Ngân sách 2017 cần huy động 340 nghìn tỷ đồng để bù đắp bội chi và trả nợ
Báo cáo Tổng kết ngành của Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2017, ngân sách nhà nước cần huy động 340 nghìn tỷ đồng, trong đó, 184 nghìn tỷ đồng bù đắp bội chi, 156 nghìn tỷ đồng trả nợ gốc.
Trên cơ sở kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội năm 2017 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2017 là 1,21 triệu tỷ đồng.
Trong đó: Dự toán thu nội địa 990 nghìn tỷ đồng; dự toán thu dầu thô 38 nghìn tỷ đồng (giá dầu khoảng 50 USD/thùng); dự toán thu cân đối từ hoạt động XNK 180 nghìn tỷ đồng.
Dự toán chi NSNN là 1,39 triệu tỷ đồng. Trong đó: Dự toán chi đầu tư phát triển NSNN là 357 nghìn tỷ đồng; dự toán chi thường xuyên NSNN là 896 nghìn tỷ đồng; dự toán chi trả nợ lãi là 99 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, chi trả nợ gốc của NSNN (không tính trong chi cân đối NSNN) khoảng 164 nghìn tỷ đồng.
Dự toán bội chi NSNN là 178 nghìn tỷ đồng (3,5%GDP), trong đó bội chi NSTW mức 3,38%GDP (172 nghìn tỷ đồng); bội chi NSĐP mức 0,12%GDP (6 nghìn tỷ đồng).
Theo Bộ Tài chính, nhiệm vụ của ngân sách trong năm 2017 là huy động được 340 nghìn tỷ đồng, trong đó để bù đắp bội chi 184 nghìn tỷ đồng, để trả nợ gốc 156 nghìn tỷ đồng.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho biết dự kiến tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2017 là 250 nghìn tỷ đồng, giảm 30 nghìn tỷ đồng so với năm 2016.
Năm 2016 cơ cấu trái phiếu Chính phủ nhiều điểm thay đổi tích cực khi nguồn vốn của ngân hàng giảm, còn các tổ chức tài chính khác tăng, kỳ hạn tăng.
Bộ Tài chính cũng cho biết năm 2017 sẽ tiếp tục cơ cấu lại nợ trong nước, tập trung phát hành Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên (chiếm 91,1% tổng khối lượng phát hành năm 2016, vượt yêu cầu theo Nghị quyết Quốc hội là tối thiểu 70%); kỳ hạn bình quân trái phiếu là 8,77 năm (cao hơn 1,82 năm so năm 2015), lãi suất trái phiếu bình quân năm 2016 là 6,49%/năm.
Đồng thời, thực hiện thành công việc hoán đổi trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm để tái cơ cấu danh mục nợ. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chuyển đổi 364 nghìn tỷ đồng các khoản vay của NSNN từ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam dưới hình thức hợp đồng vay sang hình thức trái phiếu Chính phủ.
Đến cuối năm 2016, cơ cấu các khoản nợ vay trong nước/vay ngoài nước trong danh mục nợ của Chính phủ khoảng 59%/41%, tăng so với các năm trước, phù hợp với mục tiêu đã đề ra, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vay ngoài nước.
Ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62%GDP. Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép.
N.Dương
Theo Trí thức trẻ