Năm 2017, giống như các lĩnh vực kinh tế khác, ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước sức ép phải đổi mới và tăng năng lực cạnh tranh để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhiều điểm yếu
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), khi tiến tới hội nhập, các doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt sẽ có nhiều điểm yếu hơn các DN nước ngoài. Thứ nhất, hiện phần lớn các DN cơ khí vẫn là DN nhỏ, vốn ít, sẽ không thể “đấu” lại được với các DN nước ngoài. Thứ hai, các đối tác nước ngoài đều từ những nước có nền kinh tế phát triển, do đó chuẩn mực sản phẩm cũng cao hơn. Họ đưa ra những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, tiến độ giao hàng… mà đa phần các DN cơ khí Việt Nam quen với lối tư duy làm việc cũ khó có thể đáp ứng được.
Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VAMI cũng thừa nhận, sản xuất cơ khí Việt Nam hiện tại vẫn dừng ở mức “làm gia công”, chưa đủ sức “tự chế tạo ra một số sản phẩm” có sức cạnh tranh quốc tế và đang bị thua ngay trên “sân nhà”. Chính nguyên nhân này dẫn tới hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD cho các ngành công nghiệp và cho bản thân ngành cơ khí.
Nội lực của DN cơ khí cũng là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của ngành. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước có 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, nhưng chỉ có gần 100 DN có quy mô vốn hơn 500 tỷ đồng. Với quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, khả năng liên kết yếu, nhiều DN trong nước khó tiếp cận nguồn vốn và sức cạnh tranh không cao.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) cho rằng, hướng tới hội nhập đối với các DN cơ khí, thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Các sản phẩm của DN Việt khi vào được thị trường đòi hỏi phải đảm bảo nhiều yếu tố về chất lượng ổn định, giao hàng đúng hẹn, giá thành hợp lý…. Nhiều DN cơ khí Việt Nam chưa đáp ứng được hoặc thiếu tính chuyên nghiệp.
“Thực tế việc tham gia chế tạo, xuất khẩu thiết bị cơ khí đã được triển khai từ nhiều năm trước, khi Việt Nam tham gia một số FTA song phương, đa phương. Tuy nhiên, đơn hàng cứ “mai một dần” vì nhiều lý do, trong đó có tư duy của một số DN cơ khí, khi những đơn hàng đầu tiên chất lượng bảo đảm, nhưng càng về sau chất lượng càng giảm sút, dẫn đến mất những đơn hàng lớn”, ông Tuấn cho biết thêm.
Cần xây dựng phương thức kinh doanh chuyên nghiệp
Để vực dậy ngành cơ khí, ông Lê Văn Khương - Chủ tịch Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho rằng, các DN cơ khí phải tham gia chuỗi sản xuất chung toàn cầu. Đầu tiên, DN cơ khí có thể làm hàng gia công chế tạo cho nước ngoài. Sau đó học hỏi, tiếp cận dần và làm chủ công nghệ. Cuối cùng phải tự mình chủ động sản xuất cung cấp cho các nhà lắp ráp và kinh doanh. Hội nhập chính là cơ hội cho các DN cơ khí Việt Nam tiếp thu công nghệ hiện đại của nước ngoài.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam(VEAM) cho biết, để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về số lượng và ngày càng cao về chất lượng sản phẩm đòi hỏi DN phải nâng cao trình độ công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất có tính tự động cao nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm giá thành sản xuất. Bản thân VEAM đã đầu tư hơn 230 tỷ đồng cho dây chuyền đúc hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản, giúp DN đúc các thiết bị kỹ thuật phức tạp, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho các công ty trong và ngoài nước. “Thời gian tới, khi Nhà nước quyết tâm thực hiện cơ khí trọng điểm, sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư của nước ngoài được phê duyệt, ngành đúc sẽ có nhiều cơ hội tiếp thu các công nghệ tiên tiến, tăng tỷ lệ nội địa hóa, chất lượng các chi tiết đúc”, ông Trần Ngọc Hà bày tỏ.
Ông Nguyễn Trọng Nam - Giám đốc Công ty CP Bơm Hải Dương cho biết, nhiều năm nay, công ty xúc tiến xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường trong khu vực ASEAN, Nhật Bản và châu Âu. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu được máy bơm sang các nước này, Bơm Hải Dương đã phải mất một thời gian rất dài để tạo được sự tin tưởng của đối tác vào chất lượng, độ ổn định trong các lô hàng cũng như uy tín trong tiến độ giao hàng. “Nhưng dần dần qua đó, DN Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm cũng như phương thức quản trị của họ”, ông Nam nhấn mạnh.
Ngoài những yêu tố trên, theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI, giải pháp “sống còn” của các DN cơ khí Việt Nam trong thời kỳ hội nhập chính là làm tốt khâu quản trị, tham gia vào chuỗi chế tạo toàn cầu, chủ động tìm việc cho mình. Khi có việc rồi thì cố gắng làm cho tốt để giữ chữ tín, mở rộng thị trường. Đó là lối đi giúp các DN cơ khí tìm đường ra trong bối cảnh khó khăn hiện tại.
Theo VAMI, trong năm 2017, Nhà nước cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào lĩnh vực cơ khí. Đồng thời, Nhà nước vẫn cần lựa chọn đầu tư xây dựng, phát triển một số sản phẩm cơ khí trọng điểm đủ sức cạnh tranh quốc tế và đáp ứng nhu cầu thị trường toàn cầu…. |
Lan Anh / ven