Việc triển khai số hóa toàn bộ 4 nhóm quy trình tín dụng,ngành ngân hàng không chỉ tạo ra sự đột phá về thời gian mà còn giúp khách hàng kiểm soát được cả quá trình thẩm định, phê duyệt, giải ngân hồ sơ vay thông qua tương tác số…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú-trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tp HCM. |
Từ sự quyết liệt đổi thay…
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản chỉ đạo liên quan đến cải cách hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đặc biệt phải kể tới Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.
Đối với ngành Ngân hàng, hướng tới mục tiêu đem lại lợi ích thiết thực, sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chỉ đạo hết sức quyết liệt công tác cải cách hành chính. Theo đó, toàn ngành đã tích cực, chủ động và quyết liệt triển khai nhiệm vụ bằng nhiều chương trình hành động cụ thể. Sự quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp không chỉ được thực hiện đối với các đơn vị trong hệ thống NHNN mà còn được thực hiện tại tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD).
Ngành Ngân hàng đã triển khai các giải pháp cải thiện và minh bạch hóa thông tin tín dụng, cải cách chỉ số tiếp cận tín dụng, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính, đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
NHNN đã chỉ đạo các TCTD mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn chất lượng tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng; Điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với cung cầu ngoại tệ và tăng cường quản lý thị trường vàng.
Công tác cải cách hành chính được toàn ngành Ngân hàng triển khai tích cực trên các lĩnh vực thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Trong quý III/2017, NHNN đã ban hành Quyết định công bố Danh mục thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN.
Theo quyết định công bố, trừ 8 thủ tục hành chính thực hiện qua mạng internet hoặc phải nộp trực tiếp, toàn bộ 326 thủ tục hành chính còn lại đều có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tùy thuộc nhu cầu của tổ chức, công dân. NHNN cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” tại NHNN, phấn đấu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ, bãi bỏ các báo cáo không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lắp, không cần thiết, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong thực hiện chế độ báo cáo…
... đến những kết quả ấn tượng
4 năm liên tiếp, từ 2013-2016, theo công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Nội Vụ, trong số 19 Bộ, Ngành, NHNN luôn là đơn vị đứng vị trí hàng đầu. Đặc biệt, trong 2 năm 2015 và 2016, NHNN xếp vị trí quán quân về công tác cải cách hành chính.
Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện cải cách hành chính và thực hiện kế hoạch hành động, chương trình hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ được NHNN đặc biệt quan tâm. Mới đây, trong hai ngày 20 và 21/10/2017, Đoàn công tác do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú - Thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp đối với các TCTD trên địa bàn TP HCM.
Chương trình kiểm tra cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp đối với các TCTD tại TP HCM sáng 20/10/2017 |
Kết quả của đợt kiểm tra cho thấy nhiều kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng về cải cách hành chính, được doanh nghiệp, người dân trên địa bàn TP HCM ghi nhận. Các quy trình cho vay đã được cải tiến, đổi mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn trong hoạt động cho vay.
Tại ngân hàng IVB, thời gian thẩm định ngắn nhất là chỉ 48 giờ đối với cho vay tín chấp khách hàng cá nhân, còn tại Ngân hàng An Bình, thời gian thẩm định ngắn nhất đối với đối tượng khách hàng doanh nghiệp là 8 giờ và đối với khách hàng cá nhân hoặc hộ gia đình là 6 giờ.
Chia sẻ về sự hỗ trợ của Ngân hàng An Bình CN TP HCM đối với doanh nghiệp mình suốt 10 năm qua, bà Hoàng Thu Hiền, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Thu Hiền cho rằng: “DN là đơn vị cần vốn và cần tiếp cận nguồn vốn của các TCTD, các hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng sẽ tạo được điều kiện cho DN rất nhiều. Thời gian xét duyệt hồ sơ mà từ 1-2 tháng thì cơ hội DN chớp được thời cơ sẽ qua mất. Công ty tôi vừa mới được hỗ trợ thêm phần tín chấp để bảo lãnh và mở LC thêm được 4-5 tỷ. Nguồn vốn này so với các công ty lớn thì không nhiều nhưng so với công ty vừa và nhỏ, được thêm phần tín chấp đó thì rất hạnh phúc, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ như chúng tôi rất nhiều”.
Các TCTD đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch bằng các phương tiện điện tử trên môi trường mạng với tính năng an toàn, bảo mật cao, nâng cao khả năng phục vụ. Nhiều ngân hàng đã tập trung đầu tư công nghệ phát triển sản phẩm online, mạnh dạn đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại, tiện dụng cho khách hàng.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông OCB cho biết, ưu tiên số một của OCB là cải cách trong khâu cấp tín dụng. Việc ngân hàng đang triển khai số hóa toàn bộ 4 nhóm quy trình tín dụng sẽ không chỉ tạo ra sự đột phá về thời gian mà còn giúp khách hàng kiểm soát được cả quá trình thẩm định, phê duyệt, giải ngân hồ sơ vay thông qua tương tác số.
Bên cạnh đó, việc các TCTD thực hiện cải tiến hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác cũng được đánh giá cao, giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng đến giao dịch.
Tại ngân hàng An Bình, từ khi áp dụng giao dịch một cửa, chi phí giao dịch giảm do thực hiện được nhiều giao dịch hơn trong cùng một thời gian, tăng hiệu quả và chất lượng công việc thêm 40%, thời gian giao dịch cũng rút ngắn gần 50% so với khi chưa triển khai giao dịch một cửa; tháng 6/2017, ngân hàng Sacombank điều chỉnh quy trình nghiệp vụ Thanh toán quốc tế với sự tinh giảm chứng từ, đơn giản hóa quy trình xử lý.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện công tác cải cách hành chính và Kế hoạch hành động, Chương trình hành động của ngành Ngân hàng triển khai Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến các quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc an toàn, bảo mật đặc biệt là phải phòng ngừa rủi ro trong việc cung ứng dịch vụ, nhất là lĩnh vực thanh toán, tín dụng, tiền tệ...
Đồng thời, việc phát triển đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, tiện ích ngân hàng phải gắn với đổi mới quy trình, thủ tục cung cấp dịch vụ, đảm bảo thuận tiện, đơn giản, dễ thực hiện, giảm thấp nhất về chi phí và thời gian đi lại, hồ sơ giao dịch... để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch với TCTD…
Hà Phương-Long Nguyễn / DĐDN