Thứ trưởng Cao Quốc Hưng trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những nỗ lực trong công tác quản lý, điều hành của Bộ Công Thương, góp phần đưa ngành năng lượng đạt được nhiều thành tựu quan trọng, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thứ trưởng có thể đánh giá về những thành tựu cơ bản của ngành năng lượng Việt Nam trong năm 2015?
Năm 2015, với biến động sụt giảm mạnh mẽ của giá dầu thô, ngành năng lượng Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao nhất, ngành năng lượng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đầy đủ và kịp thời năng lượng cho các nhu cầu khác nhau của đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
PVN đã hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao; về tổng doanh thu toàn Tập đoàn, nộp ngân sách nhà nước, lợi nhuận hợp nhất... đều về đích trước kế hoạch cả năm từ 1 - 1,5 tháng. Cụ thể, PVN đã sản xuất khoảng 18,75 triệu tấn dầu thô, vượt 11,6%, và 10,7 tỷ m3 khí, vượt khoảng 9% kế hoạch. Doanh thu hợp nhất Tập đoàn đạt khoảng 311 nghìn tỷ đồng, vượt 17%; nộp ngân sách dự kiến 115 nghìn tỷ đồng, vượt gần 20% so với kế hoạch.
Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản (TKV) và ngành than cả nước đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu theo kế hoạch điều chỉnh năm 2015. Về sản xuất, tổng lượng than sạch đạt 42,4 triệu tấn, trong đó TKV đạt khoảng 35,9 triệu tấn. Doanh thu của TKV thực hiện 105,5 nghìn tỷ đồng, bằng 103% so với năm 2014, mặc dù sản lượng than tiêu thụ giảm gần 3,0 triệu tấn; nộp ngân sách dự kiến 12,5 nghìn tỷ đồng, bằng 108% năm 2014.
Ngành điện đã thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển, đạt tăng trưởng ở mức cao, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Tập đoàn Điện lực (EVN) điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện quốc gia bám sát và đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng điện. Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu năm 2015 là 159,4 tỷ kWh, tăng 11,2%, điện thương phẩm đạt 143,34 tỷ kWh, tăng 11,5% so với 2014; trong đó điện cấp cho công nghiệp- xây dựng chiếm 53,4%, tăng 11%. Doanh thu bán điện của EVN đạt khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2014; lợi nhuận đạt cao hơn kế hoạch được giao. EVN cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong quản lý để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trong từng khâu sản suất, truyền tải và phân phối điện. Kết quả, tổn thất điện năng đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8,0% cuối năm 2015, đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tính chung trong 5 năm, tổn thất điện giảm được 2,15%, bình quân mỗi năm giảm 0,43%.
Ngành năng lượng đang trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhìn lại giai đoạn 2011-2015, với sự quyết liệt và nỗ lực trong công tác quản lý của Bộ Công Thương, ngành năng lượng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. |
Bên cạnh đó, số ngày làm thủ tục cấp điện trung áp đã giảm từ 115 ngày xuống còn 36 ngày. Theo đánh giá của tổ chức Doing Business, chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam năm 2015 đã tăng 22 bậc so với năm 2014 và là mức độ cải thiện tốt nhất trong các chỉ số đánh giá về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2015, trên cả nước, số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (chỉ tiêu được giao là 98%). Hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.
Năm 2015, EVN tiếp tục đẩy mạnh chương trình cấp điện cho điện nông thôn và hải đảo theo chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện nay, EVN đảm nhận cấp điện cho 8/12 huyện đảo, gồm: đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang); Phú Quý (Bình Thuận); Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Đối với các huyện đảo, xã đảo có vị trí chiến lược (Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Hòn Tre, Kiên Hải), EVN đã đầu tư đưa hệ thống điện quốc gia ra đảo để cấp điện ổn định lâu dài cho các nhu cầu dân sinh và phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Hiện nay, EVN đang tiếp tục triển khai cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho một số xã đảo tỉnh Kiên Giang, Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Tuy nhiên, ngành năng lượng cũng gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình tái cơ cấu, thoái vốn thời gian qua, thưa Thứ trưởng?
Trong năm vừa qua, tình hình thị trường không thuận lợi nên việc thoái vốn của các doanh nghiệp nói chung gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Công Thương đã chỉ đạo sát sao các Tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng kiên quyết triển khai công tác thoái vốn, bám sát các chương trình tái cơ cấu của các tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
|
Đến hết năm 2015, Công ty mẹ- EVN đã hoàn thành thoái vốn/giảm vốn tại 7 công ty cổ phần, đạt 100% giá trị vốn cần thoái/giảm trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Bên cạnh đó, EVN cũng đã tiến hành giảm vốn tại 4 công ty cổ phần phục vụ trực tiếp ngành nghề kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các tổng công ty điện lực đã thực hiện thoái khoảng 70% vốn tại 25/35 doanh nghiệp. Về cơ bản, EVN đã hoàn thành công tác toái vốn theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong chương trình tái cơ cấu EVN.
PVN cũng nỗ lực thực hiện công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành và đạt được kết quả khả quan như hoàn thành bàn giao chuyển quyền sở hữu phần vốn góp tại Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần Đại Dương về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đang thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phần vốn góp tại các doanh nghiệp xi măng, ngân hàng, bất động sản.
Đến hết năm 2015, TKV đã hoàn thành thoái toàn bộ phần vốn tại 7/8 đơn vị; tổng số tiền thu về 1.771 tỷ đồng/1.504 tỷ đồng vốn góp ban đầu, thu hồi 60% phần vốn góp vào Quỹ đầu tư. Hiện chỉ còn phần vốn tham gia đầu tư phát triển một khu kinh tế đang trong quá trình xử lý thoái vốn.
Như vậy, các Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng đã nỗ lực và cơ bản hoàn thành công tác thoái vốn theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Các đơn vị chưa hoàn thành công tác thoái vốn sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác này để hoàn thành trong năm 2016.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 6% năm 2016, nhu cầu về than, khí cho phát điện là rất lớn. Vậy Bộ Công Thương sẽ có giải pháp và chỉ đạo như thế nào để vừa đảm bảo đủ nguồn điện, chất lượng điện đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng?
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao như dự kiến, điện phải được cung cấp đảm bảo đầy đủ và ổn định. Theo kế hoạch năm 2016, điện sản xuất và mua khoảng 183 tỷ kWh tăng 14%, điện thương phẩm khoảng 159 tỷ kWh, tăng 15% so với năm 2015. Tổng công suất các nguồn điện trên toàn hệ thống đạt hơn 38.800 MW, trong đó, công suất từ các nguồn điện mới là 3422 MW.
Do tác động của Elnino, lượng nước tích được đến cuối năm 2015 của các hồ thủy điện thiếu hụt tương đương sản lượng điện ~ 2,5 tỷ kWh. Với dự báo tình hình thủy văn sẽ tiếp tục diễn biến không thuận lợi, khả năng khô hạn trên diện rộng diễn ra trong nửa đầu năm 2016, công tác vận hành các hồ thủy điện để sản xuất điện và đáp ứng nhu cầu nước cho nông nghiệp và dân sinh ở hạ du sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Ngay từ những ngày đầu năm 2016, EVN đã phải huy động các nguồn điện chạy dầu để đảm bảo cung cấp điện. Hệ thống điện miền Nam vẫn phải tiếp nhận khoảng 25% nhu cầu điện từ miền Bắc và miền Trung chuyển vào (dự kiến cả năm khoảng 20 tỷ kWh). Vấn đề đảm bảo nhiên liệu khí, than cho các nhà máy điện phía Nam hoạt động ổn định, nhất là các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và việc vận hành thông suốt, an toàn hệ thống truyền tải điện Bắc- Nam có tầm quan trọng đặc biệt đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam.
Hiện tại, EVN đang triển khai các biện pháp tích cực đảm bảo tiến độ vào vận hành các công trình nguồn, lưới điện theo tiến độ (đưa vào vận hành 9 tổ máy/2.534 MW, 12 công trình 500 kV, 50 công trình 220 kV và 298 công trình 110 kV); đồng thời điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện quốc gia bám sát nhu cầu sử dụng điện.
Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN, PVN, TKV xây dựng, thống nhất các biện pháp, các phương án điều độ, phương án cấp khí, cấp than để đảm bảo cung cấp điện trong điều kiện bình thường, khi kế hoạch cung cấp có thay đổi đáng kể, trong trường hợp sự cố, thiên tai bão lũ... Bên cạnh đó, các tập đoàn có kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, cơ quan tích cực thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm tối đa nhu cầu điện, đặc biệt trong những ngày nắng nóng sắp tới.
Trong khi các nguồn tài nguyên hóa thạch đang dần bị cạn kiệt, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo mới đang gặp khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, quản lý... thì tiết kiệm năng lượng đang là giải pháp tốt nhất hiện nay. Xin Thứ trưởng cho biết, để vấn đề tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu hành động như thế nào?
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TKHQ) là giải pháp mang lại lợi ích toàn diện cho đất nước, doanh nghiệp và người dân góp phần trực tiếp làm giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm nhu cầu đầu tư và chi phí sử dụng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường... Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai chương trình sử dụng năng lượng TKHQ cũng như thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Luật Sử dụng năng lượng TKHQ.
Trước hết, tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng năng lượng TKHQ của các doanh nghiệp, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện việc kiểm toán năng lượng, đổi mới công nghệ, ứng dụng các công nghệ mới, các biện pháp quản lý đối với các nhà máy điện, nâng cao sử dụng hiệu quả các loại nhiên liệu cho phát điện, giảm tỷ lệ tổn thất và tự dùng. Thúc đẩy triển khai mạnh mẽ hơn nữa việc sử dụng năng lượng TKHQ trong công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và trong sinh hoạt của người dân.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát, thúc đẩy đổi mới công nghệ, áp dụng các biện pháp quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp, các tòa nhà thương mại, dịch vụ, đặc biệt là tại 1.725 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, chiếm hơn 60% tổng năng lượng tiêu thụ của khối doanh nghiệp trên toàn quốc. Bộ cũng đang phối hợp với các tổ chức quốc tế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ gắn với sử dụng năng lượng TKHQ, nâng cao tính cạnh tranh và giảm chi phí năng lượng cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh Chương trình Dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị bắt buộc phải dán nhãn năng lượng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhằm mang lại hiệu quả và hiệu ứng trong toàn xã hội, tạo ra được thị trường các phương tiện thiết bị có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu cho phương tiện, thiết bị, đẩy mạnh công tác hậu kiểm đối với các phương tiện thiết bị đã được dán nhãn trên thị trường...
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo kế hoạch năm 2016, điện sản xuất và mua khoảng 183 tỷ kWh, tăng 14%, điện thương phẩm khoảng 159 tỷ kWh, tăng 15% so với năm 2015. Tổng công suất các nguồn điện trên toàn hệ thống đạt hơn 38.800 MW, trong đó, công suất từ các nguồn điện mới là 3.422 MW. |
Đình Dũng / baocongthuong.com.vn