Trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, ngành Công Thương Hà Nội vẫn huy động tối đa nguồn tài lực, đẩy mạnh hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần quan trọng đưa kinh tế Thủ đô phát triển, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.
Hà Nội đã hình thành hệ thống Trung tâm thương mại, siêu thị đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân theo hướng văn minh hiện đại
Ngành kinh tế chủ lực
Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành Công thương cả nước, Sở Công Thương Hà Nội đã trải qua nhiều thay đổi về mô hình tổ chức tên gọi khác nhau như Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống, Sở Thương mại, Sở Công nghiệp, Sở Công Thương... Dù với tên gọi nào, ngành Công Thương Hà Nội cũng luôn nỗ lực cùng doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua những khó khăn, thách thức trong từng giai đoạn lịch sử hào hùng, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển, là động lực tăng trưởng kinh tế Thủ đô.
Năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII, Thủ đô Hà Nội chính thức được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính. Sở Công Thương Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất Sở Công Thương Hà Nội với Sở Công Thương tỉnh Hà Tây, trên thực tế là sự hợp nhất của 4 Sở, bao gồm: Sở Công nghiệp Hà Nội, Sở Thương mại Hà Nội, Sở Công nghiệp Hà Tây, Sở Thương mại Hà Tây. Cùng với việc Hà Nội mở rộng địa giới hành chính mở ra triển vọng to lớn để thành phố phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, những thay đổi lớn trong công tác quản lý nhà nước đã tạo ra nhiều động lực và cơ hội cho phát triển công nghiệp và thương mại Thủ đô.
Trong 8 năm qua, Sở Công Thương Hà Nội đã tích cực tham mưu với UBND thành phố trong việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, phức tạp, góp phần tạo những chuyển biến tích cực, đúng hướng cho kinh tế Thủ đô phát triển.
Công nghiệp Hà Nội tiếp tục phát triển và lớn mạnh không ngừng. Đến nay, Hà Nội đã có khoảng 100.000 cơ sở sản xuất, với trên 700.000 lao động. Các DN công nghiệp tiếp tục phát triển các ngành thế mạnh như: Thực phẩm, dệt may, hóa nhựa, cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin…, tạo ra giá trị gia tăng lớn. Với 59 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 49 DN, trong đó mạnh nhất là sản phẩm thuộc lĩnh vực cơ khí và điện tử, Hà Nội hiện đã có tên trên bản đồ công nghiệp toàn cầu với tư cách là trung tâm sản xuất điện thoại, máy in, máy scane văn phòng, trung tâm lắp ráp xe máy lớn của thế giới. Các sản phẩm công nghiệp xuất khẩu thế mạnh như dệt may, điện tử, thủ công mỹ nghệ vẫn duy trì được tăng trưởng ổn định với kim ngạch trên 1 tỷ USD. Giá trị sản xuất công nghiệp TP. Hà Nội trung bình từ năm 2008 đến nay đạt khoảng 300 ngàn tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 10%/năm.
Được mệnh danh là đất trăm nghề, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề của Hà Nội không ngừng phát triển. Hiện Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 281 làng nghề đạt tiêu chuẩn. Nhiều làng nghề truyền thống đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm, không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước mà còn mang lại kim ngạch XK lớn. Phát huy tiềm năng của các làng nghề, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp truyền nghề, cấp nghề, tập huấn nâng cao kỹ năng quản trị, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu… cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn; kết hợp hoạt động khuyến công với chương trình xúc tiến thương mại để đẩy mạnh XK sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Đặc biệt, hoạt động khuyến công của ngành công thương đã tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Hoạt động thương mại trên địa bàn luôn duy trì được mức tăng trưởng khá. Với những giải pháp quyết liệt trong công tác bình ổn thị trường, triển khai hiệu quả chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, ngành Công Thương Hà Nội đã góp phần quan trọng trong công tác giữ thị trường Thủ đô ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, gây sốt giá, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết. Hệ thống hạ tầng thương mại được được đầu tư phát triển với 25 trung tâm thương mại, 129 siêu thị, 418 chợ và 489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đang hoạt động, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân theo hướng văn minh hiện đại.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Ngành Công Thương Hà Nội sẽ phát triển chọn lọc các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao. Phấn đấu đưa TP. Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước, phát triển các kênh phân phối hàng hóa và dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. |
Bên cạnh đó, cùng với cả nước, Thủ đô đã gặt hái được những kết quả đáng khích lệ trên lĩnh vực xuất nhập khẩu. Hà Nội đã mở rộng thị trường xuất khẩu đến gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành trung tâm xuất khẩu lớn của cả nước. Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội tiếp tục thay đổi theo hướng tăng dần số lượng các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được chú trọng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Uy tín và vị thế của Hà Nội từng bước được nâng lên trong khu vực và quốc tế.
Phát huy vai trò trung tâm: Hội tụ và lan tỏa
Trong những năm qua, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, ngành công thương Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều chương trình kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, là thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu cả nước, đồng thời có thế mạnh trong xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế, việc Hà Nội kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trên cả nước đã góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm địa phương. Thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều Chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố cả nước như: Bắc Giang, Hải Dương, khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các tỉnh phía Nam, đặc biệt là kết nối giao thương với TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn của cả nước.
Qua những chương trình kết nối giao thương, Hà Nội đã giới thiệu quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền trên cả nước đến các nhà phân phối của Hà Nội, đưa nông sản hàng hóa an toàn của các tỉnh vào hệ thống phân phối của Hà Nội - là các chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống, đồng thời mang đến người tiêu dùng Thủ đô những nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ. Những chương trình giao thương kết nối do Sở Công Thương Hà Nội thực hiện đã tạo cú hích thúc đẩy sản xuất - kinh doanh chung cho các địa phương trên cả nước cũng như cho chính các DN Hà Nội.
Bước sang giai đoạn 2016 - 2020, trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực, Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội lớn, nhưng kèm theo đó là những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. Ngành Công Thương Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 10,4 - 11%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng bình quân 13 - 14%/năm...
Để đạt mục tiêu này, theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu, giúp UBND thành phố đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN trong các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Với phương châm “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Sở Công Thương sẽ tham mưu giúp UBND TP. Hà Nội duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, nhất là trong các lĩnh vực như vốn, thuế, đất, tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu...