Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu và chuyên gia trong ngành đang kỳ vọng thị trường sẽ rộng mở hơn khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được thực thi. Song, để tận dụng được những ưu đãi này, còn nhiều việc phải làm.
Gỗ được đánh giá là một trong những mặt hàng hiếm hoi trong lĩnh vực nông nghiệp được hưởng lợi từ TPP - Ảnh: TL |
Xuất khẩu gỗ sang TPP chiếm hơn 50%
Công ty cổ phần chế biến gỗ nội thất Pisico hiện xuất khẩu gỗ nội, ngoại thất sang thị trường châu Âu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường này có nhiều biến động, đồng tiền giảm giá, tình hình nhập cư và bất ổn chính trị khiến sức tiêu thụ gỗ, đặc biệt là những sản phẩm có giá trị cao giảm rõ rệt. Vì vậy, khi nghe thông tin TPP được ký kết trong sáng nay, 4-2, ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Pisico và nhiều doanh nghiệp gỗ đang “chật vật” với thị trường EU, cảm thấy rất hứng khởi và kỳ vọng một sự chuyển dịch mới mặt hàng gỗ nội thất sang khối TPP.
Theo một báo cáo phân tích mới nhất của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) về những tác động của TPP tới thị trường nông nghiệp, xét về các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào các nước tham gia TPP, thì gỗ - sản phẩm gỗ và thủy sản là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tập trung nhất với tổng kim ngạch đạt 7,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu từng mặt hàng.
Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang TPP chiếm 57,9% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu tôm và cá tra sang TPP lần lượt chiếm 55,7% và 35,6% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam. Nhóm hàng xuất khẩu chủ lực kế tiếp là các loại cây công nghiệp (cà phê, điều, tiêu, cao su), trong khi gạo và rau quả là các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu tương đối khiêm tốn.
Hoa Kỳ và Nhật Bản là các đối tác thương mại lớn nhất, tập trung vào các mặt hàng gỗ, sản phẩm gỗ, thủy sản và cây công nghiệp. Đáng chú ý là Malaysia cũng là một bạn hàng lớn của Việt Nam trong hai sản phẩm gạo và cao su.
Theo IPSARD, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang TPP mới chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính và một số ít bạn hàng lớn. Do đó, việc tham gia TPP là một cơ hội tốt để giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như Mexico, Australia và Canada cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia nhận định, ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ được hưởng lợi từ TPP. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), cho rằng khi tham gia TPP, riêng ngành gỗ sẽ được hưởng lợi lớn.
Thứ nhất là về xuất xứ ngành gỗ. Trước khi tham gia TPP, Việt Nam có thể mua nguyên liệu gỗ của nhiều nước khác nhau để sản xuất và xuất đi nước thứ 3. Song theo hiệp định TPP, nếu muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nội khối được ưu đãi thuế suất thì phải đảm bảo một tỉ lệ nhất định về nguồn gốc nội khối của nguyên liệu gỗ. Do đó, các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong nội khối TPP với thuế suất bằng 0% và đảm bảo được tính hợp pháp của nguyên liệu, ví dụ như nguyên liệu gỗ từ Mỹ.
Bên cạnh đó, đây là thị trường rất lớn mạnh, khi tham gia TPP, quan hệ thương mại nội khối sẽ thuận lợi hơn, thu hút vốn đầu tư của các quốc gia trong ngành gỗ sẽ mạnh hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong ngành gỗ dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới, quản trị mới của các quốc gia tiên tiến, chất lượng hàng hóa theo đó sẽ cao hơn.
Còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của IPSARD, hiện nay, trong các nước TPP, Việt Nam xuất khẩu đồ gỗ chủ yếu sang Hoa Kỳ và Nhật Bản với hai loại sản phẩm chính là đồ gỗ nội thất và đồ gỗ ngoại thất. Mức thuế suất của hai nhóm sản phẩm này tại các thị trường lớn đều đã bằng 0%. Vì vậy, tác động từ việc giảm thuế suất nhập khẩu theo cam kết của TPP không có ý nghĩa nhiều với các sản phẩm gỗ này.
Trong khối TPP, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ và Malaysia và một lượng nhỏ từ Australia. Hiện nay, do các mức thuế suất nhập khẩu của Việt Nam đối với các sản phẩm này cũng đã bằng 0%, nên tác động từ cam kết TPP cũng sẽ không làm giảm chi phí gỗ nguyên liệu.
Khi vào TPP, các doanh nghiệp Việt Nam để được hưởng các ưu đãi về thuế suất của khối TPP, các sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo hai tiêu chí chính. Thứ nhất, 55% lượng gỗ nguyên liệu phải có xuất xứ từ trong khối TPP. Thứ hai, các sản phẩm gỗ phải đảm bảo tính hợp pháp từ đất đai, khai thác gỗ, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu, tài chính, an sinh xã hội (lao động).
Song, hiện nay, Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường Đông Nam Á (Lào, Myanmar, Malaysia, Cambodia...), Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong đó, Lào là nước Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiều nhất với tỷ trọng 28,9% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu.
Tỷ trọng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các quốc gia thuộc khối TPP năm 2013 chiếm 26,9% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam. Đây là thách thức của Việt Nam khi không đảm bảo được yêu cầu 55% lượng gỗ nguyên liệu có xuất xứ trong khối TPP. Hơn nữa, thực tế gỗ nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đều rất khó khăn chứng minh gỗ hợp pháp.
Do vậy, theo IPSARD, định hướng trong thời gian tới, Việt Nam cần chuyển dịch, tăng nhập khẩu gỗ từ Úc, New Zealand, hạn chế nhập khẩu từ Lào, Cambodia, Myanmar... để đảm bảo yêu cầu gỗ hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ.
Đối với thị trường gỗ nguyên liệu Malaysia, thành viên trong TPP, tiềm năng mở rộng nhập khẩu là không lớn do nguồn nguyên liệu gỗ của nước này ngày càng cạn kiệt, chính phủ Malaysia đã và đang có những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu để đảm bảo đầu vào cho sản xuất trong nước.
Thùy Dung / TBKTSG