Triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, các đơn vị cần tiếp tục tái cơ cấu, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.
Năm 2015, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực với mức tăng trưởng kinh tế cả năm dự báo đạt 6,68%, lạm phát dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp dưới 1%, kết quả xuất, nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng khá. Ngoài ra, vốn FDI đăng ký và giải ngân tăng mạnh, tín dụng tăng trưởng khả quan, thị trường bất động sản chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh có cải thiện đáng kể… Đóng góp vào thành công chung của điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua có vai trò không nhỏ của hệ thống ngân hàng và kết quả điều hành chính sách tiền tệ.
Giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công. Từ chỗ bị đánh giá là một trong những nhân tố góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế với tình trạng nợ xấu cao đến nay, hoạt động ngân hàng đã trở thành một trong những động lực quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Những kết quả tích cực của ngành ngân hàng trong những năm qua đã góp phần không nhỏ đối với phát triển kinh tế đất nước, giúp tăng trưởng tín dụng đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng GDP. Ngân hàng hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế, cân đối các vùng miền.
Định hướng điều hành kinh tế - xã hội của năm 2016 và giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ và Quốc hội xác định là tập trung ưu tiên cao cho ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Đồng thời phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2016-2020: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,5-7%; kiểm soát lạm phát dưới 5%; tăng trưởng xuất khẩu 10%...
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), để đạt được mục tiêu được Quốc hội, Chính phủ đề ra, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm vào đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung cho tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời đẩy mạnh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được tăng trưởng bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục phát huy trọng trách trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước xác định điều hành các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt chủ động, đảm bảo ổn định hệ thống, tạo thuận lợi cho hoạt động các tổ chức tín dụng với các chỉ tiêu điều hành chủ yếu nên ở mức: tăng trưởng tín dụng: 15-17% một năm và tỷ lệ nợ xấu 3%.
Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, để đẩy mạnh hoạt động đầu tư ra nước ngoài, một trong những điều kiện tiên quyết là sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho các đơn vị trong đầu tư ra nước ngoài làm động lực thúc đẩy quá trình hội nhập, đồng thời nghiên cứu, hướng dẫn hoạt động của ngân hàng để triển khai các cam kết theo các FTA đặc biệt trước mắt là Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Với những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu lớn hơn, bền vững hơn, xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế, chỗ dựa cho cộng đồng doanh nghiệp.
(Nguồn: BIDV)