cổ phiếu với giá bán dưới mệnh giá, nhưng khó thành công. Đó cũng là lý do Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) hiện còn “ế”‘ cổ phiếu của một số ngân hàng, dù giá chào bán chưa đến 5.000 đồng/cổ phiếu. Vì vậy, để giảm sở hữu chéo, thời gian qua, các ngân hàng có cùng dáng dấp chủ sở hữu đã đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất (M&A), như Techcombank mua lại VCFC, VPBank mua CMF; HDBank mua SGVF...
Thùy Vinh / baodautu.vn