Với việc Thông tư số 06/2016/TT-NHNN được ban hành, việc “siết” tín dụng vào lĩnh vực bất động sản phần nào đã "dễ thở" hơn.
Mặc dù chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là kiểm soát chặt tín dụng bất động sản (bất động sản) để hạn chế rủi ro nợ xấu, nhưng việc NHNN vừa ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã phần nào giúp bất động sản có phần dễ thở hơn khi việc “siết” tín dụng lĩnh vực này được ấn định theo lộ trình. Theo đó, hệ số rủi ro, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong các ngân hàng vẫn giữ nguyên trong năm nay.
Hiện tại, vay mua bất động sản tại Ngân hàng Quốc tế (VIB) được hưởng lãi suất 7,49%/năm. Lãi suất sau thời gian ưu đãi bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ 3,99%/năm.
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi bằng 0 để thu hút khách hàng vay vốn mua nhà. Cụ thể, khách hàng có nhu cầu vay mua căn hộ liền kề thuộc Dự án Mon City được hưởng lãi suất 0% trong 6 tháng đầu tiên. Mới đây, HDBank còn tung gói tín dụng 6.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ 7%/năm. Với số tiền vay từ 1 tỷ đồng trở lên, tùy thời hạn và mục đích vay, HDBank áp dụng lãi suất 7%/năm trong 3 tháng đầu, 8%/năm trong 6 tháng đầu, 8,5%/năm trong 9 tháng đầu, hoặc 10,5%/năm trong 12 tháng đầu…
Rủi ro không chỉ nằm ở cho vay bất động sản, mà có thể xảy ra với bất cứ hình thức tín dụng nào
Mới đây, NHNN xác định lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 50% từ ngày 1/1 đến 31/12/2017 và xuống 40% từ ngày 1/1/2018. Đồng thời, các nhà băng có điều kiện hơn trong cho vay bất động sản khi hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%, thay vì 250% như dự kiến.
TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM) cho rằng, quy định như vậy là phù hợp hơn bởi các ngân hàng có lộ trình điều chỉnh, thay vì phải chạy đua tăng lãi suất kỳ hạn dài để cân đối nguồn vốn như trong thời gian qua.
Đánh giá thị trường bất động sản, ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ VIB cho hay, trong năm 2016 có nhiều dự án được giới thiệu trên thị trường. Dự kiến năm 2016, bất động sản sẽ tiếp tục tăng ở các phân khúc đất nền, nhà ở thương mại, chung cư. Trong đó, phân khúc chung cư cao cấp sẽ được các chủ đầu tư đưa ra thị trường nhiều hơn. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản có xu hướng liên kết với vài ngân hàng để cung cấp các sản phẩm trọn gói, giúp khách hàng yên tâm có nguồn tài chính hỗ trợ việc mua nhà. Do vậy, thị trường bất động sản sẽ càng nhộn nhịp và hấp dẫn hơn.
“Rủi ro không chỉ nằm ở cho vay bất động sản, mà có thể xảy ra với bất cứ hình thức tín dụng nào. Nhưng các ngân hàng đã trải qua thời kỳ bong bóng bất động sản vài năm trước, nên đã kiểm soát rủi ro hiệu quả hơn. Khi cho vay, các ngân hàng sẽ xem xét các yếu tố như nhu cầu vay mua bất động sản để ở, chứ không phải đầu tư; dự án có chọn lọc; nhà đầu tư uy tín. 2016 vẫn là năm phát triển của bất động sản, do nhu cầu tăng, nên dòng chảy tín dụng vào bất động sản tăng trưởng là điều tất yếu, song sẽ không đột biến. Kiểm soát rủi ro tín dụng vẫn là công tác được quan tâm, song song với tăng trưởng dư nợ”, ông Godfrey phân tích.
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam của HSBC vừa công bố, quan điểm của các nhà quản lý mới cho thấy, định hướng khuyến khích tăng trưởng kinh tế mãnh liệt hơn, nên chính sách tín dụng có thể nới lỏng hơn… HSBC nhận định, Chính phủ Việt Nam dường như sẽ đưa ra chính sách khuyến khích tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng sẽ cho phép NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng lên gần mốc 20% trong nửa cuối năm nay. Động thái này sẽ tốt cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Thùy Vinh / baodautu.vn