Cuối tuần qua, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chính thức nhận được giấy phép sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Vinaconex-Viettel (VVF). Cuộc chuyển đổi thứ hai trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam tiếp tục định hình rõ nét.
Tại SHB, một số nhà đầu tư nước ngoài trả giá gấp "ba chấm" để đầu tư vào công ty tài chính tiêu dùng đang chuẩn bị ra mắt
Những năm 2005-2007, một loạt ngân hàng nông thôn được chuyển đổi thành ngân hàng thương mại đô thị. SHB có mặt trong cuộc chuyển đổi đó, và cũng là thành viên đứng vững, mở rộng nhanh quy mô cho đến nay.
Cũng là SHB, thành viên đầu tiên tham gia cụ thể quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng từ 2011, qua sáp nhập Habubank. Và với giấy phép trên, một lần nữa ngân hàng này tham gia vào cuộc chuyển đổi lớn trong hệ thống: các công ty tài chính lần lượt tách khỏi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để về với các ngân hàng thương mại.
Đầu tuần qua, cuộc chuyển đổi trên tiếp tục thêm sôi động, khi thương hiệu Mcredit chính thức ra mắt, kết quả từ việc Ngân hàng Quân đội (MB) sáp nhập Công ty Tài chính Cổ phần Sông Đà.
Lợi ích đa chiều
Năm 2011, kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại đặt ra. Một mảng nhỏ trong đó ít được chú ý: các công ty tài chính. Dù nhỏ nhưng lại gắn với những vấn đề và tồn tại lớn.
Tổng tài sản của các công ty tài chính từng lên tới 170.000 tỷ, nợ xấu tại nhiều thành viên từng ở mức rất cao 30-40%, tình trạng làm ăn thua lỗ mở rộng. Một mặt, rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung; mặt khác, tài sản Nhà nước có nguy cơ mất mát, bởi phần lớn thuộc sở hữu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, mà yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành gần như kẹt cứng.
Chiến lược “tái cơ cấu ngầm” đặt ra. Ngân hàng Nhà nước định hình cơ chế, tất cả các ngân hàng thương mại muốn phát triển tài chính tiêu dùng buộc phải thực hiện qua công ty tài chính trực thuộc và chuyên biệt. Cuộc chuyển đổi theo cơ chế diễn ra nhanh trong ba năm qua.
Một loạt ngân hàng thương mại lần lượt mua lại, sáp nhập các công ty tài chính, chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng, như VPBank, Maritime Bank, HDBank, Techcombank, MB, SHB…
Cuộc chuyển đổi trên đã đạt được các mục tiêu, cũng như lợi ích cho các bên.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tái cơ cấu được khối thành viên này mà không động đến một đồng nào của ngân sách; sau khi ngân hàng thương mại nhận về, nhưng công ty tài chính này được lành mạnh hoá tài chính, củng cố và “chuốt” lại cơ cấu.
Thứ hai, các cổ đông Nhà nước, cụ thể là các tập đoàn và tổng công ty, đã được “cứu” qua cuộc chuyển đổi này, cửa thoái vốn đầu tư ngoài ngành trở nên sáng hơn, thanh khoản tốt hơn.
Thứ ba, các ngân hàng thương mại có được một công cụ chuyên biệt để tham gia, khai thác một phân khúc tiềm năng - tài chính tiêu dùng.
Nhưng, có một câu hỏi ở đây: vì sao các ngân hàng phải mua lại, sáp nhập như vậy để phải gánh và xử lý những tồn tại tài chính chuyển giao, mà không thành lập hẳn một định chế mới để sạch sẽ và chủ động ngay từ đầu?
Có hai điểm chính xoay quanh câu hỏi trên. Một là, nhiều năm qua và cho đến nay Ngân hàng Nhà nước đã không cấp phép lập mới ngân hàng thương mại và công ty tài chính. Hai là, cũng vì không được cấp phép lập mới, công ty tài chính hiện có là điểm đâu tư hấp dẫn, không chỉ với các ngân hàng trong nước mà cả các tổ chức tài chính nước ngoài.
Nhân tố nước ngoài
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB, cho biết, trong khoảng một năm xúc tiến kế hoạch sáp nhập VVF và chuyển đổi thành công ty tài chính tiêu dùng, SHB đã nhận được đề nghị hợp tác, đầu tư từ rất nhiều đối tác nước ngoài.
Nguyên do, theo ông Lê, việc cấp phép mới đối với công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam rất hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia gần như buộc phải bắt tay cùng các định chế đã sẵn có. Thứ nữa, đây là phân khúc tiềm năng và gần như còn để ngỏ nhiều năm qua.
Một số nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả mức giá gấp ba lần để tham gia. Hiện SHB đang đàm phán cụ thể, dự kiến kế hoạch chuyển nhượng sẽ mang lại khoản thặng dư lớn cho cổ đông SHB.
“Tuy nhiên, chúng tôi không lựa chọn đối tác, nhà đầu tư qua giá bán. Điều cần thiết và tiêu chí đặt ra, đó phải là nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, gắn bó và đồng hành lâu dài chứ không phải là nhà đầu tư trả giá cao, vào “mông má” lên rồi bán lại kiếm lời ngắn hạn”, ông Lê nói.
Trong đó, có những tiêu chí gắn với đối tác nước ngoài được ưu tiên: chuyển giao tốt hạ tầng công nghệ cho công ty tài chính tiêu dùng, hỗ trợ quản trị rủi ro và xây dựng, phát triển được sản phẩm, dịch vụ khác biệt, cạnh tranh tốt trên thị trường.
Khác biệt và cạnh tranh, vì hiện tại trên thị trường đã có 7 công ty tài chính tiêu dùng. Đây đều là những thành viên mạnh và đang nhanh chóng thiết lập thị phần. Vai trò của đối tác nước ngoài cũng thể hiện rõ, như các đối tác Nhật Bản mà HDBank, MB đã kết nối tại những công ty tài chính lần lượt ra mắt vừa qua.
Điểm chung, những công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam ra đời từ cuộc chuyển đổi trên đều sớm có sự tham gia của đối tác nước ngoài. Tổng giám đốc SHB cho rằng, điều này giúp chuẩn hoá công nghệ, quản trị rủi ro và xây dựng sản phẩm… ngay từ đầu, để nhập cuộc chuyên nghiệp và chắc chắn hơn.
Miếng bánh 15 tỷ USD
Trong các nguyên do, tiềm năng phát triển tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam là cú hích chính yếu nhất để có cuộc chuyển đổi trên. Đó là một thị trường được xác định quy mô lên tới 15 tỷ USD, và hiện thực chứ không còn là tiềm năng nữa.
Phát biểu tại buổi ra mắt thương hiệu đầu tuần qua, ông Đinh Quang Huy, Tổng giám đốc Mcredit cho biết, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn rất tiềm năng, cụ thể ở quy mô cho vay tiêu dùng của hệ thống các ngân hàng thương mại và công ty tài chính năm 2015 đã đạt 15,1 tỷ USD, bằng 7,9% GDP.
So với năm 2014, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam năm 2015 tăng trưởng tới 44%. Trong đó nhóm 7 công ty tài chính tiêu dùng dư nợ chiếm 12% tổng quy mô toàn nghành, tương đương với 38.000 tỷ đồng. Ông Huy cũng dự tính, tốc độ tăng trưởng này sẽ đạt ít nhất từ 20-30% những năm tới.
Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cũng nhìn nhận, với phân khúc khách hàng riêng và phần lớn còn để ngỏ, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang thực sự hấp dẫn.
Cụ thể, với dân số hơn 90 triệu dân, phần lớn tập trung ở khu vực nông thôn hoặc không ở các thành phố lớn, một lượng lớn khách hàng trẻ thu nhập ở khoảng 5-7 triệu đồng/tháng chưa tiếp cận các dịch vụ cho vay của ngân hàng. Một phần, các ngân hàng chủ yếu tập trung cho các khoản vay lớn như mua ôtô, mua nhà; mặt khác, nhu cầu các món vay tiêu dùng nhỏ lẻ còn ngại và khó tiếp cận các điều kiện cho vay mà các ngân hàng đưa ra. Các công ty tài chính tiêu dùng sẽ lấp đầy khoảng trống này.
Tiềm năng đó cũng đã hiện hữu ở kết quả một số công ty tài chính nhập cuộc thời gian qua.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, ban đầu, khi tham gia phân khúc này với FE Credit, VPBank dự kiến phải mất ba năm đầu có thể lỗ để xác lập thị phần và củng cố hoạt động, thế nhưng chỉ sau khoảng hai năm FE Credit đã nhanh chóng khẳng định và dẫn đầu thị trường, đóng góp lớn cho lợi nhuận ngân hàng.
Tổng giám đốc VPBank cũng cho rằng, đây là phân khúc có rủi ro cao hơn, theo khẩu vị của mỗi ngân hàng khi tham gia. Tuy nhiên, hiểu rõ rủi ro để chủ động quản trị rủi ro, ngân hàng tự tin về hiệu quả và an toàn của hướng đi chiến lược này.
Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cũng lưu ý, hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng qua cuộc chuyển đổi trên rất khác so với các công ty tài chính trước đây.
Đó là những món vay cá nhân nhỏ lẻ thuận lợi và linh hoạt hơn trong kiểm soát và xử lý rủi ro, khác với những khoản cho vay, tài trợ lớn đối với doanh nghiệp mà nếu có rủi ro thì mức độ cũng lớn trong hoạt động của các công ty tài chính trước đây nói chung.
Theo VnEconomy