Lợi ích mà chúng ta có được chính là sự học hỏi từ các nước bạn cũng như nguồn vốn đổ vào nhưng bù lại chúng ta cũng sẽ có những thách thức lớn phải đối mặt, đó chính là sự chảy máu chất xám cũng như khả năng sẽ bị mua lại bởi những tổ chức có nguồn vốn lớn cũng như khả năng quản lý tốt hơn.
Ảnh minh họa.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2015, trở thành một cộng đồng kinh tế thống nhất với số dân trên 620 triệu người. AEC ra đời được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 2 năm nay, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước đã chính thức ký kết để xác thực lời văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã thay mặt Chính phủ ký xác thực lời văn hiệp định TPP và 35 thỏa thuận song phương trong các lĩnh vực liên quan đến dịch vụ tài chính, dệt may, nông nghiệp, sở hữu trí tuệ… mà Việt Nam đã thống nhất với một số nước tham gia TPP.
Việc Việt Nam tham gia một loạt các cộng đồng kinh tế lớn sẽ đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo rất nhiều báo cáo một số tổ chức có uy tín, việc Việt Nam tham gia TPP cũng như AEC sẽ mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tăng trưởng GDP. Còn một nghiên cứu mới đây cho rằng, Việt Nam có thể có mức tăng trưởng GDP hơn khoảng 1,53% so với mức tăng trưởng hiện tai.
Mặc dù có rất nhiều thuận lợi, nhưng Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng Ernst & Young (EY) Việt Nam, thì một trong những thách thức lớn mà các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt trong thời gian tới chính là tình trạng chảy máu chất xám cũng như sự đổ bộ ồ ạt của lượng nhân lực chất lượng vào Việt Nam.
"Nếu các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chuẩn bị kỹ càng, thì bản thân họ sẽ là người bị mua lại trước tiên cũng như bao nhiêu công sức bỏ ra từ trước tới nay sẽ thuộc sở hữu của doanh nghiệp nước ngoài khi họ vào Việt Nam bởi họ có thể mạnh về vốn và công nghệ cũng như có kỹ năng quản lý rất tốt", chuyên gia nói.
Riêng đối với ngành ngân hàng, bà Dương cho rằng, cơ hội lớn nhất là luồng vốn chảy vào Việt Nam sẽ nhiều hơn, mạnh hơn, tuy nhiên, điểm yếu của ngân hàng Việt chính là sự hạn chế về quy mô vốn cũng như về công nghệ và nhân lực.
"Khi chúng ta tham gia AEC thì chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều từ các ngân hàng bên ngoài, đặc biệt là trong khối ASEAN đến từ các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan. Lợi ích mà chúng ta có được chính là sự học hỏi từ các nước bạn cũng như nguồn vốn đổ vào nhưng bù lại chúng ta cũng sẽ có những thách thức lớn phải đối mặt, đó chính là sự chảy máu chất xám cũng như khả năng sẽ bị mua lại bởi những tổ chức có nguồn vốn lớn cũng như khả năng quản lý tốt hơn", Phó Tổng giám đốc EY cho biết.
Để đón đầu làn sóng hội nhập, thì các ngân hàng Việt không còn con đường nào khác là phải tự mình "lớn lên", về cả quy mô hoạt động cũng như về công tác quản trị. Trong đó, không ít nhà băng đã chọn phương thức xin nới room để đón dòng vốn ngoại.
Ông Gary Hwa – Tổng giám đốc điều hành Dịch vụ Tài chính Ngân hàng EY châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam có thể xem xét nới room hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việc cho nhà đầu tư nước ngoài vào luôn cần thiết bởi vì luồng FDI vào của các ngân hàng nước ngoài khi đầu tư vào ngân hàng trong nước thì bao giờ Việt Nam cũng có lợi vì sẽ học hỏi được kinh nghiệm từ các nền kinh tế đã phát triển, các ngân hàng đi trước.
"Khó khăn của Việt Nam hiện nay là nên mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài ở mức nào và làm sao cân bằng lợi ích phù hợp. Để đảm bảo cân bằng lợi ích trong việc nới room cho các nhà đầu tư ngoại thì Việt Nam cũng có thể làm từng bước, nới room từng bước một", chuyên gia nêu ý kiến.
Cũng theo chuyên gia này, ngoài quan tâm tới việc phát triển những ngân hàng đủ cạnh tranh thì Chính phủ Việt Nam cũng cần phải kiện toàn thị trường vốn. Hiện nay, ở Việt Nam, vai trò của thị trường vốn còn thấp nên cung ứng vốn cho nền kinh tế chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào ngân hàng. Và nguồn lực ngân hàng thì cũng có hạn, “miếng bánh” vốn chỉ có thế nên không có nguồn vốn chảy từ bên ngoài – tức vốn ngoại vào thì ngân hàng sẽ khó khăn trong giải quyết nhiều bài toán với nhiều mục tiêu, không muốn nói là sẽ rất căng thẳng.
Một góc nhìn khác, Phó Tổng giám đốc EY lại cho rằng, khi tham gia vào sân chơi kinh tế chung của ASEAN nói riêng và thế giới nói chung, cơ quan Nhà nước cần sẵn sàng trong việc kiện toàn chính sách và hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
"Nói như vậy không có nghĩa là Chính phủ sẽ làm hết mọi việc, bản thân các ngân hàng cũng cần chủ động trong việc tăng cường quản trị rủi ro, tìm kiếm những nguồn vốn mới và tập trung đào tạo cho cán bộ nhân viên đặc biệt là về trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp khi vận hành ngân hàng. Bản thân họ, nêu không ý thức được khi ra sân chơi lớn hơn thì khả năng có thể bị thâu tóm cũng tăng, thì có thể dẫn đến sự mất cảnh giác. Điều này có thể dẫn đến trượt chân và ngã là điều đương nhiên", bà Dương nói.
Hội nhập thế giới cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ đón nhận một dòng vốn mới vô cùng lớn. Đặc biệt, đối với ngành ngân hàng, đây sẽ là một trong những lợi ích lớn mà các nhà băng cần phải tận dụng. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, nếu các ngân hàng không có một cơ cấu cho vay tốt, không có đủ nội lực để hấp thụ nguồn vốn và biến nguồn vốn đó thành lợi thế cạnh tranh khi thực hiện cung cấp các sản phẩm cho thị trường, thì có nghĩa, ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả.
"Chi phí mà chúng ta phải bỏ ra để mua vốn rất cao nhưng nếu lợi nhuận mang lại từ mảng cho vay cũng như mảng đầu tư không được như kỳ vọng, đồng thời lại phải chi trả thêm cho các chi phí hoạt động của ngân hàng thì sẽ dẫn đến lãi rất mỏng, như vậy, hoạt động ngân hàng chưa thực sự hiệu quả", bà Dương nhận định.
Theo đó, chuyên gia cho rằng, để chuẩn bị tốt cho tiến trình hội nhập, các nhà băng cần nâng cao quản trị rủi ro, đồng thời, tận dụng và nâng cao áp dụng công nghệ thông tin trong toàn hệ thống. Đặc biệt, công tác quản trị nhân sự sẽ là một trong những vấn đề mà các nhà băng cần quan tâm nhất.
"Các ngân hàng cần phải đào tạo được một đội ngũ nhân sự trung thành, toàn tâm với ngân hàng trong khi phải liên tục bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ. Có một ví dụ điển hình là khi Việt Nam chuẩn bị triển khai Basel II, thì nguồn nhân lực về quản trị rủi ro rất thiếu, do vậy, những người làm công tác này trở thành đối tượng được săn lùng bởi các công ty săn đầu người, và thường họ được trả lương rất cao. Tuy vậy, hầu hết các giám đốc quản trị rủi ro ở các ngân hàng Việt đều là người nước ngoài. Nói như vậy để thấy là Việt Nam vẫn cần có thêm một khoảng thời gian nữa để có thể bắt kịp với các yêu cầu thế giới", bà Dương nói.
Linh Linh / BizLIVE