Dù Bộ trưởng Bộ NN – PTNT đã khẳng định hai ưu tiên để lấy lại đà tăng trưởng cho nông nghiệp là thủy sản và rau – quả. Nhưng trên thực tế, ngành rau quả đang bị “rỗng” về chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Chúng ta chưa có một chính sách quy hoạch vùng đối với bất kỳ loại mặt hàng rau quả nào (Ảnh: chế biến dứa xuất khẩu tại nhà máy dứa Đồng Giao)
Tính đến hết tháng 11, tổng giá trị XK rau quả đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm, rau quả chủ yếu xuất sang những thị trường lớn bao gồm Trung Quốc (70,4%), Hàn Quốc (3,6%), Hoa Kỳ (3,4%) và Nhật Bản (3,1%). Dự kiến cả năm nay, XK rau quả sẽ đạt mức 2,5-2,6 tỷ USD, vượt gạo về kim ngạch.
Thiếu quy hoạch vùng
Nhưng điều đáng nói, trên thực tế, tính đến thời điểm hiện nay, số lượng vùng nguyên liệu rau quả trong cả nước có thể đáp ứng được cho công nghiệp chế biến tập trung là không nhiều. Đơn cử, như ở miền Bắc chỉ có vài vùng như dứa Đồng Giao, dứa Lào Cai. Các vùng quả đặc sản như: cam ở Hà Giang, Hàm Yên – Tuyên Quang, Cao Phong – Hòa Bình hầu như cũng chỉ đủ để phục vụ nhu cầu ăn tươi trong nước. Theo ông Đinh Cao Khuê- TGĐ Cty CP XNK Đồng Giao, chúng ta chưa có một chính sách quy hoạch vùng đối với bất kỳ loại mặt hàng rau quả nào. Đây là một cản trở rất lớn đối với sự phát triển theo quy trình khép kín của ngành.
Ông Khuê còn cho rằng, hiện có nhiều vùng có thể trồng rau quả được như các tỉnh Tây Nguyên (Đăk Nông, Gia Lai) có thể quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu chanh leo, khoai lang Nhật… với số lượng rất lớn và đều là các sản phẩm thị trường thế giới đang có nhu cầu. Còn với các tỉnh phía Nam, hiện có các khu vực đất nhiễm phèn, nhiễm mặn như: Gò Quao – Kiên Giang phù hợp để quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dứa sẽ cho hiệu quả cao. Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… lại thích hợp để quy hoạch phát triển các vùng trồng dứa thay thế cho diện tích cây cao su đang kém hiệu quả – ông Khuê dẫn chứng.
Chuyên gia nông nghiệp Đào Thế Anh nhìn nhận: Kim ngạch XK rau quả đạt được hiện nay hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế, XK rau quả có thể nâng lên mức 5 tỷ USD/năm nếu giải quyết các điểm yếu còn tồn tại.
Thiếu nhà máy và vốn
Việc quy hoạch vùng nguyên liệu mới chỉ là một mặt của vấn đề, quan trọng hơn là cần tập trung quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu rau quả gắn liền với các nhà máy chế biến. Ông Khuê dẫn chứng ngay tại Đồng Giao, để duy trì đủ nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu thì ngoài vùng nguyên liệu quy hoạch tại Ninh Bình, đơn vị phải liên kết sản xuất hàng chục nghìn ha vùng nguyên liệu ở các tỉnh lân cận như: Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang – ông Khuê nhấn mạnh.
Là một DN có thị trường xuất khẩu rộng lớn nhưng chính lãnh đạo Cty Thanh Long Cát Tường cũng phải than phiền rằng, khách hàng châu Âu khi mua trái cây của VN thường yêu cầu DN phải giao hàng đúng hạn. Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của hầu hết các DN trong ngành rau quả là khó tiếp cận vốn nên hạn chế trong khâu chế biến, bảo quản sản phẩm, dẫn đến giá trị hàng hóa không cao. Vị lãnh đạo Cát Tường dẫn chứng ngay tại Cty của mình khi ông làm hồ sơ vay vốn của ngân hàng chính sách để đầu tư cho dây chuyền sơ chế Thanh Long nhưng DN ông phải xin “ xuống hạng” là DN nhỏ mới đủ điều kiện vay.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển thị trường rau, hoa quả cho biết: để ngành hàng phát huy được tiềm năng, ngoài nỗ lực của Bộ NN-PTNT, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các DN, sự tham gia tích cực của người nông dân. Bộ NN-PTNT cũng sẽ đẩy mạnh các giải pháp sau: Một là, rà soát và đổi mới công tác lập và tổ chức quản lý quy hoạch các loại rau, quả chủ lực trồng tập trung. Hai là, khuyến khích sản xuất tập trung, nhân rộng mô hình sản xuất lớn có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nhau và với các DN chế biến, XK. Ba là, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng KH-CN vào sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, triển khai áp dụng IPM, VietGAP, Global GAP với các loại rau quả có tiềm năng XK.
Mai Thanh / DĐDN