Dù chưa chịu nhiều tác động từ dịch Covid-19, song các doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ vẫn chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, nhằm đạt mục tiêu đề ra trong năm 2020.
Lạc quan về triển vọng phát triển
Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), thời điểm này ngành gỗ chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19, xuất khẩu (XK) toàn ngành trong 2 tháng đầu năm vẫn đạt 15,3 tỷ USD, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ năm 2019.
DN gỗ tin tưởng kim ngạch XK sẽ đạt mức tăng trưởng 20% trong năm 2020. Nguyên nhân được nhiều DN trong ngành đưa ra là, năm 2019 bất chấp cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngành gỗ vẫn tăng trưởng 22%, với kim ngạch đạt khoảng 11,2 tỷ USD. Bước sang năm 2020, dù tình hình kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng gỗ lại là ngành được hưởng lợi.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương - nhận định: Hiện nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã ngưng hoạt động để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, các đơn hàng sản xuất đồ gỗ đổ dồn vào các nước khác, trong đó có Việt Nam. Dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng chúng tôi dự đoán, trong năm nay mức tăng trưởng của ngành gỗ sẽ vào khoảng 20%.
Nguyên liệu sản xuất của ngành gỗ không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành gỗ ít chịu tác động của dịch Covid-19 là do không phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc. Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO) - chỉ rõ, nguyên liệu gỗ hiện chủ yếu được sản xuất trong nước và nguồn gỗ thiếu hụt được nhập khẩu từ các nước khác như: Mỹ, Canada, châu Phi. Thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là: Châu Âu, Mỹ, Nhật… XK đồ gỗ sang Trung Quốc rất hạn chế. Thêm vào đó, Việt Nam đã ký rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) mới được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực trong năm nay sẽ tạo động lực tốt để ngành gỗ phát triển.
Cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Có thể thấy, ngành gỗ đang đứng trước thời cơ thuận lợi. Các sản phẩm gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thế giới. tại Hội chợ đồ gỗ Las Vegas (Mỹ), mới đây, nhiều đơn vị mua hàng đã thể hiện mong muốn tìm kiếm nguồn cung ứng tại Việt Nam để thay thế dần thị phần của Trung Quốc.
Theo bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương): Ban tổ chức hội chợ đã gửi thư ngỏ với mong muốn các nhà cung cấp gỗ Việt Nam tham gia vào tháng 7/2020; đồng thời sẽ cùng với Cục Xúc tiến thương mại làm việc với Tạp chí Furniture Today quảng bá đồ gỗ Việt Nam, coi đây là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng đồ gỗ thế giới. Để hỗ trợ DN, Cục Xúc tiến thương mại đã gửi thông tin đăng ký tham gia đoàn xúc tiến thương mại cho hiệp hội gỗ tại các tỉnh, thành phố và nhận được sự hưởng ứng của nhiều DN. Trong đó, Công ty Cổ phần Liên Thành (Bình Dương) coi đây là cơ hội tốt để tiếp cận các nhà phân phối lớn trên toàn cầu.