Ngành dược vừa có một quý kinh doanh khá khả quan khi những gam màu sáng chiếm chủ đạo trên bức tranh lợi nhuận.
Ảnh minh họa.
Theo tổng hợp của BizLIVE, tổng doanh thu thuần của 16 doanh nghiệp dược niêm yết kỳ này đạt hơn 6.754 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, tổng lợi nhuận sau thuế tăng tới 27,3%, đạt hơn 371 tỷ đồng.
Trong kỳ này, 14/16 doanh nghiệp dược báo lãi, trong đó, có 10 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và 6 doanh nghiệp có tăng trưởng âm.
Dược Hậu Giang (mã DHG) vẫn là doanh nghiệp đứng đầu ngành với doanh thu thuần đạt mức 1.149 tỷ đồng, giảm nhẹ 12% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, nhờ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được cắt giảm đã giúp lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt mức 168,5 tỷ đồng, tăng 40% so với quý IV/2014.
Đơn vị: Tỷ đồng
Lũy kế cả năm 2015, DHG đạt 3.608 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 7% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp đạt 703,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cả năm của DHG đạt 594,4 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước.
Một ông lớn khác cũng đạt được tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm 2015 là CTCP Traphaco (mã TRA). Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng nhẹ 4,9%, lên 540 tỷ đồng, tuy nhiên, nhờ hoạt động tài chính có chuyển tích cực đã giúp lợi nhuận sau thuế tăng tới 41%, đạt gần 63,5 tỷ đồng.
Năm 2015, TRA đạt lợi nhuận sau thuế 202 tỷ đồng, tăng 23,7% so với kết quả đạt được năm 2014.
CTCP XNK Y Tế Domesco (mã DMC) cũng là gương mặt đáng chú ý trong kỳ qua khi thu về lợi nhuận hơn 42 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Cả năm 2015, doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 1.234 tỷ đồng, lãi ròng gần 143 tỷ đồng, tăng 7,8% so với 2014.
Đơn vị: Tỷ đồng
Một số doanh nghiệp khác cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước bao gồm Dược Bến Tre với lãi ròng 11,8 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ, Dược Phẩm Cửu Long (DCL) lãi 20,9 tỷ đồng, tăng gấp 4,2 lần, Dược Phẩm Hà Tây (DHT) lãi 15,2 tỷ đồng, tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp kỳ này lại có kết quả kinh doanh không mấy khả quan như Dược Phẩm Phong Phú (mã PPP). Mặc dù doanh thu thuần tăng 25,6%, lên 28,5 tỷ đồng nhưng do giá vốn tăng tới 34,6% trong khi chi phí tài chính tăng mạnh khiến công ty báo lỗ 17 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái, PPP lãi hơn 4,5 tỷ đồng.
Tương tự, Y Dược Phẩm Vimedimex (mã VMD) cũng có một kỳ kinh doanh ảm đạm không kém với lợi nhuận "lao dốc không phanh". Như mọi kỳ, doanh thu của công ty này luôn thuộc "hàng khủng", tới hơn 3.141 tỷ đồng, gấp 3 lần doanh thu của "ông lớn" DHG, tuy nhiên, lợi nhuận của VMD lại xếp hạng bét trong số các doanh nghiệp dược niêm yết với mức lỗ ròng 14 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty lãi gần 15 tỷ đồng.
Còn dư địa tăng trưởng?
Giá trị thuốc sản xuất trong nước chỉ chiếm phân nửa tổng chi tiêu thuốc cả nước. Theo phân loại của Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO) và Hội nghị Thương mại & Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), Việt Nam xếp thứ 3/4 về mức độ phát triển của ngành công nghiệp dược. Tức là chỉ dừng ở việc có nền công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, giá trị thấp và tập trung ở các dòng thuốc thông thường.
Trong khi đó, phân khúc các sản phẩm đặc trị còn kém phát triển bởi trình độ phát triển của ngành dược Việt Nam chưa cao, chủ yếu vẫn phải dựa vào nhập khẩu là chính.
Đứng trước tình hình này, hồi đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 68/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến 2020.
Theo đó, mục tiêu đưa ra là đưa tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị thuốc từ gần 50% như hiện tại lên 80% trong 2020.
Dù thách thức là không nhỏ nhưng cũng có thể xem đây là cơ hội cho các công ty dược trong nước.
Bên cạnh đó, chi tiêu thuốc bình quân đầu người của Việt Nam hiện vẫn đang ở mức khá khiêm tốn, chỉ hơn 30USD/người/năm, so với 96USD của các nước đang phát triển và 186 USD của thế giới.
Do vậy, với các đặc điểm quy mô dân số khá lớn, tăng nhanh và ý thức bảo vệ sức khoẻ của người dân ngày càng được nâng cao, dư địa tăng trưởng cho các công ty dược phẩm trong nước có hệ thống phân phối tốt được đánh giá là vẫn còn tương đối nhiều.
Theo TRẦN THÚY / BizLIVE