Dịch bệnh COVID-19 lan rộng toàn cầu, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Để hỗ trợ DN vượt qua cơn bão dịch bệnh, các ngân hàng có nhiều gói hỗ trợ với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Trước mắt: Giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn nợ
Ngày 24/2, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đưa ra gói giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 lên đến 3.000 tỷ đồng để cho vay lãi suất ưu đãi, cơ cấu thời hạn trả nợ, ưu đãi phí dịch vụ… Chương trình kéo dài đến 30/06/2020.
Cụ thể, khách hàng sẽ được giảm lãi suất tới 1,5%/năm so với lãi suất thông thường đối với VNĐ và 0,5%/năm đối với USD. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn trả nợ song vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, ưu đãi phí trả nợ trước hạn…
Cùng ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn về các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid - 19 để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 và đến ngày 31/3/2020 và cho vay mới đối với khách hàng để ổn định sản xuất kinh doanh.
NHNN yêu cầu, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ phải thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Lê – Tổng Giám đốc SHB - cho rằng, các chính sách, biện pháp hỗ trợ khách hàng là hành động cụ thể để thực hiện chủ trương của chính phủ nhằm chia sẻ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ngân hàng đồng hành với DN để tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu các gánh nặng tài chính do dịch bệnh và thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhiều gói giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố gói tín dụng ngắn hạn hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quy mô 20.000 tỷ đồng và 100 triệu USD dành cho các khách hàng có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1%/năm đối với khoản vay bằng VND và 0,5%/năm đối với khoản vay bằng USD so với mức lãi suất cho vay cùng kỳ hạn đang áp dụng với khách hàng tại thời điểm gần nhất. Trước đó, từ ngày 14/2/2020, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các khách hàng cá nhân có dư nợ vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, cũng cho biết, ABBank cũng rà soát lại danh mục tín dụng, đặc biệt là các DN có quan hệ thương mại với Trung Quốc để có phương án ứng phó, hỗ trợ kịp thời cho khách hàng cũng như đảm bảo an toàn tín dụng của ngân hàng. ABBank dành ra 4.000 tỷ đồng triển khai chương trình nguồn vốn chi phí thấp, ưu đãi lãi suất cho vay dành cho khách hàng với nhiều lựa chọn linh hoạt…
Vietcombank cũng có giải pháp hỗ trợ khách hàng thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn; giảm lãi suất đối với dư nợ 1%/năm đối với dư nợ vay VND ngắn hạn; giảm 1,5%/năm đối với dư nợ vay VND trung dài hạn; giảm lãi suất 0,5%/năm đối với dư nợ vay USD ngắn hạn; giảm 0,75%/năm đối với dư nợ vay USD trung dài hạn. Đồng thời, NH thực hiện cho vay mới với lãi suất ưu đãi giảm tối đa tới 1%/năm đối với VND và 0,5%/năm đối với USD cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực trên đáp ứng điều kiện vay vốn của VCB.
Eximbank có gói cho vay ưu đãi hướng hướng đến một số lĩnh vực có thể gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid - 19. Cụ thể, gói vay ưu đãi 4.000 tỉ đồng dành cho DN nhỏ và vừa với lãi suất từ 6,99%/năm và cố định trong suốt thời hạn vay.
VPBank công bố giảm lãi vay tối đa 1,5%/năm với khoản vay không có tài sản bảo đảm (vay tín chấp) và giảm 1%/năm cho các khoản vay có tài sản bảo đảm.
Kiên Long Bank giảm lãi suất cho vay tối đa 3%/năm đối với khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây như thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, xoài, chôm chôm, chuối… đã nhận cấp vốn tín dụng trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), cho biết, dư nợ từ các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như du lịch, dịch vụ… vào khoảng 925.000 tỷ đồng, tương đương 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Trước mắt, các đơn vị chủ động có chính sách hỗ trợ khách hàng. Thời gian tới, NHNN sẽ có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này.
Dài hạn: Đầu ra và vốn rẻ
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, Trung Quốc hiện là thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch giữa 2 nước năm 2019 đạt trên 100 tỷ đồng. Dịch bệnh phức tạp đã khiến giao thương thị trường Trung Quốc khó khăn. Hiện dịch lan rộng ra các thị trường lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản… sẽ khiến DN thêm khó khăn. Vì thế, về dài hạn, ngoài ưu đãi tài chính trước mắt cần hỗ trợ thêm nhiều về đầu ra, nguồn vốn ổn định có lãi suất tốt.
Đại diện SHB cho biết, sẽ kết nối với các tổ chức uy tín trong nước và quốc tế giúp DN chủ động trong các phương án kinh doanh, tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng. Ngay trong 2020, SHB sẽ giúp DN đẩy mạnh xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử của Amazon với 2 "Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thông qua nền tảng thương mại điện tử" tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đi cùng đó, sẽ có các gói sản phẩm, dịch vụ bán hàng qua hệ thống Amazon, tiếp cận hơn 300 triệu tài khoản người dùng thế giới.
Mới đây, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 3 NH: Ngân hàng Quân đội (MBBank), Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng Bắc Á (BacABank) triển khai chương trình cho vay gián tiếp đến các DNNVV, DN khởi nghiệp sáng tạo, DN liên kết ngành và tham gia chuỗi giá trị... Khoản cho vay được áp dụng mức lãi suất thấp, chỉ 4,16%/năm với kỳ hạn ngắn và 6%/năm ở kỳ hạn trung và dài hạn với mục tiêu được xác định trở thành vốn mồi để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước.
SHB cũng triển khai chương trình cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh “Vay vốn kinh doanh – Lộc tài như ý” có lãi suất ưu đãi cho khoản vay trung, dài hạn chỉ từ 9,6%/năm, khoản vay ngắn hạn chỉ từ 10%/năm, biên độ sau ưu đãi chỉ từ 2,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho biết đang triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Ngay đầu năm 2020, VietinBank đã có chương trình cho vay VND trung, dài hạn lãi suất cố định: Đối tượng áp dụng là những khách hàng DN có nhu cầu vay vốn trung dài hạn bằng VND phục vụ SXKD và/hoặc đầu tư dự án. Lãi suất cố định tối thiểu 8,1%/năm và thời gian ưu đãi tối đa 5 năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng còn cho DN nhỏ trong lĩnh vực thương mại, phân phối có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND với lãi suất cố định tối thiểu 6,2%/năm và thời gian ưu đãi tối đa 90 ngày.
Eximbank cho biết sẽ nhanh chóng triển khai gói vay ưu đãi khoảng 3.000 tỉ đồng với lãi suất từ 5,5%/năm đối với DN lớn và gói vay USD với tổng hạn mức là 50 triệu USD, lãi suất từ 3,2%/năm.
Theo Hải Nam / vietnamnet