Trong khi khối ngân hàng nước ngoài liên tục gia tăng hiện diện tại Việt Nam, ở chiều ngược lại, nhiều ngân hàng trong nước cũng đang rầm rộ “tấn công” sang các nước trong khu vực.
“Đổ bộ” sang các nước trong khu vực
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chính thức khai trương ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Campuchia. Ngân hàng SHB Campuchia có vốn điều lệ 50 triệu USD, là ngân hàng con 100% vốn lớn thứ hai của SHB tại thị trường Đông Dương, sau Ngân hàng SHB Lào (thành lập đầu năm nay).
SHB đã có mặt tại Campuchia từ năm 2012. Sau 4 năm mở chi nhánh tại Campuchia, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản SHB Campuchia đạt gần 240 triệu USD, tăng gấp 6,5 lần so với khi mới thành lập, huy động vốn đạt gần 21 triệu USD; dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 205 triệu USD, kiểm soát tốt nợ xấu ở mức rất thấp là 0,05%; Lợi nhuận đạt trên 2 triệu USD. Hiện tại, Ngân hàng SHB Campuchia đang đặt ra lộ trình tăng vốn điều lệ lên 75 triệu USD đến năm 2018. Dự kiến trong 3 năm tới, SHB sẽ đạt 24 điểm giao dịch, bao gồm 1 trụ sở chính, 9 chi nhánh cấp 1 và 14 phòng giao dịch trên 6 tỉnh, thành phố tại Campuchia.
SHB mới đây đã khai trương ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại thị trường Campuchia.
Trước SHB một tháng, BIDV cũng chính thức trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên được thành lập chi nhánh tại với số vốn điều lệ là 85 triệu USD.
Làn sóng “xuất ngoại” của ngân hàng Việt hình thành từ năm 2008 và ngày càng mở rộng. Xét về giá trị, hiện nay các ngân hàng Việt chủ yếu đầu tư ở Lào, Campuchia. Ở hai thị trường truyền thống này, tính đến giữa năm 2016, Việt Nam hiện có 10 ngân hàng hoạt động. Trong đó, tại địa bàn Campuchia là 5 ngân hàng: BIDV (BIDC), Sacombank, Agribank, MB và SHB. Tại Lào là 5 ngân hàng gồm BIDV (Lào Việt Bank), SHB, MB, Vietinbank và Sacombank.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng Việt Nam còn thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại nhiều nước khác như: BIDV có chi nhánh tại Myanmar, văn phòng đại diện tại Nga, Vietcombank có đại diện tại Singapore, công ty con tại Hồng Kông. VietinBank có hiện diện tại Đức, Pháp, Singapore, Myanmar…
Ông Bùi Huy Thọ, Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, mở rộng hoạt động ra nước ngoài cũng là một trong những giải pháp gia tăng sức cạnh tranh của các ngân hàng trong nước, trong bối cảnh nhiều ngân hàng nước ngoài tăng hiện diện tại Việt Nam.
Trong khi đó, đánh giá của Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài sang Lào, Campuchia, hiệu quả đầu tư của các ngân hàng Việt Nam sang Lào, Campuchia thời gian qua khá tốt. Quan trọng hơn, việc các ngân hàng nội tăng cường “xuất ngoại” đã thúc đẩy được hoạt động giao thương giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.
Áp lực cạnh tranh lớn
Sau 8 năm hầu như không có thêm ngân hàng 100% vốn ngoại nào được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thì từ đầu năm đến nay đã có thêm 2 ngân hàng ngoại được cấp phép và thêm một ngân hàng nữa cũng đang chuẩn bị nhận giấy phép thành lập. Ngoài ra, cả nước hiện có hơn 100 chi nhánh và văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài.
Trong bối cảnh ngân hàng ngoại tăng sự hiện diện tại Việt Nam, việc ngân hàng nội nỗ lực mở rộng hoạt động ra thị trường khu vực được NHNN khuyến khích, bởi điều này sẽ giúp tạo thế cân bằng.
TS. Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài không những giúp ngân hàng mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm khách hàng mới, mà còn giúp phân tán rủi ro và tăng vị thế, tầm ảnh hưởng của ngân hàng Việt trong khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi đầu tư ra nước ngoài, các ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro và áp lực.
Đơn cử, ngay cả thị trường mới mở cửa và nhiều tiềm năng như Myanmar, các ngân hàng Việt cũng phải cạnh tranh với ít nhất 4 ngân hàng thương mại nhà nước, 24 ngân hàng nội địa, cùng 13 chi nhánh và 49 văn phòng đại diện của ngân hàng nước ngoài đã được cấp phép.
Chưa kể, các ngân hàng ngoại còn phải tuân thủ “luật chơi” riêng của nước này. Cụ thể, tất cả chi nhánh ngân hàng ngoại đều phải gửi một số tiền nhiều chục triệu USD trong Ngân hàng Trung ương Myanmar. Số tiền này phải “nằm chết”, mà không được trả lãi, gây tốn kém không nhỏ cho các ngân hàng ngoại. Ngoài ra, tất cả ngân hàng ngoại đều chỉ được cấp giấy phép hoạt động hạn chế, không được phục vụ khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp bản địa, trừ khi hợp tác với ngân hàng của Myanmar.
Ngoài áp lực cạnh tranh, ngân hàng Việt còn phải đối mặt với những rủi ro tài chính, nợ xấu do những thị trường mà ngân hàng Việt đầu tư đa phần còn kém phát triển. Quy mô vốn nhỏ, năng lực quản lý, tài chính, công nghệ, nhân lực, sự khác biệt về văn hóa, pháp lý… hạn chế cũng khiến các ngân hàng nội khó vươn tới những thị trường phát triển.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng, NHNN nên nới lỏng hơn nữa room cho khối ngoại để các ngân hàng trong nước dễ tìm kiếm các đối tác chiến lược, tăng sức mạnh trước khi “mang chuông đi đánh xứ người”.
“Những hạn chế hoạt động của ngân hàng nước ngoài có thể tạo ra lợi thế cho các ngân hàng trong nước, nhưng lại dẫn đến hoạt động kém hiệu quả và mức độ cạnh tranh thấp trên thị trường, cản trở sự phát triển chung của các ngân hàng Việt”, Phó tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận xét.
Hà Tâm / baodautu.vn