Theo nghiên cứu của Nielsen, Việt Nam có trên 23 triệu người thường xuyên mua sắm trực tuyến và thị phần du lịch trực tuyến đang ngày càng gia tăng. Trong 2 năm tới, thị phần dịch vụ du lịch trực tuyến sẽ tăng mạnh từ 9% lên đến 33%. Trong đó, du lịch thông minh là nền tảng của dữ liệu trực tuyến.
Hiện nay, Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong bảng xếp hạng những quốc gia có mức độ phổ cập Internet hàng đầu thế giới và có hơn 53% dân số sử dụng Internet hàng ngày. Ngoài ra, có 90% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam tra cứu thông tin du lịch qua internet. Đây là những lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển một nền tảng du lịch thông minh nhờ ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Lãnh đạo Bộ Khoa học & Công nghệ và các diễn giả tại Hội thảo: “Du lịch thông minh - Cơ hội và Thách thức đối với Việt Nam”. |
Thách thức chuyển đổi số
Tại Hội thảo “Du lịch thông minh - Cơ hội và Thách thức đối với Việt Nam” được tổ chức mới đây, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Để có thể tận dụng được những cơ hội từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số. Đây là cuộc cạnh tranh sống còn, không thể chậm trễ của doanh nghiệp Việt Nam”.
Theo ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, hiện nay, 100% doanh nghiệp đã vận dụng Internet trong việc phát triển du lịch nhưng vẫn còn ở những giai đoạn sơ khai. Doanh nghiệp mới chỉ ứng dụng Internet vào liên hệ và quảng bá sản phẩm. Nếu chỉ dừng lại ở những giai đoạn như này, thì chưa thể khai thác được hết các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, quản lý và điều hành doanh nghiệp. Thực trạng này sẽ dẫn tới năng suất và tính cá thể hoá các sản phẩm dịch vụ còn thấp.
Du lịch trực tuyến đang trở thành hấp lực với các doanh nghiệp trong và ngoài nước ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Như vậy, thực trạng của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch Việt Nam là phải thực hiện được công cuộc chuyển đổi số. Cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải hình thành một nền tảng cơ sở dữ liệu trực tuyến nhằm kết nối các giải pháp, các tổ chức, các phương thức để có hình thức quảng bá du lịch ngày một hấp dẫn và tiện lợi hơn cho du khách.
100% doanh nghiệp đã vận dụng Internet trong việc phát triển du lịch nhưng vẫn còn ở những giai đoạn sơ khai, chủ yếu ứng dụng internet vào liên hệ và quảng bá thương hiệu. |
Ngoài ra, theo các nhà phân tích, có 3 xu hướng đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển toàn diện của ngành du lịch. Một là, sự lớn mạnh của những Cty phân phối sản phẩm trực tuyến; Hai là, xu hướng tự động hóa; Ba là, nền kinh tế chia sẻ. Theo đó, những phương pháp marketing truyền thống như in ấn, đã không còn hiệu quả mà thay vào đó là phương thức quảng bá trực tuyến thông qua các kênh như website, mạng xã hội,...
Cần giải pháp đột phá
Du lịch là lĩnh vực được Nhà nước đặc biệt ưu tiên phát triển và hiện nay ngành du lịch Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Để có thể hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng đã được giao, ngành Du lịch cần lấy công nghệ làm giải pháp mang tính đột phá nhằm tăng sức cạnh tranh”.
Nhận thức được điều này và sớm áp dụng các nền tảng thương mại điện tử và thành tựu của Internet vào hoạt động kinh doanh du lịch, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh cho biết: “Cty đã và đang đầu tư lớn cho những nghiên cứu và ứng dụng dữ liệu lớn để phân tích thói quen, xu hướng đi du lịch của khách hàng. Đây là cơ sở để Cty hướng đến cá thể hoá các sản phẩm dịch vụ”.
Theo hãng hàng không Virgin America, đến cuối năm 2016, có hơn 50% vé du lịch diễn ra trên di động. Điều đó cho thấy, công nghệ không chỉ tạo sự thuận tiện mà đang dần thay đổi hành vi và thói quen tiêu dùng của khách hàng. Sự dịch chuyển này đang có xu hướng gia tăng và là một xu hướng tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xác định du lịch là một ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế, cơ hội phát triển trong bối cảnh các tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến tất cả các khía cạnh của kinh tế xã hội ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để có thể tận dụng thành công cơ hội này, biến lợi thế thành giá trị, ngành du lịch, mà cụ thể là các doanh nghiệp du lịch, phải thực sự hòa mình vào xu thế phát triển của công nghệ, sẵn sàng cho sự chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, tăng cường năng lực về công nghệ cho phù hợp với xu thế phát triển mới.
Ông Phạm Đại Dương – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ :Du lịch cũng là một trong những ngành mũi nhọn được ưu tiên Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định không chỉ là nơi thu hút đầu tư để phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia mà còn là nơi trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp để phát triển, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo thành công, tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề. Trong đó, ngành du lịch cũng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn mà chúng tôi ưu tiên trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam:Nhà nước nên có chính sách kiến tạo Để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch thông minh, Nhà nước nên có những chính sách kiến tạo môi trường để các doanh nghiệp nội có đủ thời gian lớn mạnh, tích luỹ nguồn lực, đổi mới công nghệ và cạnh tranh hiệu quả với những các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những Cty có tiềm lực chính công nghệ mạnh hơn rất nhiều. Ví dụ như trường hợp của Ctrip, một OTA lớn nhất của Trung Quốc thuê tới 1,5 nghìn kỹ sư công nghệ, làm việc theo nhóm và lựa chọn giải pháp có chất lượng tốt nhất từ các nhóm. Ông Nguyễn Thế Trung - CEO Công ty Công nghệ DTT:Ngân sách số hóa cũng là rào cản của Cty du lịch Cuộc cách mạng 4.0 đang dẫn tới nhu cầu phải cá thể hóa các sản phẩm tiêu dùng, trong đó có du lịch. Để làm được điều này, chúng ta phải hiểu rõ hơn nhu cầu của du khách thông qua những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) hay dữ liệu lớn (Big Data). Chuyển đổi số là điều bắt buộc phải làm, nhưng các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn vì mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về số hóa không cao và chưa đồng đều. Khi thực hiện việc số hóa sẽ dẫn tới tái cấu trúc doanh nghiệp và toàn bộ quy trình kinh doanh, nhưng ngân sách dành cho việc số hóa cũng là một rào cản đối với các công ty du lịch Việt Nam. |
Song Hà / DĐDN