Dù quý I/2016 tăng trưởng chưa như kỳ vọng nhưng dự báo 3 quý còn lại, ngành Dệt may sẽ bứt phá khi nhu cầu tăng. Ngành công nghiệp này lạc quan sẽ đạt mục tiêu 30 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu (XK) trong năm nay.
DN ngành Dệt may có nhiều cơ hội bứt phá trong quý II/2016 |
Xuất khẩu hướng tới thị trường lớn
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, quý I/2016, do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nên sản xuất của ngành Dệt may có nhiều biến động. Tuy nhiên trong tháng 3, tình hình sản xuất đã đi vào ổn định. Trong đó, sản lượng vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 77,6 triệu m², tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2015. Sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 147,7 triệu m². Kim ngạch XK ngành Dệt may tháng 3 ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, con số này ước đạt 5,17 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015.
Đánh giá tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương mới đây, ông Phạm Duy Hạnh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho biết: Hoạt động XK dệt may thời gian qua vẫn tập trung vào các thị trường chính như các quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và EU khi hai khu vực này lần lượt chiếm 67% và 14,5% tổng kim ngạch XK. 5 mặt hàng có kim ngạch lớn nhất gồm: Sản phẩm dệt kim, quần áo jacket, váy và áo sơ mi. Trong đó, riêng dệt kim chiếm tỷ trọng 11% tất cả các mặt hàng.
Ở khía cạnh khác, lĩnh vực sợi và vải lại tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi tháng 3, lượng đơn hàng không cao và giá bình quân cũng ở mức thấp, chỉ khoảng 1,5-1,52USD/kg bông. Do đó, giá khách hàng chấp nhận mua sợi cũng ở mức thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất.
Cũng theo ông Hạnh, 3 quý còn lại, ngành Dệt may sẽ có cơ hội bứt phá khi nhu cầu gia tăng và khả năng đạt mục tiêu XK 30 tỷ USD.
Để hỗ trợ hoạt động XK dệt may, đại diện Vinatex kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan, thủ tục XNK đồng thời có biện pháp giảm chi phí đường bộ và quản lý giá vận tải khi giá xăng dầu liên tục ở mức thấp.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư
Dệt may là một trong những ngành hưởng lợi lớn nhất từ các hiệp định thương mại tự do đã và sắp có hiệu lực. Để chuẩn bị đón đầu thời cơ ấy, Vinatex và các đơn vị thành viên đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhiều nhà máy mới. Điển hình: Nhà máy ở Đồng Nai với 30 nghìn cọc sợi và có mức độ tự động cao nhất Việt Nam; nhà máy ở Nam Định có 22 vạn cọc sợi và một nhà máy vải ở Long An. Đặc biệt, “các nhà máy này đều đã tìm được đầu ra khi các nhà mua hàng đã đến đánh giá và xác định khả năng mua”, ông Phạm Duy Hạnh khẳng định.
Bên cạnh đó, tập đoàn còn đầu tư mạnh vào các dự án may như nhà máy may ở Bạc Liêu, Cần Thơ bắt đầu đi vào sản xuất trong tháng 4/2016; nhà máy ở Quảng Bình, Tuyên Quang vận hành vào đầu quý III; nhà máy may thứ hai ở Kiên Giang cũng vận hành vào quý IV. Đặc biệt, Vinatex đang có Dự án liên hợp dệt may Quế Sơn, gồm nhà máy sợi 3 vạn cọc, nhà máy dệt nhuộm 5.000 tấn/năm; nhà máy may 20 dây chuyền; nhà máy xử lý nước cấp công suất 2.000 m³/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải 3.000 m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng...
Tất cả các dự án này sẽ giúp gia tăng năng lực sản xuất mới cho ngành Dệt may Việt Nam (tăng khoảng 6 triệu sản phẩm/năm) trước việc nhiều hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Ngành Dệt may cần tận dụng lợi thế khi giá nguyên liệu đầu vào giảm để bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh và XK. |