Với mục tiêu năm 2016 xuất khẩu của ngành Dệt may đạt trên 30 tỷ USD, tăng khoảng 10% - 12% so với năm 2015, ngay từ những ngày đầu năm, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã thể hiện nhiều quyết và đưa ra những giải pháp để cùng ngành cán đích con số trên.
Các dây chuyền sản xuất nhộn nhịp ngay từ những ngày đầu năm. (Ảnh: HH)
Tại Tổng công ty May 10, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cho biết, đầu năm, May 10 đã tổ chức ra quân sản xuất với không khí phấn khởi, hy vọng. Năm 2016, May 10 sẽ tiếp tục áp dụng phần mềm quản lý đơn hàng Sewman cho tất cả các đơn hàng FOB (mua nguyên liệu về sản xuất rồi bán thành phẩm thay vì làm hàng gia công), áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn (Lean) trong quản trị đơn hàng. Đồng thời, May 10, tiếp tục đầu tư cho khâu thiết kế để đưa ra nhiều dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng, chủ động khai thác tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú nhằm phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng… Bên cạnh đó, May 10 cũng tiếp tục củng cố và phát triển các thị trường chính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; ưu tiên các khách hàng tại thị trường mới, tận dụng các Hiệp định ưu đãi thuế quan với Hàn Quốc, Việt Nam - Nga - Belarus - Kazakhsta.
Hưởng ứng mục tiêu này, Phó Giám đốc Xí nghiệp Veston, bà Bùi Thúy Hạnh cho biết, Xí nghiệp luôn đặt ra sứ mệnh “cung cấp sản phẩm Veston chất lượng hàng đầu thế giới” nên luôn trung tín với những giải pháp cụ thể. Xí nghiệp làm hàng Veston xuất đi Nhật, mà khách hàng Nhật rất coi trọng chất lượng, nên từng khâu làm không hề dễ. Để vượt qua thách thức về chất lượng, đòi hỏi tay nghề của người công nhân phải rất cao, khâu kiểm soát chất lượng cũng rất chặt chẽ, chúng tôi phải tập trung trí óc, sáng tạo và động viên nhau nỗ lực không ngừng. Xí nghiệp đặt ra mục tiêu năm 2016 sản xuất 478.000 sản phẩm, đạt doanh thu gần 3 triệu 370 nghìn USD, thu nhập bình quân 7,7 triệu đồng/người/tháng.
Tại Công ty may Thiệu Đô (Thanh Hóa), ông Thân Đức Thiện, Giám đốc Công ty cho biết, sau hơn 5 năm hoạt động, từ chỗ chỉ có 320 cán bộ công nhân viên (CBCNV) chuyên sản xuất sơ mi đến nay, Thiệu Đô đã trở thành một trong những Trung tâm sản xuất lớn của May 10 và là một trong những công ty có cơ sở vật chất khang trang nhất của May 10. Công ty chuyên sản xuất sơ mi và veston cao cấp xuất khẩu sang Nhật Bản, Châu Âu. Tổng doanh thu năm 2015 là trên 5 triệu 800 ngàn USD, trong đó riêng doanh thu từ veston là trên 1.500.000 USD. Công ty sẽ luôn nỗ lực để đạt mục tiêu năm 2016 sản xuất hơn 3,8 triệu áo sơ mi và 11 triệu sản phẩm Veston, mang lại doanh thu hơn 5,7 triệu USD, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Tại Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, với mục tiêu đạt thành tích cao trong sản xuất kinh doanh, giành nhiều thành tích mới so với năm qua để xứng đáng là cái nôi của ngành dệt may Việt Nam, trong tuần đầu năm, 100% công nhân đã quay trở lại làm việc ngày khai Xuân.
Theo ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, từ giữa năm 2015, Dệt May Nam Định đã có nhiều cố gắng trong điều hành quản trị doanh nghiệp, nên Tổng Công ty đã có sự chuyển mình tích cực, năng suất lao động đã khá hơn, thu nhập của người lao động đã có sự cải thiện đáng kể. Giá trị sản xuất năm 2015 của Tổng Cty đạt 1.002,5 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt hơn 1.125,5 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 408,3 tỷ đồng; thu nhập bình quân của công nhân được nâng lên mức 4,4 triệu đồng/người/tháng, tăng 10% so với năm trước. Tổng Công ty đảm bảo được lợi ích của người lao động và cổ đông; mỗi người lao động cũng được chia thưởng Tết 1,2 tháng lương. Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2016 Tổng Công ty sẽ nỗ lực và quyết liết hơn trên mọi bình diện để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra. Tổng Cty phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.156,4 tỷ đồng, tăng 15,36%; tổng doanh thu đạt 1.260,9 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2015.
Ngay từ những ngày đầu năm, công nhân tại Nhà máy May Hưng Yên – CTCP đã bắt nhịp với công việc nhịp nhàng, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty chia sẻ, để đón đầu các lợi ích từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), May Hưng Yên chuyển dần sang sản xuất theo phương thức ODM (thiết kế và sản xuất theo yêu cầu khách hàng) thực hiện chuỗi giá trị để tăng năng lực xuất khẩu. Thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ 18, trong năm 2016, May Hưng Yên sẽ đầu tư thêm 4 nhà máy tại địa bàn tỉnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho thêm 10.000 lao động, góp phần tăng quy mô doanh nghiệp và đóng góp vào sự cải thiện GDP của tỉnh Hưng Yên.
Ngay trên địa bàn Thủ đô, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex) Nguyễn Song Hải cho biết, các chi nhánh và các nhà máy thành viên trong những ngày làm việc đầu tiên năm mới luôn đảm bảo quân số 100%. Với khí thế mới, quyết tâm mới Tổng Công ty Dệt May Hà Nội sẽ nỗ lực trong điều hành quản trị và mở rộng thị trường. Đồng thời không ngừng cải tiến kỹ thuật, áp dụng các giải pháp công nghệ để gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm sợi xuất khẩu các loại; quyết liệt khắc phục những hạn chế và tồn tại; đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu năm 2016.
Còn đối với Công ty TNHH MTV 8/3, trong năm 2015, Công ty đã tăng tốc đầu tư nhiều dự án để đón đầu các hiệp định thương mại đã và sắp được ký kết. Ông Đặng Vũ Hùng, Chủ tịch HĐTV - Tổng Giám đốc cho biết, một trong những giải pháp quyết liệt mà Công ty đã đề ra và thực hiện là: Đẩy mạnh công tác tái cấu trúc mọi mặt hoạt động của Công ty (từ mô hình tổ chức hoạt động đến tài chính, đầu tư, quản trị,…) từ đó từng bước hình thành chuỗi liên kết nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh với mong muốn: “Xây dựng niềm tin, chung một tầm nhìn, đoàn kết sáng tạo, hướng đến tương lai”. Trong công tác xây dựng chuỗi liên kết, Cơ quan điều hành hình thành định hướng đầu tư phát triển chung cho toàn hệ thống. Theo đó, Công ty đã đẩy mạnh việc đầu tư mở rộng, phát triển trên nhiều lĩnh vực: Sợi - Dệt - Nhuộm & hoàn tất - May từ đó hình thành chuỗi sản xuất liên tục cả về dệt thoi và dệt kim để tăng nhanh năng lực xuất khẩu, góp phần đóng vào thành tích xuất khẩu của Tập đoàn và Ngành.
Cắt vải đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người công nhân. (Ảnh: HH)
Cùng với những đơn vị trên, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh khẳng định, may mặc là một trong bốn ngành công nghiệp mũi nhọn của TP Hồ Chí Minh, đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Do đó, trong năm 2016, tận dụng tối đa cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia cũng như chủ trương kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của thành phố, hầu hết các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đều hi vọng ngành may mặc sẽ có bước phát triển vượt bậc khi hội nhập. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tồn tại, phát triển ổn định.
Nhận định chung về ngành Dệt may trong năm 2016, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, nhiều hiệp định thương mại tự do được thực thi. Đặc biệt Hiệp định TPP cũng đã được ký kết sau 5 năm nỗ lực đàm phán sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, năm 2016, ngành dệt may Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức để đón làn sóng hội nhập. Nguồn nguyên liệu và đặc biệt là năng suất lao động đang là những lực cản cần nhanh chóng được cải thiện. Theo ông Lê Tiến Trường, với hy vọng trong khí thế mới của mùa Xuân, cán bộ và lao động ngành dệt may sẽ có thêm động lực, quyết tâm cao để thực hiện được các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đặt ra trong năm 2016, với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 30 tỷ USD, tạo ra thêm 300.000 việc làm mới trên cả nước”./.
Theo Hiền Nguyễn / dangcongsan.vn