Vượt qua đà giảm của nhiều tháng trước, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang tăng trưởng trở lại. Cùng với việc nỗ lực chinh phục thị trường nội địa, toàn ngành đang khẩn trương hoàn thành mục tiêu năm 2016.
Đầu tư khâu thiết kế để mở rộng thị trường trong nước
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng trở lại
Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ 11 tháng qua đạt hơn 6,2 tỷ USD, tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng không cao nhưng điểm đáng mừng là đã vượt qua đà giảm của những tháng trước để lấy lại đà tăng. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), sự tăng trưởng của gỗ XK năm nay chủ yếu nhờ vào thị trường Hoa Kỳ và Nhật. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 3,7% thị phần. Năm 2016, kim ngạch XK gỗ vào Hoa Kỳ tăng khoảng 15%. Đây được nhận định tiếp tục sẽ là thị trường chủ lực của đồ gỗ Việt trong tương lai vì nhu cầu còn rất lớn.
Thị trường Nhật Bản cũng khá khả quan khi tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này tăng bình quân khoảng 13%/năm trong nhiều năm nay. Các mặt hàng XK quan trọng nhất của Việt Nam vào Nhật Bản gồm dăm gỗ, đồ nội thất phòng ngủ, đồ gỗ ngoài trời, ghế gỗ và đồ nội thất văn phòng.
Dù không phải là thị trường truyền thống của gỗ Việt nhưng Hàn Quốc đang nổi lên là một trong những thị trường XK đầy tiềm năng. Nhờ “lực đẩy” từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc, 10 tháng đầu năm, XK gỗ sang Hàn Quốc đã tăng tới 17,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trái ngược với đà tăng của những thị trường kể trên, sự sụt giảm kim ngạch XK ở một số thị trường trọng điểm như Trung Quốc, EU lại đang là nguyên nhân khiến kim ngạch XK đồ gỗ không cao như kỳ vọng. Do đó, Vifores dự báo, nếu những năm trước, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ thường có mức tăng 2 con số, có năm tăng trên 15% thì năm nay, khả năng chỉ tăng nhẹ ở mức 4,3%, đạt khoảng 7,2 tỷ USD.
Chú trọng thị trường trong nước
Thống kê từ Vifores cho thấy, hiện nay nhu cầu đồ gỗ trong nước đang gia tăng nhanh chóng. Ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm (bằng một nửa doanh thu XK). Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp (DN) trong nước có thể tận dụng gia tăng doanh thu và thị phần.
Chú trọng đầu tư công nghệ chế biến gỗ giúp DN nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm
Trên thực tế, nhiều DN đã có xu hướng quay lại thị trường nội địa. Theo đại diện Công ty CP Mỹ thuật Gia Long, sự phát triển về số lượng cửa hàng nội thất của DN trong nước thời gian gần đây, cũng như sự đa dạng sản phẩm cho thấy, DN gỗ nhìn nhận nghiêm túc hơn về thị trường nội địa.
Nhìn nhận thị trường trong nước là tiềm năng, nhưng các DN cũng cho rằng, điểm yếu của các sản phẩm gỗ Việt chính là chưa khẳng định được thương hiệu. Do đó, nhiều DN khi quay trở về đã tổ chức đầu tư khâu thiết kế, phát triển sản phẩm riêng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước, nhưng lại gặp khó khăn trong vấn đề phân phối, tiếp thị bán lẻ. Hiện doanh số khai thác thị trường nội địa đang chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của các DN.
Cơ hội cho các DN ngành gỗ tăng XK đang rất lớn khi Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU vừa kết thúc đàm phán, được kỳ vọng giúp kim ngạch XK đồ gỗ vào EU sẽ tăng từ 800 triệu USD/năm hiện nay lên 2 tỷ USD/năm trong 3 - 4 năm tới. |
Phương Lan / baocongthuong