Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay sản lượng điều nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu của hơn 300 DN chế biến xuất khẩu. Còn lại phần thiếu hụt thì các DN ngành điều trong nước phải nhập khẩu từ các nước như Campuchia, Ấn Độ, Bờ biển Ngà, một số nước Tây Phi...
Chính vì vậy, việc thiếu hụt và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là không thể tránh khỏi. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), mặc dù ngành nông nghiệp đã có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, nhưng sản lượng khó có thể phát triển nhanh trong vòng 10 năm tới.
Dự báo trong năm nay, các DN Việt Nam sẽ nhập khẩu 870.000 tấn hạt điều thô với tổng giá trị hơn 1,1 triệu USD. Ông Phan Ngọc Sơn, Tổng giám đốc CTCP Xuất khẩu Long An (Lafooco) cho biết, việc thiếu hụt nguyên liệu không chỉ ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu của DN chế biến mà “nguy hiểm” hơn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do khó có thể kiểm soát được chất lượng đầu vào của nguyên liệu nhập.
Thực tế, thời gian qua một số DN cho biết về tình trạng điều thô nguyên liệu nhập từ Campuchia, châu Phi có dư lượng chất bảo quản thực vật cao, dẫn đến khi chế biến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU bị trả về.
Ngoài ra, còn có hiện tượng do DN trong nước “nôn nóng” mua đủ lượng nguyên liệu phục vụ đơn hàng xuất khẩu nên đã nhanh chóng ký kết giao kèo với đối tác nước ngoài nhưng không kiểm tra kỹ càng, dẫn đến tình trạng mua phải điều phẩm chất kém, thậm chí đối tác bị “lật kèo” khi giá nguyên liệu thô đột ngột tăng cao.
Mới đây, Vinacas đã đưa ra cảnh báo với các DN ngành điều về vấn đề này, đặc biệt việc các bạn hàng, thị trường nhập khẩu khó tính như Hoa Kỳ, Hà Lan, Úc liên tục cảnh báo về vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), chỉ số vi sinh, chất bảo quản...
Nhất là, theo Luật ATVSTP sửa đổi của Mỹ (FSMA), DN nào có vấn đề trong xuất khẩu vào thị trường này có thể sẽ bị Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ từ chối khi xuất các lô hàng tiếp theo. Vì vậy, các DN chế biến điều Việt Nam cần quan tâm hơn đến kiểm soát chất lượng nhân điều để giữ uy tín thương hiệu, cũng như thị trường xuất khẩu bền vững, lâu dài.
Bàn về vấn đề này, ông Sơn cho rằng, trước khi chờ chính sách quy hoạch, hỗ trợ ngành điều phát huy hiệu quả thì các DN sản xuất, chế biến, xuất khẩu cần chủ động đề ra hướng đi cho mình.
Cụ thể, thời gian tới Lafooco sẽ chú trọng ngay từ khâu đầu vào khi thu mua nguyên liệu thô, cũng như sản xuất, xuất khẩu hạt điều tập trung vào chất lượng, hiệu quả, chứ không mở rộng, phát triển về quy mô. Công ty cũng sẽ chú trọng nghiên cứu, cập nhật trình độ công nghệ, kỹ thuật chế biến điều, nâng cấp thiết bị, công nghệ mới để tăng lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô như trước đây, Lafooco sẽ đảm bảo cung ứng đầy đủ về chất lượng và số lượng nguyên liệu phục vụ cho mảng hàng giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của thị trường sản phẩm đã qua chế biến sâu được khách hàng quốc tế ưa chuộng.
(Theo Thời báo Ngân hàng)