Theo Bộ Công Thương, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% về nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, tính theo giá trị.
Toàn cảnh Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam (Ảnh: VGP)
Sáng nay (24/9) đã diễn ra hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam do Cục Công nghiệp, Bộ Công thương tổ chức.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, ngành cơ khí Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về thị trường, trình độ khoa học công nghệ, nguyên phụ liệu, nguồn nhân lực,...Ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 32% về nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước tính theo giá trị.
Chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp nội nói chung còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh. Còn thiếu nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn, mang tầm cỡ quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành cơ khí. Trình độ cơ khí chế tạo đặc biệt là cơ khí chính xác (là trụ cột của sản xuất công nghiệp) còn lạc hậu so với nhiều nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát triển được một nền công nghiệp cơ khí từng bước hiện đại, làm nền tảng cho các ngành sản xuất công nghiệp - dịch vụ khác.
“Đồng thời, ngành cơ khí Việt Nam phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia, nhà khoa học", Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển.
HẠ AN / BizLIVE