Các ngân hàng hậu giai đoạn suy giảm kinh tế có xu hướng phát triển ra ngoài mảng bán buôn, đẩy mạnh bán lẻ vì muốn “ăn chắc mặc bền”.
Khẩu hiệu “trở thành ngân hàng bán lẻ số 1” đã được quảng bá mạnh mẽ tại các ngân hàng trong nhiều năm qua,nhưng cho đến thời gian gần đây, các ngân hàng mới có những bước đi thực sự quyết liệt.
Ngân hàng là một ngành đặc biệt, dễ dàng thấy rõ sự lên xuống theo chu kỳ tăng trưởng kinh tế. Trong chu kỳ kinh tế 10 năm vừa qua, dòng chảy vốn từ các ngân hàng thường tập trung vào một chỗ, trong khi ngày nay lại chia nhỏ ra và chạy theo nhiều hướng khác nhau.
Câu chuyện nào đằng sau việc các ngân hàng tuyên bố theo bán lẻ? Và liệu các ngân hàng có quay trở về mô hình bán buôn khi tín dụng bắt đầu tăng tốc thêm một lần nữa?
Tất bật bán buôn
Sự kiện nguyên Tổng Giám đốc GPBank bị quy kết sai phạm hồi tháng 3 một lần nữa cho thấy, ngân hàng không phải là ngành kinh doanh dễ dàng. Là ngân hàng thứ 3 bị mua lại “0 đồng” trong năm 2015, GPBank từng được “dạm hỏi” bởi United Overseas Bank, HongLeong Bank và 2 ngân hàng thương mại trong nước, nhưng tất cả đều không thành duyên. Trước đó, tài sản của GPBank tập trung phần lớn ở những khoản mục là “đầu tư chứng khoán, thị trường liên ngân hàng và những khoản nợ xấu”, cao gấp đến 3 lần so với danh mục cho vay.
Giống như GPBank, các ngân hàng trục trặc khác cũng có cơ cấu tài sản tương tự. Theo báo cáo của Cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm năm 2012, TrustBank khi đó đã cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, góp vốn vào các công ty bất động sản, tổng cộng chiếm 53% tổng tài sản của Ngân hàng. Ở Ngân hàng Tiên Phong, khoản mục liên quan đến ủy thác đầu tư, đặt cọc mua chứng khoán cũng từ mức 170 triệu đồng lên 4.015 tỉ đồng trong năm 2010.
Chưa nói đến chuyện rót vốn vào “sân sau” của những ông chủ ngân hàng, có thể khái quát nguyên nhân quan trọng góp phần vào sự thất bại của các ngân hàng trong giai đoạn này là vì quá tập trung vào chiến lược bán buôn, thay vì bán lẻ. Mang lại tỉ suất lợi nhuận lớn, nhưng việc bán buôn cũng dễ khiến cho các ngân hàng dễ “hắt hơi sổ mũi” khi nền kinh tế có vấn đề. Đặc trưng của bán buôn là có lượng khách hàng ít nhưng quy mô giao dịch lớn, lãi suất ưu đãi hơn nhưng rủi ro nhiều hơn.
Cơ cấu tổ chức của các ngân hàng Việt Nam hiện tại chia làm hai bộ phận: bán lẻ (bao gồm các hoạt động liên quan đến cá nhân và một phần các doanh nghiệp với quy mô nhỏ), trong khi các doanh nghiệp lớn sẽ nằm trong đối tượng khách hàng mục tiêu của bộ phận nguồn vốn (bán buôn). Bán buôn là bộ phận quan trọng, với nhiệm vụ tìm kiếm và phân phối dòng vốn của ngân hàng đến nơi nào có lợi nhuận cao nhất, trên các thị trường chứng khoán, bất động sản, liên ngân hàng, ngoại hối và cả những dự án đầu tư lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Ở Việt Nam, có thể nói ưu thế của dịch vụ ngân hàng bán buôn thường nằm ở các ngân hàng có gốc nhà nước, còn gọi là “ưu thế tự nhiên”. Sở dĩ như vậy vì các ngân hàng gốc nhà nước có quy mô lớn, thường tập trung nhiều cá nhân và doanh nghiệp gửi tiền kỳ hạn và không kỳ hạn (phục vụ cho nhu cầu thanh toán). Những ngân hàng này có lợi thế về chi phí vốn bình quân thấp hơn các ngân hàng tư nhân, cùng khả năng tiếp cận những dự án lớn.
Tuy nhiên, sau những rủi ro của mô hình bán buôn, ở giai đoạn sau này, sân chơi của các ngân hàng thương mại tư nhân cũng nhanh chóng mở rộng, tập trung mạnh mẽ hơn vào chiến lược “bán lẻ”.
Ví dụ như trường hợp Techcombank. Trong giai đoạn 2004-2015, cơ cấu tài sản trung bình của ngân hàng này phân bổ vào chứng khoán (kinh doanh lẫn đầu tư, trước đây bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) trung bình là 22% giá trị tài sản, trong khi Sacombank là 15%. Techcombank cũng cho vay ít hơn với tỉ trọng chỉ có 45% giá trị tài sản, trong khi Sacombank lên đến 59%. Kết quả, ROE trung bình của Techcombank cao hơn so với Sacombank trong giai đoạn này (18% so với 15,2%). Điều này dường như cho thấy các ngân hàng phân bổ nhiều vào tài sản khác có vẻ như kiếm lợi nhiều hơn là các ngân hàng tập trung vào cho vay.
Sacombank được xem là doanh nghiệp tập trung vào bán lẻ nhiều hơn. Ở thời điểm năm 2007, theo báo cáo thường niên, Sacombank là ngân hàng có 49% dư nợ là hộ cá nhân, hộ cá thể.
Nằm trong guồng quay của bất động sản, chứng khoán, năm 2007 cả hai ngân hàng trên đều tập trung vào lĩnh vực bán lẻ. Đó cũng là thời điểm mà lợi nhuận của ngân hàng lên rất cao. Năm 2007, 20% giá trị tài sản từ lĩnh vực chứng khoán mang lại 58% giá trị lợi nhuận trước thuế cho Techcombank. Tương tự, ở Sacombank con số đó là 23% và 63%.
Đáng chú ý hơn, Techcombank sau giai đoạn 2011 dường như quan tâm đến lĩnh vực bán buôn nhiều hơn, tức đầu tư nhiều hơn vào khu vực chứng khoán. Ngược lại, Sacombank có xu hướng giảm.
Có thể nói, mô hình bán lẻ mà Sacombank thiên về không giúp cho ngân hàng này có ROE cao, nhưng ngược lại, lợi nhuận hằng năm của Sacombank biến thiên không nhiều như Techcombank. Cùng nằm trong đà giảm của thị trường, năm 2012 Sacombank chứng kiến lợi nhuận trước thuế giảm hơn 50% trong khi Techcombank giảm 2 năm liên tiếp (2011 và 2012) với mức cao nhất là gần 76%.
Mô hình bán lẻ mà Sacombank thiên về không mang lại ROE cao, nhưng ngược lại, lợi nhuận hằng năm của ngân hàng này biến thiên không nhiều - Ảnh: Sơn Phạm
Tuy nhiên, phân tích ở trên có điểm loại trừ, đó là vì trên báo cáo tài chính, chỉ có thể phân biệt mô hình ngân hàng thiên về bán buôn bằng cách xem xét tỉ trọng đầu tư vào các loại chứng khoán nhiều hay ít, chứ không thể xem xét được khoản mục cho vay của ngân hàng. Nhiều khoản cho vay lớn chưa có tài liệu cụ thể để chứng minh tính hiệu quả của chúng.
Những lá cờ đầu trong việc thay đổi theo mô hình bán lẻ tiêu chuẩn có thể kể đến là trường hợp của ACB hay Eximbank. Các ngân hàng này tập trung vào cả bán lẻ lẫn bán buôn. Cách đây khoảng 2 năm, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank Lê Hùng Dũng cho biết Eximbank giai đoạn khi đó tập trung vào những dự án cho vay lớn, vì dễ làm, lợi nhuận lại cao. Còn bây giờ, khi ngân hàng đang ở trong giai đoạn trục trặc, dư nợ doanh nghiệp của Eximbank lại giảm, nhưng đáng mừng là dư nợ tín dụng cá nhân vẫn tăng trưởng tốt.
Cũng có những bài học về ngân hàng tư nhân đặt mục tiêu bán lẻ mạnh mẽ nhưng cũng bị “sẩy chân” trong chiến lược bán buôn, chẳng hạn như Ngân hàng Đông Á. Đây có thể được xem là điển hình trong việc phát triển mạnh mẽ hạ tầng cho những giao dịch cá nhân, sở hữu lượng khách hàng cá nhân thuộc vào loại quy mô lớn trên thị trường và cũng đi đầu trong những sáng kiến về bán lẻ cá nhân, bao gồm máy ATM, hệ thống giao dịch liên ngân hàng, công ty kiều hối. Nhưng mặt khác, Đông Á cũng bước chân vào bất động sản. Nhiều dự án bắt đầu triển khai từ năm 2008, song cho đến nay vẫn chưa có nhiều tín hiệu lạc quan.
Kinh tế tăng trưởng nhanh, vốn nhiều, doanh nghiệp bắt đầu mạnh tay hơn với các dự án lớn khiến các ông chủ ngân hàng tự tin bước vào thị trường các dịch vụ ngân hàng bán buôn. Còn giai đoạn này thì ngược lại. Kể từ khi bắt đầu thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát năm 2011, hệ thống ngân hàng Việt Nam tập trung nhiều hơn cho việc tái cấu trúc các khoản nợ và mô hình hoạt động của mình, hướng nhiều hơn đến bán lẻ.
Theo báo cáo quý IV của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS (2014), dựa trên nghiên cứu 212 ngân hàng châu Âu ở 34 quốc gia trong giai đoạn 2005-2013, có có khoảng 2/3 ngân hàng bước vào cuộc khủng hoảng năm 2007 với tư thế của ngân hàng thương mại bán buôn (hoặc tài trợ thương mại) thì kết thúc với mô hình bán lẻ trong năm 2013. Ngược lại, chỉ có 1 ngân hàng bán lẻ là chuyển hướng. Theo báo cáo, có 2 lý do quan trọng: bán lẻ mang lại nguồn thu nhập ổn định (ROE ổn định với những ngân hàng bán lẻ sau năm 2009, nhưng lại biến động mạnh với mô hình bán buôn), đồng thời có sự ảnh hưởng từ thị trường nguồn vốn (là cơ sở để các ngân hàng bán buôn hoạt động).
Trở về bán lẻ
Bán lẻ đang giúp “trung hòa” lại thị trường sau cơn tăng trưởng nóng, kể cả ở Việt Nam hay trên thế giới. Chính bản thân thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam đang được đánh giá có nhiều cơ hội để khai thác. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang hấp dẫn, ngay cả với các ngân hàng ngoại. Hiệu quả kinh doanh của mô hình bán lẻ (so với bán buôn) cũng được đặt ra ở đây.
Hiện các ngân hàng đang tăng tốc để chiếm lấy thị trường bán lẻ Việt Nam, với 3 xu hướng khá rõ. Thứ nhất, các ngân hàng vẫn tiếp tục mở rộng mạnh mẽ chi nhánh của mình. Trong bán lẻ, quan trọng là kênh phân phối và các ngân hàng bán lẻ cũng vậy. Sau một thời gian bị kiểm soát chuyện mở chi nhánh, cuối năm 2015 và đầu năm 2016 này, các ngân hàng lại rầm rộ mở thêm chi nhánh. Đặc trưng của lần này không chỉ là dịch chuyển vị trí hiện hữu ở nội ô các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, mà còn mở rộng thêm ở các địa phương xung quanh. Trong xu hướng này, cũng xuất hiện ngân hàng chỉ tập trung phần lớn cho việc phát triển kênh phân phối mới, đó là kênh trực tuyến của TPBank.
Xu hướng thứ hai là sự chuyển hướng dần từ tín dụng sang các hoạt động phi tín dụng, bao gồm những hoạt động như thu phí các dịch vụ cá nhân, doanh nghiệp như chuyển tiền, bảo hiểm, kế toán, dịch vụ tư vấn đầu tư, thanh toán quốc tế. Lợi nhuận từ mảng này ít rủi ro và bền vững hơn là hoạt động tín dụng. Thêm nữa, trong năm qua, chuyện ngân hàng “liên minh” với bảo hiểm đang dần phổ biến hơn. Theo lý giải của ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc chiến lược của Prudential, một phần các ngân hàng cũng bắt đầu nhận ra bảo hiểm là lĩnh vực đầy tiềm năng, sau thời gian tập trung quá nhiều cho tín dụng.
Xu hướng thứ ba là việc các ngân hàng tiếp tục giới thiệu các sản phẩm bán lẻ liên quan đến công nghệ. Gần đây, Ngân hàng Đông Á cho phép người dùng chuyển tiền liên ngân hàng từ máy ATM. Năm ngoái, Đông Á ra mắt hệ thống Autobanking, cho phép người gửi có thể nộp tiền mặt trực tiếp từ máy ATM một cách dễ dàng. Eximbank thì vừa giới thiệu thẻ tín dụng mới có công nghệ “contactless”, nghĩa là không cần “cà” thẻ như thông thường, mà chỉ cần áp sát vào máy POS (chỉ với máy POS của Eximbank).
Từ bán buôn sang bán lẻ, ngân hàng cũng có những đánh đổi khác. Đặc trưng của bán lẻ là chi phí giao dịch cao. Chưa có số liệu nghiên cứu ở Việt Nam, song số liệu từ báo cáo BIS cũng cho thấy mặc dù ROE (chưa điều chỉnh rủi ro) của mô hình bán lẻ là cao nhất (12,49%) trong khi mô hình bán buôn là 5,81%, nhưng chi phí vốn lại cao gấp 4 lần. Mới gần đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank (ngân hàng đang hướng đến chiến lược trở thành ngân hàng số), chia sẻ, chi ra triệu USD đầu tư cho hệ thống công nghệ thì tốt hơn là chi cho hệ thống chi nhánh theo cách truyền thống. Ông Hưng đang nói đến mặt “tốn kém” của việc bán lẻ.
Công nghệ giúp các ngân hàng nhưng cũng đồng thời giúp cho đối thủ của các ngân hàng. Trên thế giới, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang đe dọa cạnh tranh các ngân hàng thương mại truyền thống với đầy đủ các dịch vụ: từ chuyển tiền cho đến cho vay. Ở Việt Nam thì xu hướng này vẫn chưa mạnh. Hơn nữa, Fintech phụ thuộc nhiều vào quy định pháp lý liên quan đến hoạt động của ngân hàng.
Ở khía cạnh khác, kết thúc năm 2015, lợi nhuận ngành ngân hàng đang rất lạc quan. Theo khảo sát 12 ngân hàng có quy mô tài sản chiếm 62% hệ thống ngân hàng thương mại, tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần trong năm nay trung bình đã lên tới con số 19%, trong khi năm ngoái chỉ đạt mức 10%.
Tuy nhiên, trong một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình chính sách công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng, có nhiều ngân hàng đang có phần lãi dự thu rất cao, tức vẫn báo cáo về mặt lợi nhuận kế toán, nhưng dòng tiền thật đi vào thì chưa có vì chưa thu được. Theo báo cáo “Đánh giá tổng quan thị trường tài chính năm 2015” của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, quy mô các khoản lãi dự thu của các ngân hàng vừa tái cơ cấu tương đối cao.
Trong khi đó, thị trường cho vay của các ngân hàng đang đảo chiều với mức tăng trưởng năm 2015 lên đến hơn 16% và kỳ vọng năm sau ở mức 18-20%, theo Ngân hàng Nhà nước. Có thể nói, khi thị trường tín dụng chững lại, bán lẻ mới trở nên rầm rộ. Khi thị trường bắt đầu khởi sắc, các ngân hàng cũng có khả năng quay trở lại đẩy mạnh mảng bán buôn.
Điều đáng nói hơn là sự tăng trưởng dòng tiền này tập trung ở các dự án bất động sản, vốn là mảng chiếm đến 53% dư nợ cho vay (năm 2011). Tuy nhiên, không chỉ những khoản cho vay doanh nghiệp hay dự án, mà các cá nhân cũng tăng cường vay mua bất động sản trong năm qua. Xét về mặt rủi ro, các khoản vay cá nhân thì nhỏ và an toàn hơn là khoản vay doanh nghiệp. Dù vậy, lo ngại này đang được cơ quan quản lý hiện thực hóa bằng dự thảo sửa đổi lại những điều khoản giúp hạn chế dòng tín dụng chảy vào lĩnh vực này
Thiên Phong /nhipcaudautu.vn