Làn sóng rót vốn mua cổ phần các ngân hàng, công ty tài chính, cho thuê tài chính trong nước của nhà đầu tư Nhật Bản chưa dừng lại. Xét về quy mô, Nhật Bản hiện là cổ đông lớn nhất của các nhà băng Việt.
Sóng M&A chưa dừng lại
Mới đây, SMTB - ngân hàng tín thác lớn nhất Nhật Bản với tổng tài sản lên tới 585,4 tỷ USD - đã rót vốn mua 49% cổ phần Công ty Cho thuê tài chính BIDV và đổi tên công ty thành Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST. Thương vụ diễn ra sau khi hai bên thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược êm đẹp từ năm 2013.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn tiếp tục quan tâm đến thị trường tài chính Việt Nam và các ngân hàng Việt rất “chuộng” nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Giao dịch tại Ngân hàng VPBank. Ảnh: Đ.T
Trước đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã ký hợp đồng bán 49% vốn Công ty Tài chính tiêu dùng Mcredit cho Ngân hàng Shinsei Bank; HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của HDFinance cho Tập đoàn Credit Saiso. Cả hai nhà đầu tư này đều đến từ Nhật Bản. Lý giải nguyên nhân chọn đối tác Nhật, ông Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MB cho rằng, đối tác Nhật “có nền tảng công nghệ hiện đại và kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng".
Với tiềm lực tài chính và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, chắc chắn sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán cổ phần ngân hàng nữa diễn ra thời gian tới, với sự tham gia của nhà đầu tư đến từ đất nước mặt trời mọc. Hiện tại, nhiều nhà băng và công ty tài chính Việt Nam vẫn đang mở cửa mời gọi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong đó có cả “ông lớn” BIDV và những năm tới có thể có cả Agribank.
Đổ xô hợp tác với đối tác Nhật
Không chỉ “kết duyên” với đối tác Nhật Bản bằng hình thức mua bán cổ phần, thời gian qua, hàng loạt nhà băng lớn cũng chạy đua hợp tác với các ngân hàng Nhật Bản để tìm kiếm cơ hội kinh doanh trong bối cảnh vốn FDI từ Nhật Bản sang Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên.
Cuối tháng 2/2017, BIDV đã ký kết Thỏa thuận hợp tác (MOU) về phục vụ khách hàng Nhật Bản tại Việt Nam với Ngân hàng Fukuoka - ngân hàng lớn thứ 16 của Nhật Bản. Tương tự, VietinBank và Vietcombank cũng ký thỏa thuận hợp tác với hàng chục ngân hàng đến từ Nhật Bản. Trong đó, riêng Vietcombank ký kết với khoảng 60 ngân hàng Nhật Bản.
Không đứng ngoài cuộc, các ngân hàng TMCP khác cũng chạy đua tìm đối tác Nhật, thành lập dịch vụ Japan Desk để hỗ trợ khách hàng đến từ Nhật Bản. Ngoài VietinBank, Vietcombank, BIDV, thì Sacombank, HDBank, TPBank… cũng đã có dịch vụ này.
“Doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam làm ăn ngày càng nhiều. Ngân hàng Việt Nam và Nhật Bản lại có nền văn hóa tương đồng, có chung chiến lược kinh doanh ngân hàng bán lẻ, phát huy được thế mạnh của cả hai. Chính vì vậy, mối quan hệ hợp tác giữa hai các ngân hàng Việt Nam - Nhật Bản thường mang lại hiệu quả rất cao”, lãnh đạo Sacombank chia sẻ.
Dù khách hàng doanh nghiệp đến từ Nhật Bản có nhiều tiềm năng, song cũng đòi hỏi chất lượng dịch vụ hoàn hảo và đa dạng, trong khi quy mô vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam vẫn còn hạn chế. Vì vậy, xu hướng ngân hàng Việt Nam bắt tay với ngân hàng Nhật để phục vụ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản sẽ còn còn tăng thời gian tới. Đây là sự hợp tác có lợi cho cả ba bên.
Hà Tâm / baodautu