Chỉ riêng lợi nhuận của Dược Hậu Giang đã chiếm tới 41% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp dược trên sàn.
Ảnh minh họa.
Theo tổng hợp của BizLIVE, tổng doanh thu thuần của 17 doanh nghiệp dược niêm yết kỳ này đạt hơn 7.728 tỷ đồng, tăng nhẹ 6,34% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế tăng tới 19,8%, đạt gần 370 tỷ đồng.
Trong kỳ này, 16/17 doanh nghiệp dược báo lãi, trong đó, có 11 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và 6 doanh nghiệp có tăng trưởng âm.
Dược Hậu Giang vẫn là doanh nghiệp đứng đầu với doanh thu thuần tăng trưởng gần 22% đạt 815,4 tỷ đồng, giá vốn hàng bán chiếm 54,8% trong doanh thu thuần nên mức lãi gộp cũng tăng trưởng 26,35%, đạt 368,3 tỷ đồng.
Trong kỳ, Dược Hậu Giang có 12,58 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính trong khi đó chi phí tài chính vẫn duy trì ở mức trên 17 tỷ đồng trong đó có gần 14 tỷ đồng chiết khấu thanh toán.
Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp lần lượt tăng thêm 23% và 31,45% nhưng DHG vẫn đạt mức lợi nhuận sau thuế 151,5 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 41% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp dược trên sàn.
Tương tự, CTCP Traphaco (mã TRA) cũng có một kỳ kinh doanh khá tốt với doanh thu thuần đạt 494,33 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 51,18 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó lãi công ty mẹ 50,26 tỷ đồng, tăng tới 27%.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong quý I của TRA cũng có bước chuyển biến, khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 2,8 tỷ đồng thì năm nay ở mức cao 49 tỷ đồng, tức tăng 17,5 lần.
CTCP XNK Y Tế Domesco (mã DMC) cũng là gương mặt đáng chú ý trong kỳ qua khi thu về lợi nhuận hơn 35,2 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước bao gồm Dược Bến Tre với lãi ròng 6,2 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ, Dược Phẩm Cửu Long (DCL) lãi 20,4 tỷ đồng, tăng 62%, Dược Phẩm Hà Tây (DHT) lãi 8,2 tỷ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, trong kỳ vẫn còn một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không mấy khả quan như CTCP Dược Thú Y Cai Lậy (mã MKV) khi doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ 1,4 tỷ đồng, tăng lỗ 24% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu cũng chỉ đạt vỏn vẹn 13,7 tỷ đồng, giảm 5,3% so với quý I/2015.
Tương tự, Y Dược Phẩm Vimedimex (mã VMD) cũng có một kỳ kinh doanh ảm đạm không kém với lợi nhuận "lao dốc không phanh". Như mọi kỳ, doanh thu của công ty này luôn thuộc "hàng khủng", tới hơn 2.683 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu của "ông lớn" DHG, tuy nhiên, lợi nhuận của VMD lại chỉ đạt hơn 12 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Một số doanh nghiệp dược lớn khác cũng có mức lợi nhuận đi xuống như CTCP Dược Phẩm Imexpharm (mã IMP) báo lãi 21,2 tỷ đồng, giảm 18%, Dược phẩm OPC lãi gần 21 tỷ đồng, giảm 7% so với quý I/2015.
Nhiều gian nan phía trước?
Theo Công ty nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam giai đoạn 2015-2018 dự kiến đạt gần 16%/năm, với doanh số thị trường năm 2015 có thể đạt 3,5-5 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành dược Việt được nhận định sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới khi phải đối mặt với tình trạng suy giảm biên lợi nhuận do tác động của cạnh tranh làm tăng chi phí marketing, bán hàng và tỷ giá dự báo tăng 5% làm tăng chi phí nguyên liệu đầu vào.
Thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc 36/2013 khiến giá thuốc đấu thầu vào bệnh viện giảm mạnh và tạo áp lực cạnh tranh lớn trên thị trường OTC. Ngoài ra, doanh nghiệp dược sẽ chịu thêm áp lực cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do khi mức nhập khẩu dược phẩm tiếp tục tăng cao trong năm 2016.
Đáng chú ý, áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại tăng khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Theo đó, Việt Nam sẽ cho phép các nhà thầu thuộc khối EU và các nước tham gia TTP được tham gia đấu thầu dược phẩm, khiến giảm lợi thế và doanh thu phân phối của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, việc cắt giảm thuế quan về 0% từ mức 2,5-5% làm tăng áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp dược ngoại.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2015, nhập khẩu dược phẩm của cả nước lên tới 2,3 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2014. Đặc biệt, 2 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu dược phẩm của cả nước đạt 375 triệu USD, tăng 47% so với cùng kỳ.
Thực tế, trên thị trường, dược phẩm ngoại đang lấn át nội. Theo số liệu của Bộ Y tế, thuốc nhập khẩu hiện chiếm 60% tổng tiêu thụ thuốc ở Việt Nam. Thị trường nhập khẩu dược phẩm chủ yếu của Việt Nam là các nước châu Âu, như Pháp, Đức, Anh, Italy và 2 thị trường lớn khác là Hoa Kỳ và Ấn Độ.
Trần Thúy / BizLIVE