Các ngân hàng cho biết, mặc dù thanh khoản vẫn dồi dào, cung-cầu vốn không lệch pha, song cạnh tranh huy động tiền nhàn rỗi không lúc nào bớt nóng. Thực tế, tổng vốn huy động của nhiều ngân hàng đang thấp hơn dư nợ tín dụng. Đây cũng là lý do khiến lãi suất tiền gửi khó giảm.
Những tháng cuối năm là mùa cao điểm kinh doanh, nên các ngân hàng phải chạy đua huy động vốn ngay từ bây giờ |
Huy động - cho vay mất cân đối
Hiện nay, ở nhiều ngân hàng, nhất là khối ngân hàng quốc doanh, tốc độ cho vay đang nhanh hơn hẳn so với huy động tiền gửi tiết kiệm. Đơn cử, tính đến cuối tháng 6/2017, tăng trưởng huy động tiền gửi tiết kiệm của Vietinbank chưa tới 6%, trong khi dư nợ tín dụng tăng trưởng trên 10%; với VCB, tín dụng cũng tăng cao hơn huy động…
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng huy động đang mất cân đối so với tăng trưởng dư nợ tín dụng. Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2017, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016, trong khi tín dụng tăng 9,06%.
Thực tế này còn rõ nét hơn tại các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM khi tính đến cuối tháng 7/2017, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố huy động được 1.885.600 tỷ đồng, tăng 6,08% so với thời điểm cuối năm 2016, trong khi dư nợ tín dụng tăng đến hơn 11%.
Theo các ngân hàng, dư nợ tín dụng có mức tăng trưởng vượt xa so với huy động một phần do tín dụng tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm 2017. Những năm gần đây, thời điểm nửa đầu năm thường chỉ hoàn thành một phần kế hoạch cho vay, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017, hệ thống ngân hàng đã đi quá nửa chặng đường tăng trưởng dư nợ so với mục tiêu mà ngành đặt ra cho năm nay ở mức 18-20%.
Báo cáo tài chính của các ngân hàng cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2017, hơn chục ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên, trong đó nhiều ngân hàng tăng trưởng 15%, gần chạm mức trần tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng này đặt ra trong cả năm (từ 16-18%). Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VIB đạt hơn 15%, KienLongBank còn cao hơn với 16%...
Ngược lại, tại Techcombank, tính đến cuối tháng 6/2017, dư nợ tín dụng không những không tăng trưởng, mà còn giảm 8% so với đầu năm 2017. Tại Eximbank, huy động vốn 6 tháng tăng 10,5%, trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng 3,3%...
Chạy đua huy động tiền nhàn rỗi
Các ngân hàng cho biết, mặc dù thanh khoản vẫn dồi dào, song cạnh tranh huy động tiền gửi tiết kiệm chưa khi nào bớt nóng. Đây cũng là lý do vì sao các ngân hàng chạy đua huy động vốn ngay cả khi thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay.
Đơn cử, PVcomBank áp dụng mức lãi suất cạnh tranh 7,9%/năm. Viet Capital Bank có chương trình “gửi 1 - nhân 3”, tổng giá trị giải thưởng khuyến mãi hút vốn lên đến 2 tỷ đồng, lãi suất 8,2%/năm cho kỳ hạn 18 tháng. Sacombank cũng không đứng ngoài cuộc khi vừa tung ra chương trình “gửi tiền - nhận quà” có tổng giá trị giải thưởng hơn 1,2 tỷ đồng…
Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay, dù thanh khoản dồi dào, thậm chí dưa thừa, nhưng trước tình hình phải cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN, đồng thời chuẩn bị nguồn đón đầu cơ hội kinh doanh trong những tháng cuối năm khi tín dụng có chiều hướng tăng, thị trường bất động sản ấm lên…, các ngân hàng buộc phải cạnh tranh trong huy động vốn, nhất là với các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ.
Mặt khác, với kỳ vọng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn năm trước, trong khi không ít nhà băng hiện đã cạn “room” tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp từ đầu năm ở mức 14-16%, nên nhiều ngân hàng đã đệ trình cơ quan này xin thêm quota (hạn mức) tín dụng để có thêm dưa địa cho vay mùa cao điểm kinh doanh. Vì vậy, các ngân hàng không ngần ngại khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng nhằm hút tiền nhàn rỗi.
Cũng theo vị tổng giám đốc trên, so với nửa đầu năm, nhu cầu tín dụng thường tăng cao hơn trong nửa cuối năm, ngay cả khi dư nợ tín dụng nửa đầu năm đã tích cực. Vì là thời điểm tốt để kinh doanh vốn, nên các ngân hàng muốn chuẩn bị tốt nguồn cung vốn ngay từ bây giờ để đáp ứng cầu sắp tới.
Trong khi đó, theo giới chuyên gia, huy động vốn nhiều khả năng sẽ tăng trưởng chậm hơn dư nợ tín dụng trong năm nay. Cụ thể, trong năm 2017, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 16,23%, giảm nhẹ so với mức tăng kỳ vọng 16,76% xác lập tại cuộc điều tra cuối tháng 12/2016; dư nợ tín dụng toàn hệ thống kỳ vọng tăng 17,23-18%.
Việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng lùi thời hạn siết tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn của các tổ chức tín dụng từ 50% xuống 40% sang đầu năm 2019, thay vì áp dụng theo lộ trình ban đầu là năm 2018, được cho là giúp các ngân hàng có thời gian cơ cấu lại nguồn vốn.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, không ít ngân hàng vẫn đang loay hoay cơ cấu lại nguồn để đáp ứng lộ trình giảm từ 60% xuống còn 50%, cho dù thời gian áp dụng bắt đầu từ năm 2017. Đây là lý do các ngân hàng đang phải chạy đua huy động vốn, nhất là kỳ hạn dài ngày. Theo đó, lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm vẫn “lội ngược dòng” so với cho vay.
Theo Đầu tư Chứng khoán