Nhằm vượt qua dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang nỗ lực để vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, đồng thời triển khai các sáng kiến, xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược.
Sáng kiến và hành động
Kết quả khảo sát nhanh từ 124 DN do các Hiệp hội ngành gỗ thực hiện vào cuối tháng 3/2020 cho thấy: 100% DN cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh. Trong đó, 75% DN thiệt hại ban đầu ước tính vào khoảng 3.066 tỷ đồng; trên một nửa (51%) số DN phản hồi cho biết đã thu hẹp quy mô sản xuất; khoảng 45% tổng số lao động trong các DN đã mất việc do dịch.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (MIFACO) - nhận xét: Hiện DN chỉ có 2 sự lựa chọn. Một là, cố gắng tìm cách để tồn tại và chuẩn bị kỹ để khi bệnh dịch qua đi có thể tăng tốc trở lại. Hai là, đóng cửa và phá sản. Tất nhiên chẳng DN nào muốn lựa chọn phương án thứ hai, nên đều phải cố gắng tìm mọi cách để tồn tại.
Xác định dòng sản phẩm và thị trường là hướng đi đúng của ngành gỗ
Với Công ty TNHH Hoàng Phát (làng nghề Hữu Bằng - Thạch Thất - Hà Nội), Phó giám đốc Nguyễn Duy Khiêm - chia sẻ: Công ty đang nghiên cứu, chuyển đổi sản xuất các sản phẩm như: Cũi, ghế ăn cho trẻ em để cung ứng cho thị trường nội địa. Đây là những sản phẩm trước đây Việt Nam thường nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong khi đó, một số DN tranh thủ giai đoạn này để tổ chức lại quy mô và năng lực sản xuất. “Trước khi dịch xảy ra, công ty hoạt động hết công suất, thậm chí liên tục tăng ca, hầu như không nghỉ. Đây là thời điểm tốt để ngồi nhìn lại cái gì cần cải thiện, nâng cao tay nghề cho anh em công nhân, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch”, ông Điền Quang Hiệp cho hay.
Xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST, trong khi hầu hết các DN trong ngành hiện đang phải thu hẹp quy mô sản xuất, một số DN vẫn hoạt động bình thường, lý do là bởi DN này đi vào các dòng sản phẩm có độ ổn định rất lớn, tại các thị trường trọng điểm.
Cũng theo ông Đỗ Xuân Lập, hiện cơ cấu dòng sản phẩm gỗ của Việt Nam đang sai khi tập trung, sản xuất các sản phẩm không có nhu cầu lớn và nhu cầu không tăng cao trong tương lai. Cụ thể, nhóm đồ gỗ phòng bếp, phòng tắm và bàn trang điểm hiện đang chiếm khoảng 60% trong tổng cầu của tất cả các loại đồ gỗ trên toàn thế giới. Phần 40% còn lại là các nhóm đồ gỗ văn phòng, ngoài trời…
Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích tài chính thuộc Tổ chức Forest Trends - nhận định, dịch Covid-19 sẽ qua nhưng chắc chắn sự vận hành của ngành không thể duy trì theo cách trước khi dịch xảy ra. Ngành gỗ cần có những thay đổi căn bản để phát triển bền vững. Các thay đổi này liên quan tới việc xác định các dòng sản phẩm và thị trường chiến lược, hình thành phát triển liên kết giữa các DN trong ngành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thay đổi phương thức bán hàng truyền thống và phát triển thị trường nội địa. Thực hiện được các thay đổi cần có sự ưu tiên và tập trung nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng DN.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch BIFA: Hiện BIFA đang hợp tác với 2 công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu là Amazon và Alibaba trong việc chuyển đổi hình thức bán hàng. Hai đối tác này đang tiến hành các hoạt động đào tạo cho một số công ty thành viên của BIFA và kỳ vọng trong tương lai, các bên sẽ phối hợp để hình thành kênh thương mại online. |