Dưới đây là ý kiến của một công ty chứng khoán về kết quả kinh doanh của 3 ngân hàng top 1 và những dự đoán cho lợi nhuận năm 2017.
Năm 2016 trôi qua có thể coi là một năm thành công của ngành ngân hàng khi lãi suất được duy trì khá ổn định, tăng trưởng tín dụng cả năm 18,71%, nợ xấu chỉ còn 2,46% góp phần giúp GDP tăng trưởng và kiềm chế lạm phát.
Lãi suất ổn định giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong quá trình hoạt động, từ đó tạo ra lợi nhuận cho chính mình và cũng trả được lãi vay cho các ngân hàng. Lợi nhuận các ngân hàng tăng lên chính là minh chứng cho sức khỏe của các doanh nghiệp, thể hiện rõ nhất qua 3 ngân hàng top 1: Vietcombank, VietinBank, BIDV.
Vietcombank đã công bố lợi nhuận 2016 đạt hơn 8.212 tỷ đồng, tăng trưởng tới 23,4% và là con số lớn nhất từ trước tới nay.
Tín dụng của Vietcombank đã tăng trưởng 18,9%, cao hơn so với kế hoạch. Tăng trưởng Vietcombank đạt được chủ yếu nhờ cho vay khách hàng cá nhân (tăng 48,8%) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (tăng 39%).
Về phía huy động vốn, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đóng góp tích cực cho Vietcombank với mức tăng trưởng 51,3%.
Theo đánh giá của công ty chứng khoán, lợi thế của Vietcombank là chi phí huy động vốn thấp, chất lượng tài sản ưu việt và cấu trúc thu nhập tốt. Vietcombank có thể sẽ dễ dàng chuyển đổi theo yêu cầu của Basel 2 và lợi nhuận có thể sẽ tăng tốc trong thời gian tới. Lợi nhuận Vietcombank được dự đoán sẽ lên tới 11.176 tỷ đồng, tăng trưởng 33,7%.
So với Vietcombank, lợi nhuận của VietinBank thậm chí còn cao hơn, khi thông tin trên báo chí cho biết ngân hàng này lãi tới 8.250 tỷ đồng, tăng trưởng 12%.
Trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng, VietinBank cho vay khách hàng cá nhân tăng 35%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 29% và doanh nghiệp FDI tăng 34%.
Nợ xấu của VietinBank liên tục giảm, từ 0,92% cuối năm 2015 hiện chỉ còn 0,82%. Trong năm 2017, lợi nhuận của VietinBank được dự đoán có thể tăng lên trên 9.200 tỷ đồng. Mặc dù vậy, ngân hàng này có một số khó khăn như phải trả cổ tức bằng tiền mặt, khiến nguồn lực suy giảm hay các vấn đề tồn đọng xoay quanh vụ Huyền Như phải xử lý trong năm tới.
Về phía BIDV, lợi nhuận nhà băng này là 7.507 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ so với năm trước, nhưng là do ngân hàng mới nhận sáp nhập MHB hồi năm 2015 và đang hòa nhập bộ máy để phát triển.
Nợ xấu của BIDV hiện chỉ còn 1,47% và đã giảm đáng kể so với con số 2,03% cuối quý 3/2016 do ngân hàng quyết liệt xử lý nợ.
Tính đến cuối năm 2016, tài sản của BIDV đã vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm trước và chiếm tới 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng. Quy mô tài sản này đưa BIDV thành ngân hàng số 1, cao hơn 20.000 tỷ đồng so với Agribank. BIDV mới đây còn được chọn là ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp do The Asia Banker bình chọn.
Báo cáo của một công ty chứng khoán mới đây cho rằng, BIDV có thể sẽ tiếp tục nâng vốn cấp 1 thêm khoảng 25% để nâng cao hệ số CAR lên 9,4% vào cuối năm 2017, với giả định tổng tài sản tăng tiếp 16-18% trong năm sau. Lợi nhuận BIDV năm 2017 được dự đoán khoảng 7.528 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, thông tin lợi nhuận các ngân hàng đã nhanh chóng được các nhà đầu tư đón nhận đầy tích cực. Những ngày đầu năm mới, cổ phiếu các ngân hàng đồng loạt tăng giá mạnh. Cổ phiếu của BIDV từ mặt bằng giá 14.000-15.000 đồng/cổ phiếu đã tăng lên 16.000-16.500 đồng/cổ phiếu và góp phần kéo thị trường chứng khoán khởi sắc đầu năm mới.
Biểu đồ giá cổ phiếu BID 1 tháng qua
Cũng trong những ngày đầu của 2017, ngành ngân hàng liên tục có những thông tin tích cực, như tỷ giá giảm, ngân hàng nhà nước mua ròng ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia. Các ngân hàng đang rục rịch lên sàn và sẽ nâng cao tính minh bạch với nhà đầu tư, khởi đầu là VIB và trong tương lai có thể là VPBank, Techcombank, Maritimebank, Kienlongbank...
Hà My
Theo Trí Thức Trẻ