Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ về công nghiệp 4.0 và khả năng tác động của nó đến ngành dệt may, một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Từ đầu thế kỷ 21, thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet.
Cách mạng công nghiệp 4.0
Cách mạng công nghiệp 4.0 hình thành trên nền tảng của cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng tái tạo... Bằng cách kích hoạt các “nhà máy thông minh” công nghiệp 4.0 tạo ra một thế giới mà trong đó các hệ thống ảo và vật lý của chuỗi sản xuất trên toàn cầu có thể hợp tác với nhau một cách linh hoạt (Cyber Physical Systems).
Theo Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ bùng nổ, có tác động sâu, rộng và mạnh mẽ, toàn diện lên mọi mặt của đời sống con người, từ hoạt động sản xuất đến lối sống, sinh hoạt ở tất cả các cấp độ, từ phạm vi toàn cầu đến khu vực, quốc gia và từng tổ chức, cá nhân.
Đối với doanh nghiệp, hệ thống sản xuất, bán hàng có khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng trên cơ sở các thiết bị tùy chỉnh. Sử dụng IoT và các công nghệ khác để số hóa toàn bộ quy trình sản xuất, phân phối, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường. Dùng robot bán tự động làm việc bên cạnh con người để tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu tai nạn lao động, hoặc tránh độc hại, thay thế các công việc lặp đi lặp lại, nhàm chán, yêu cầu kỹ năng thấp.
Đối với người dân, công nghiệp 4.0 tạo ra các lợi thế hết sức to lớn. Đó là nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống, các sản phẩm và dịch vụ được tạo ra với chi phí thấp, đơn giản hóa việc thực hiện nhu cầu cuộc sống như gọi taxi, đặt vé máy bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, xem phim, nghe nhạc, đọc sách... chỉ với một chiếc điện thoại thông minh hoặc một máy tính bảng được kết nối Internet.
Đối với các chính phủ, công nghiệp 4.0 ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia cùng chính phủ, nói lên ý kiến của mình. Ngược lại, chính phủ có thể sử dụng công nghệ mới để cải tiến hệ thống quản lý xã hội, cải thiện tốc độ ra quyết định và tốc độ phản ứng với các sự kiện của đời sống xã hội.
Tác động của công nghiệp 4.0 đối với ngành dệt may
Tác động tích cực của công nghiệp 4.0 đối với ngành dệt may có thể nhận thấy là: (i) tạo cơ hội thay thế công việc lặp đi lặp lại không cần kỹ năng, kinh nghiệm, công việc độc hại, dễ gây tai nạn... bằng máy móc công nghệ mới; (ii) giúp giải quyết những khâu yếu trong chuỗi cung ứng dệt may của Việt Nam, tái cơ cấu lại ngành; (iii) nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; (iv) nguy cơ đưa sản xuất về lại nước nhập khẩu tạo ra sức ép để tập trung vào khai thác và phục vụ thị trường nội địa trên 90 triệu dân với thu nhập và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của Việt Nam; (iv) tạo sức ép để đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.
Tuy nhiên, mặt trái của công nghiệp 4.0 đối với ngành dệt may cũng có.
Thứ nhất, nó làm gia tăng nguy cơ mất việc làm đối với một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đặc biệt là lao động có trình độ thấp và ở những công đoạn dễ thay thế bằng máy móc.
Một báo cáo mới đây của ILO (ngày 7-7-2016) dự báo máy móc công nghệ 4.0 có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonesia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia trong một thập niên tới.
Theo tôi thì nguy cơ mất việc làm của người lao động trong ngành dệt may, da giày Việt Nam có thể không cao như dự báo trên và mức độ tác động đối với mỗi công đoạn sản xuất khác nhau cũng khác nhau. Ví dụ: trong thập niên tới, khả năng máy móc thay thế con người sẽ cao trong công đoạn sản xuất xơ, sợi hóa học (40-50%); các công đoạn sản xuất xơ, sợi tự nhiên, các công đoạn dệt, đặc biệt vải không dệt và khâu nhuộm, hoàn tất khả năng thay thế khá cao (30-40%). Công đoạn may, nhìn chung khả năng thay thế ở mức độ trung bình thấp (<30%) do có tính thời trang cao, nhu cầu phong phú, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, thị hiếu vùng miền (trừ một số khâu như trải vải, cắt, giác sơ đồ... hiện nhiều doanh nghiệp đã trang bị máy móc với trình độ tự động hóa cao). Sản xuất phụ liệu may (cúc, chỉ, nhãn, khóa kéo) cũng có nguy cơ “bị thay thế” khá cao (30-40%).
Thứ hai, các nước công nghiệp phát triển kỳ vọng có cơ hội đưa sản xuất dệt may về lại nước mình để giảm chi phí vận chuyển và áp lực tăng giá gia công, nhất là các nước là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật, Hàn Quốc. Các nước này có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.
Lối đi nào cho doanh nghiệp?
Đối với doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ về công nghiệp 4.0 và khả năng tác động của nó đến ngành dệt may, một ngành sản xuất hàng hóa theo xu hướng thời trang, thị hiếu, thời tiết, vùng miền, tôn giáo, sản phẩm nhiều đẳng cấp.
Xác định các công việc trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp có thể tự động hóa theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá” để vừa áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động vừa quan tâm sử dụng nguồn lao động dồi dào của Việt Nam.
Chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn. Nâng cao trình độ cán bộ quản lý kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu, áp dụng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đơn lẻ của khách hàng.
Liên kết với đối tác, khách hàng để nắm bắt xu hướng, nhu cầu đối với các loại sản phẩm có nguy cơ di chuyển sản xuất về lại thị trường đang tiêu thụ.
Tập trung khai thác hiệu quả năng lực sản xuất hiện có (cả các doanh nghiệp trong nước và FDI) để tăng tích lũy, chuẩn bị nguồn lực cho đổi mới công nghệ. Chuyển dần từng bước sang xu hướng khai thác thị trường nội địa.
Chính phủ cần tăng cường ứng dụng cơ nghệ thông tin trong đổi mới cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dệt may tăng sức cạnh tranh để tích lũy nguồn lực đầu tư công nghệ mới theo xu hướng của cách mạng công nghiệp 4.0
Thực hiện Chính phủ kiến tạo, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng để các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dệt may, phát huy hiệu quả năng lực sản xuất hiện có và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định.
Có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có khả năng từng bước nắm vững công nghệ thông tin, an ninh mạng và những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo, robot, Internet kết nối mọi thứ (IoT), công nghệ in 3D...
Xây dựng và triển khai với tiến độ phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nền sản xuất với công nghệ hiện đại thay vì nhân công giá rẻ. Xây dựng kế hoạch chuyển lao động có thể bị thay thế sang các ngành Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, thủy sản, du lịch, công nghệ thông tin...
Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc cách mạng công nghiệp tạo ra sự thay đổi đột biến và triệt để, tác động sâu sắc đến hệ thống kinh tế và kết cấu xã hội, đến mọi mặt của đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất được bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 19, đánh dấu kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại - kỷ nguyên sử dụng động cơ hơi nước để cơ giới hóa các ngành sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai, bắt đầu khoảng năm 1850 đến đầu thế kỷ 20, sử dụng điện năng và động cơ đốt trong để tạo ra sản xuất quy mô lớn. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba, từ đầu thập niên 1970 đến cuối thế kỷ 20, được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, siêu máy tính (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và Internet (thập niên 1990). |
TS. Trương Văn Cẩm