Từ một tỉnh nghèo, Ninh Thuận đang vươn lên mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Với lợi thế vị trí địa lý và những tiềm năng sẵn có, Ninh Thuận đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Ngành Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành trọng trách của mình để góp phần tạo nên sự phát triển đó.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thăm Khu chế xuất Tân Thuận
Song hành cùng sự phát triển
Sau ngày đất nước thống nhất, kinh tế - xã hội Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn, đời sống nhân dân vất vả, cơ sở hạ tầng lạc hậu, đó là dư chấn của những năm chiến tranh. Tuy nhiên, niềm vui đất nước thống nhất, non sông thu về một mối đã trở thành động lực cho nhân dân toàn tỉnh phấn đấu khôi phục, xây dựng lại kinh tế tỉnh nhà.
Chỉ gần một tháng sau ngày giải phóng, (20/5/1975) Ban Kế hoạch Khu 6 được thành lập do đồng chí Nguyễn Ngọc Quỳnh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Thuận Hải – tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy hợp lại) làm Ủy viên thường trực, cùng nhiều cán bộ ngành kế hoạch được chi viện từ miền Bắc và con em miền Nam học tập trở về.
Sau nhiều năm, tỉnh Ninh Thuận được tái lập (gồm tỉnh Thuận Lâm, Thuận Hải), đến ngày 11/8/1992, Ủy ban Kế hoạch tỉnh Ninh Thuận được thành lập, đây là tiền đề quan trọng cho việc định hướng và phát triển kinh tế tỉnh Ninh Thuận sau này.
Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của Ủy ban Kế hoạch Ninh Thuận vẫn là khảo sát hiện trạng, xác định tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để vạch ra phương án xây dựng phát triển kinh tế trong giai đoạn sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (10/1992).
Đến ngày 11/3/1996, UBND tỉnh Ninh Thuận chính thức thành lập Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Nhiệm vụ của Sở KH&ĐT tỉnh Ninh Thuận lúc này không chỉ là việc tham mưu phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế, mà còn đảm nhiệm thêm nhiệm vụ đăng ký kinh doanh, sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước và làm đầu mối tiếp nhận nguồn vốn ODA, FDI, xem xét đầu tư các dự án đầu tư vào tỉnh…
Sau giai đoạn năm 1992, nhờ phương hướng đúng đắn trong việc lập kế hoạch phát triển, kinh tế tỉnh Ninh Thuận có những thay đổi vượt bậc. Nếu năm 1994, tổng thu ngân sách là 50 tỷ đồng, xuất khẩu 12 triệu USD, thì đến năm 2000, tổng thu ngân sách đã đạt 100 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 2,94 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội trong giai đoạn này đạt 1.233 tỷ đồng. Đến năm 2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm (2005-2010) đã tăng lên 17.048 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng GDP Ninh Thuận đạt hơn 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12,7 triệu đồng, thu ngân sách địa phương đạt 883,7 tỷ đồng.
Tỉnh Ninh Thuận lúc này đã hoàn thành cơ bản về cơ sở hạ tầng, với 2 cụm công nghiệp Thành Hải và Tháp Chàm, hoàn thành công trình Nhà máy Thuỷ điện Sông Ông có công suất 8,1 MW; tiến hành đầu tư xây dựng 2 KCN Du Long và Phước Nam, đầu tư giai đoạn I khu sản xuất muối công nghiệp và muối xuất khẩu Quán Thé…
Nỗ lực vượt khó
Bước vào thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch thời kỳ 2011-2015 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn, giá cả, lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô không ổn định, tình hình kinh tế - xã hội trong tỉnh cũng chịu sự tác động bối cảnh chung của cả nước. Trước tình hình mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận với sự tham mưu của Sở KH&ĐT tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều chủ trương giải pháp cụ thể nhằm ổn định tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cơ sở.
Ninh Thuận đã thực hiện và ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư, theo đó nhà đầu tư được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về miễn giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đồng thời dành ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ, cùng với đó là sự đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch. Năm 2013, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND quy định cụ thể về trách nhiệm của các ngành, các cấp và trình tự lập, phê duyệt và theo dõi, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã ban hành Sổ tay và Hướng dẫn lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm để cấp tỉnh, huyện và xã thực hiện.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn, kinh tế Ninh Thuận đã dần phục hồi và tăng trưởng trở lại, Ninh Thuận trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhiều dự án lớn cũng đã đầu tư vào tỉnh.
Nhìn lại những hoạt động đã qua, ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận cho rằng, 40 năm qua, công tác kế hoạch Ninh Thuận luôn luôn gắn liền với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Công tác kế hoạch đã có nhiều cố gắng quán triệt và cụ thể hoá đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bám sát các quan điểm đổi mới, khai thác tối đa nội lực, phát huy sự tham gia của các thành phần kinh tế, chỉ ra được các lợi thế so sánh thể hiện trong xây dựng đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ xây dựng định hướng phát triển kinh tế - xã hội và tham mưu khai thác sử dụng các nguồn lực nhất là bố trí các nguồn vốn đầu tư đã đảm bảo sử dụng đúng hướng với cơ cấu đầu tư hợp lý đồng thời tích cực tham mưu đề xuất xây dựng các chính sách thu hút đầu tư có tác dụng thiết thực thu hút được nhiều vốn đầu tư. Nội dung và phương pháp xây dựng kế hoạch từng bước được đổi mới, mở rộng phạm vi kế hoạch theo hướng dân chủ và công khai.
“Qua 40 năm, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận đã ghi được dấu ấn quan trọng và hòa nhập được với những chuyển biến to lớn về kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, đồng thời có góp phần vào thành tích chung của ngành Kế hoạch và Đầu tư cả nước. Những việc làm được, chưa làm được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn là hành trang hết sức quý báu để tiếp tục xây dựng ngành vững mạnh, góp phần tích cực đưa tỉnh ta bước vào giai đoạn phát triển nhanh, toàn diện và bền vững”, ông Đồng nhấn mạnh.
Hoà trong không khí kỷ niệm 70 năm ngành Kế hoạch và Đầu tư, 40 năm thành lập ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, ngày 26/12 tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Đây cũng là sự kiện đánh dấu cho bước trưởng thành của Sở KH&ĐT tỉnh và sẽ là tiền đề cho những chặng đường trong công tác quy hoạch và đầu tư của Ninh Thuận trong giai đoạn mới: Giai đoạn hội nhập sâu rộng, toàn diện với nền kinh tế thế giới.
Ngọc Tân - baodautu.vn