"Rồng đến nhà tôm" ý chỉ cách nói khiêm nhường của người được đón khách quý và cao sang đến nhà. Một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bắt đầu được đón khách như vậy trong 2017.
Với kết quả kinh doanh bắt đầu khởi sắc từ 2017, chắc chắn sẽ có quy mô lớn hơn nữa lượng thuế đóng góp từ khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân - Ảnh: Quang Phúc. |
Đó là nguồn tiền gửi từ ngân sách, đầu mối chính và có quy mô lớn tập trung ở Kho bạc Nhà nước.
Suốt hàng chục năm qua, hàng trăm nghìn tỷ đồng nguồn vốn này vẫn thường trực trong hệ thống ngân hàng, cao thấp tùy thời điểm, và chỉ tập trung gửi ở các ngân hàng thương mại Nhà nước, gồm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank).
Chủ yếu nằm ở dạng tiền gửi thanh toán, nguồn vốn này vừa lớn vừa có lãi suất thấp, tạo đầu vào thuận lợi cho những điểm đến, cân đối chi phí vốn, như một đặc quyền.
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cập nhật một số thời điểm cho thấy, quy mô tiền gửi này cuối tháng 5/2017 lên tới khoảng 143 nghìn tỷ đồng, tăng tới 50,2% so với đầu năm; cuối tháng 8/2017 lên tới khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng tới 68% so với đầu năm.
Còn với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hàng chục năm qua họ hầu như không có được nguồn vốn thuận lợi cùng chi phí lãi suất thấp tương ứng như vậy để kê cho hoạt động. Thay vào đó, họ hoàn toàn phải đi cạnh tranh thu hút vốn trên thị trường.
Nhưng, đã bắt đầu có thay đổi trong năm 2017.
Báo cáo tài chính định kỳ từ giữa năm qua của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân bắt đầu đón nhận nguồn tiền gửi này, như "rồng đến nhà tôm" vậy. Bởi rất ít thành viên được đón, cũng như lượng gửi nhỏ.
Hiện nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2017 để có mức độ chung. Còn tra cứu sơ bộ các kỳ cập nhật gần đây, chủ yếu mới chỉ thể hiện ở một số trường hợp như Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Cụ thể, tại MB chốt sổ 31/12/2017 có ghi nhận được hơn 1.847 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, trong khi cùng kỳ các năm về trước không có được nguồn này.
Tương tự, tại LienVietPostBank, khoản 2.000 tỷ đồng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước cũng bắt đầu xuất hiện ở kỳ chốt sổ 30/9/2017.
Đó là những con số rất nhỏ so với quy mô ưu thế tại các ngân hàng thương mại nhà nước.
Có tính chất sự kiện, cuối năm vừa qua Vietcombank nắm trọn giao dịch Nhà nước thoái vốn tại Sabeco. Lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại đây đột biến, lên tới hơn 165 nghìn tỷ đồng chốt sổ 31/12/2017. Còn kỳ trước đó, tại 30/9/2017 là hơn 56,3 nghìn tỷ đồng.
Quy mô tiền gửi trên cũng thể hiện rõ ở hai ngân hàng thương mại nhà nước khác là BIDV và VietinBank. Tại BIDV, chốt 30/9/2017 có được hơn 40,7 nghìn tỷ đồng; tại VietinBank cùng thời điểm có hơn 26,4 nghìn tỷ đồng.
Thực tế dòng chảy thanh toán hàng ngày quy mô tiền gửi này có thể lớn hơn so với thời điểm chốt sổ các quý.
Như trên, nguồn tiền gửi "rồng đến nhà tôm" bắt đầu xuất hiện với khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trong năm 2017. Đây cũng là năm đầu tiên Thông tư 315/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực.
Trong thông tư đó có điểm quy định: "Căn cứ vào nhu cầu và tình hình thực tế, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước xem xét, quyết định việc lựa chọn mở thêm tài khoản tại ngân hàng thương mại khác ngoài các hệ thống ngân hàng thương mại mà Kho bạc Nhà nước hiện đang mở tài khoản".
Dù mới chỉ số ít thành viên khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân được đón "khách quý", lượng tiền gửi chia sẻ còn thấp trong 2017, nhưng ít nhất cũng đã có một sự khởi đầu.
Ngược lại, với ngân sách Nhà nước, với kết quả kinh doanh bắt đầu khởi sắc từ 2017, chắc chắn sẽ có quy mô lớn hơn nữa lượng thuế đóng góp từ khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Theo VnEconomy