Ảnh minh họa |
Tỷ giá chỉ là một trong những yếu tố đầu vào cấu thành nên giá điện, nên không phải lỗ tỷ giá là chi phí sản xuất tăng cao khiến ngành điện bị lỗ.
Đó là nhận định của một số chuyên gia trước đề xuất tăng giá điện để bù lỗ chênh lệch tỷ giá của một số DN sản xuất điện.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, theo Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ, có bốn yếu tố là thông số đầu vào cơ bản tác động trực tiếp đến chi phí phát điện bao gồm: Giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ, cơ cấu sản lượng điện phát và giá thị trường phát điện cạnh tranh.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Cũng theo quy định, giá bán điện bình quân cơ sở được xây dựng dựa trên chi phí sản xuất, kinh doanh điện, lợi nhuận hợp lý của bốn khâu: Phát điện, truyền tải điện, phân phối – bán lẻ điện; điều hành quản lý và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện.
“Tỷ giá là một trong bốn yếu tố hình thành cấu thành giá điện, nên khi tỷ giá thay đổi thì sẽ tác động lên giá thành sản xuất điện. Theo quy định của Chính phủ, các yếu tố đầu vào thay đổi thì sẽ điều chỉnh giá điện, tức là tăng hoặc giảm theo yếu tố đầu vào. Song giá điện từ trước đến nay chỉ tăng mà không có giảm” - Ông Trí Long nói.
Tuy nhiên, với vai trò là một trong bốn yếu tố cấu thành nên giá điện, ông Trí Long cho rằng không phải tỷ giá tăng là chi phí giá thành sản xuất điện tăng, và giá điện sẽ phải tăng theo. Có thể tỷ giá tăng nhưng các yếu tố đầu vào khác không thay đổi, hoặc giảm cũng làm cho giá thành sản xuất điện không tăng.
Ông Long nói: “Mặc dù tỷ giá tăng nhưng chưa chắc yếu tố liên quan đến giá điện sẽ tăng, vì có thể các yếu tố kia thay đổi theo hướng có lợi và tỷ giá chỉ là một nhân tố cấu thành giá điện”.
Phân tích kỹ hơn các yếu tố cấu thành nên giá điện trong thời gian qua, có thể thấy ngành điện đang có nhiều thuận lợi cho kế hoạch sản xuất kinh doanh và giảm chi phí giá thành sản xuất.
Cụ thể, giá nguyên, nhiên liệu đầu vào gồm xăng dầu đã liên tục giảm mạnh tới 40% trong thời gian qua. Theo đó, giá khí cũng chịu tác động của việc giá dầu giảm nên cũng đang trong xu hướng giảm.Giá bán than cho điện mặc dù tăng từ ngày 21/7/2014, song mức tăng giá này đã được phân bổ vào việc tăng giá điện ngày 16/3/2015 vừa qua.
Về cơ cấu nguồn điện, theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm thủy điện chiếm 34,95%, nhiệt điện than chiếm 33,64%, tua-bin khí chiếm 29,99%, nhiệt điện dầu chiếm 0,31%, nhập khẩu chiếm 1,11%.
Như vậy, mặc dù tình hình khô hạn trong các tháng đầu năm có ảnh hưởng đến các nhà máy thủy điện, song thủy điện vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng cơ cấu phát điện. Trong khi thủy điện là nguồn điện có giá thành thấp nhất so với các nguồn điện khác nên đây sẽ là lợi thế cho ngành điện giảm chi phí giá thành.
Tính toán kỹ từng yếu tố
Đặc biệt, giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh hiện cũng đang mang lại nhiều lợi thế cho ngành điện. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, giá mua điện bình quân từ các đơn vị phát điện trực tiếp tham gia thị trường điện trong 3 năm qua là 1087,3 đồng/kWh.
Cụ thể, giá mua bình quân của thủy điện là 847,4 đồng/kWh; nhiệt điện than là 1286,0 đồng/kWh; tuabin khí là 1065,2 đồng/kWh. Trong khi giá điện bán ra bình quân theo quy định của Bộ Công Thương đã tăng từ 1.508,85 đồng/kWh lên mức 1.622,01 đồng/kWh.
Trong khi đó, số nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện là 59 nhà máy thuộc 50 đơn vị phát điện với tổng công suất khoảng 14.000 MW, chiếm 37,5% công suất toàn hệ thống.
Từ những phân tích trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, tỷ giá tăng nhưng chưa chắc giá thành sản xuất điện đã tăng. Đơn cử, khi cơ cấu sản lượng thủy điện tăng lên thì giá sẽ giảm, hoặc giá dầu, giá khí giảm cũng sẽ làm cho giá điện giảm, sẽ “bù trừ” cho việc chênh lệch tỷ giá.
Theo giáo sư - viện sĩ Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam, về nguyên tắc thì phải tính đủ chi phí vào giá thành. Tuy nhiên, việc tỷ giá có tác động đến chi phí giá thành điện như thế nào cần phải được tính toán cụ thể, đồng thời cân nhắc để phân bổ cho hợp lý.
“Cần tính toán kỹ lưỡng từng yếu tố, ở từng thời kỳ, để xem tỷ giá có thực sự làm cho DN lỗ hay không, giá thành tăng lên hay không. Có thể chi phí tỷ giá tăng nhưng tổng chi phí giá thành điện lại không tăng. Cho nên không cớ gì mà hốt hoảng, lo toan vì tỷ giá tăng mà tăng giá điện” - chuyên gia Trí Long nói.
(Theo An Ngọc - Trí thức trẻ)