LTS: Việt Nam đã trải qua một giai đoạn nhiều năm liền gánh chịu khó khăn do những tác động bất lợi từ thị trường quốc tế, ảnh hưởng của thiên tai, cũng như những khó khăn nội tại của nền kinh tế. Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp linh hoạt để ứng phó trong ngắn hạn, khởi động chương trình tái cơ cấu nền kinh tế để hướng tới mục tiêu dài hạn nhưng tình huống khó khăn hiện nay vẫn đặt Việt Nam trước nhiều thách thức lớn.
Tại Hội nghị TƯ 2 khóa 12 mới đây, cũng như các báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ trước Quốc hội đã cho thấy một tinh thần thẳng thắn nhìn vào thực tế khó khăn, từ đó cùng tìm giải pháp ổn định, đột phá đưa Việt Nam hướng tới sự phát triển bền vững.
Với cái nhìn từ thực tế, cụ thể vào những khó khăn mà nền kinh tế đang gặp phải, VietNamNet thực hiện tuyến bài “Đối diện thách thức, mở hướng đột phá” để góp thêm những góc nhìn, giải pháp… cùng bạn đọc chia sẻ, giải quyết khó khăn cũng đất nước.
Bài 1: Ngân sách không đủ tiêu, Chính phủ vay nợ khắp nơi
Đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu nên mới đầu năm, để đảm bảo ngân sách nhà nước, Chính phủ đã phải “cắp rổ” đi vay cả trong ngoài nước 116 nghìn tỷ đồng để chi tiêu. Rất có thể, thuế nội địa sẽ tăng để bù đắp cho khoản vay này.
Đầu năm đã “cắp rổ” đi vay
Nhận định bổ sung về tình hình kinh tế năm 2015 và định hướng 2016, trong một báo cáo gửi mới nhất gửi đến các đại biểu Quốc hội, Chính phủ không giấu diếm nỗi lo về thu chi ngân sách.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận: “Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.
Năm 2015, bất chấp giá dầu thô giảm mạnh (từ 100 USD xuống 56,2 USD/thùng), thu ngân sách nhà nước cả năm vẫn cán đích ngoạn mục khi vượt chỉ tiêu tới gần 86 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Thu nhiều, nhưng chi lại không ngừng tăng lên. Tổng chi ngân sách nhà nước lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã khiến bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 lên tới 256 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,1% GDP, cao hơn mức đã báo cáo Quốc hội.
Kết thúc năm 2015, nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, sát trần QH cho phép (ảnh minh họa)
Tình hình này không có dấu hiệu đổi chiều trong hai tháng đầu năm nay, khi chi vẫn nhiều hơn thu 25 nghìn tỷ đồng.
Bởi thế, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã phải tính đến việc “cắp rổ” đi vay khắp nơi hàng trăm nghìn tỷ.
Cụ thể, Bộ này lên kế hoạch quý I/2016 phải vay thêm 25.000-30.000 tỷ từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay khoảng 10.000 tỷ đồng vốn ngoài nước; phát hành khoảng 76.000-81.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ.
Như vậy, tổng số tiền vay mượn trong quý I lên tới 116 nghìn tỷ đồng, mục đích chính là để “trang trải nợ nần”, đầu tư phát triển, chẳng hạn khoảng 50,8 nghìn tỷ đồng sẽ để bù đắp bội chi năm 2016; đảo nợ năm 2016 khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng,...
Báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, kết thúc năm 2015, nợ công cuối năm 2015 ở mức 62,2% GDP, đang tiến sát trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, nợ Chính phủ là 50,3% GDP, nợ nước ngoài là 43,1% GDP.
Thẩm tra tình hình thu chi ngân sách 2015, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng: Các chỉ số tổng dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép, song dư nợ Chính phủ đã vượt trần là 50,3% GDP và có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ đánh giá: Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn.
Còn Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá chi ngân sách còn tình trạng bố trí kinh phí dàn trải, sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định,... Cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính.
Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị Chính phủ theo dõi sát để điều hành “chính sách tài khóa thận trọng, bảo đảm tính chủ động, an toàn”.
“Vung tay quá trán”
Trả lời PV.VietNamNet, chuyên gia kinh tế - TS. Bùi Trinh cho rằng, cần thắt chặt chi tiêu ngân sách, cái gì cần chi tiêu thì phải xem xét tính hiệu quả của nó một cách thực chất nhất.
“Vì nếu thâm hụt ngân sách, Nhà nước sẽ nghĩ ra mọi cách để tận thu, có thể dẫn đến suy kiệt doanh nghiệp, bào mòn sức chịu đựng người dân, từ đó làm suy yếu nền kinh tế. Hiện nay, chính sách tận thu của Nhà nước khiến doanh nghiệp đã yếu càng yếu hơn”, TS Bùi Trinh nhấn mạnh.
Tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách (ảnh minh họa)
Vị chuyên gia này cũng thấy khó hiểu khi hàng năm, cơ quan thuế thường đặt mục tiêu năm sau thu thuế tăng so với năm trước 10-15% bất chấp tình hình doanh nghiệp có khó khăn thế nào.
“Tổng giá trị gia tăng (GDP) của cả nền kinh tế chỉ tăng từ 6-7% đã được xem là điểm sáng mà tại sao cơ quan thuế lại đưa ra mục tiêu chót vót như vậy?” - TS Bùi Trinh thấy khó hiểu.
Năm 2016, Chính phủ đặt ra mục tiêu thu ngân sách khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11% so với dự toán và 14% ước thực hiện của năm 2015. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Việt Nam đặt ra kế hoạch vượt con số 1 triệu tỉ đồng, tương đương 20% GDP dự báo của năm 2016.
Đây là thách thức không nhỏ. Bởi theo ông Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu đều giảm, còn thuế GTGT không thể tăng thêm được nữa. Nhà nước sẽ xoay sang các loại thuế nội địa khác.
“Việc chuyển chính sách thuế từ thu thuế xuất nhập khẩu sang thuế nội địa đang là hướng đi. Trước đây, Nhà nước ít thu thuế nội địa mà phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính là dầu thô, thuế xuất nhập khẩu và thuế GTGT”, ông Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đang có hiện tượng “vung tay quá trán” trong chi tiêu ngân sách ở Việt Nam. Tình trạng này thể hiện rõ nét ở cấp ngân sách địa phương - nơi được phân cấp một nửa ngân sách quốc gia - nhưng tính kỷ cương, kỷ luật tài khóa hết sức lỏng lẻo và có nhiều bất cập.
Xét theo cơ cấu chi tiêu, tỷ lệ chi thường xuyên đã lên đến 80% tổng chi ngân sách, phần còn lại chưa tới 20% dành cho đầu tư phát triển, chưa kể chi trả nợ. “Một cấu trúc ngân sách thiên về “tiêu dùng” hơn “đầu tư” như vậy là hết sức rủi ro” - TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn cảnh báo.
Hà Duy / Vietnamnet