Dịch Covid 19 đang tác động nặng nề tới hoạt động ngành chế biến gỗ khiến nhiều dự đoán cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành này có thể về con số 0. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp có thể xoay xở và tìm được lối ra trong đại dịch.
Cơ hội cho ngành gỗ vẫn còn nhưng chỉ dành cho doanh nghiệp chuẩn bị cho sự chuyển đổi sắp tới - Ảnh: VT
Vẫn có thị trường ngách
Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỉ đô la Mỹ kim ngạch xuất khẩu. Đại dịch đã, đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến ngành. “Tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0” ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), dự báo.
Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu lạc quan từ các thị trường ngách. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và mỹ nghệ TPHCM (Hawa), cho hay cách ly xã hội làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, họ có xu hướng sử dụng nhiều nội thất trong nhà, đồ trang trí, đồ thủ công mỹ nghệ.
“Cơ hội sau đại dịch là có thật. Nhưng cơ hội chỉ đến với doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ về nguồn lực. Trong đó có hai yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp phải thực hiện đó là chuyển đổi số và đa dạng hóa thị trường”.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ và mỹ nghệ TPHCM (Hawa)
oConcept, chuỗi nội thất của Đan Mạch, cho hay, doanh thu tại thị trường Hàn Quốc, nơi các cửa hàng vẫn được mở cửa, tăng tới 28% các sản phẩm nội thất trong nhà. Ông Khanh hy vọng, khi Mỹ và EU nới lỏng quy định giãn cách xã hội, các cửa hàng được mở cửa trở lại, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nội thất tương tự như của Hàn Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Tương tự, ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty Woodland, một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ hàng đầu của Việt Nam, với khoảng 3.000 người lao động và 60 triệu đô la Mỹ doanh thu năm 2019 từ các thị trường lớn như Mỹ và EU, cho biết, khách hàng đã ngay lập tức báo dừng đơn hàng khi EU và Mỹ áp dụng các biện pháp đóng cửa, cách ly xã hội.
Tuy nhiên, công ty của ông vẫn có thể cầm cự được sản xuất nhờ các đơn hàng dịch chuyển từ Malaysia sang Việt Nam. Điều này là nhờ Chính phủ Việt Nam quản lý dịch bệnh tốt hơn so với các nước trong khu vực nên doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất được bình thường trong điều kiện giãn cách xã hội.
Vừa rồi, công ty của ông Khanh cũng không đóng cửa mà chỉ giảm bớt một phần công suất sản xuất. Đồng thời, công ty cũng chủ động liên hệ với các đối tác để thông báo rằng công ty vẫn tiếp tục sản xuất nếu có đơn hàng. Điều này sẽ tạo tâm lý cho khách hàng nghĩ tới doanh nghiệp mình trước khi dịch qua đi. “Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp trong ngành nên có tư duy lạc quan để sẵn sàng cho đợt phục hồi tới”, ông Khanh nói.
Học cách quản trị sự bất định
Điều tra ban đầu về tác động của Covid 19 tới hoạt động ngành gỗ - ĐH: VD
Theo các chuyên gia và tổ chức quốc tế, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn trong chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn đa quốc gia. Đại dịch sẽ càng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn sau thành công kiềm chế lây lan dịch bệnh của chính phủ.
Để cuộc sống trở lại ổn định có thể sẽ mất khoảng hơn một năm nữa khi thế giới tìm ra loại vaccine ngừa dịch Covid-19.
Tuy nhiên, thế giới sẽ không còn như trước khi xảy ra đại dịch. Đây sẽ là một thế giới khác với quy luật khác khi mọi người bán hàng online, sản xuất online, thiết kế online, phân phối và marketing online. Thậm chí chuỗi cung ứng cũng chuyển sang mạng lưới cung ứng.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT Infomation System
Mới đây, Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ đô la Mỹ trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển quy trình sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch Covid 19 phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Một cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu Tokyo Shoko cũng cho thấy 37% trong tổng số 2.600 doanh nghiệp được khảo sát muốn đưa nhà máy của họ ra khỏi Trung Quốc.
Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp châu Âu cũng đang tính nước cờ rời khỏi Trung Quốc. Một cuộc khảo sát mới công bố của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu và Đức tại Trung Quốc, được tờ South China Morning Post dẫn nguồn cho thấy kết quả kinh doanh đáng thất vọng khi một nửa số công ty tham gia phỏng vấn cho rằng biên lợi nhuận của họ sẽ giảm khoảng 20%.
Trong cuộc khảo sát của Deep Knowledge Ventures, một quỹ đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) vào giữa tháng 4, Việt Nam cũng chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á về điểm đến an toàn. Như vậy, Việt Nam hội đủ các yếu tố thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, trong đó có ngành gỗ.
“Cơ hội sau đại dịch là có thật”, ông Khanh nói. “Nhưng cơ hội chỉ đến với doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ về nguồn lực. Trong đó có hai yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp phải thực hiện đó là chuyển đổi số và đa dạng hóa thị trường”.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh của FPT Infomation System, cho rằng để cuộc sống trở lại ổn định có thể sẽ mất khoảng hơn một năm nữa khi thế giới tìm ra loại vaccine phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, thế giới sẽ không còn như trước khi xảy ra đại dịch. Đây sẽ là một thế giới khác với quy luật khác khi mọi người bán hàng online, sản xuất online, thiết kế online, phân phối và marketing online. Thậm chí chuỗi cung ứng cũng chuyển sang mạng lưới cung ứng.
Còn theo ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng sau Covid -19, cách sống, tiêu dùng, bán hàng, công nghệ sẽ thay đổi. Chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải thay đổi trong một thế giới bất định và đầy rủi ro. Doanh nghiệp phải học cách quản trị rủi ro, quản trị sự bất định, bởi sau Covid-19 sẽ còn nhiều điều không nằm trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.