1. Thực trạng ngành Nhựa Việt Nam
Tình hình phát triển
Ngành sản xuất sản phẩm nhựa là một trong những ngành công nghiệp đang phát triển nhanh nhất tại Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 10 năm trở lại đây là 15 – 20%. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành Nhựa tốt nhất trên thế giới. Việt Nam sản xuất rất nhiều chủng loại sản phẩm nhựa bao gồm sản phẩm đóng gói, đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, thiết bị điện và điện tử, linh kiện xe máy và ô tô và các linh kiện phục vụ cho ngành viễn thông và giao thông vận tải.
Trong bối cảnh ngành Nhựa thế giới đang hơi chững lại sau khủng hoảng kinh tế, tăng trưởng của ngành Nhựa Việt Nam cho thấy nhu cầu trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, một trong những lý do đóng góp chính vào sự tăng trưởng của ngành Nhựa là do xuất phát điểm của Việt Nam còn thấp, tỷ lệ tiêu thụ bình quân trên đầu người thấp hơn trung bình của khu vực và thế giới. Do đó, tăng trưởng của ngành còn mang tính ‘quảng canh’ hơn ‘thâm canh’, công nghệ nhìn chung lạc hậu, hàm lượng chất xám thấp, giá trị gia tăng không nhiều nên chỉ có một số rất ít các công ty đi đầu có mức tỷ suất lợi nhuận ròng trên 10%. Do phụ thuộc tới xấp xỉ 80% nguyên phụ liệu nhập khẩu nên ngành Nhựa Việt Nam biến động mạnh, tính chủ động thấp, thường xuyên sử dụng nguồn vốn lưu động lớn (để nhập sẵn hạt nhựa với thời gian lưu kho dài).
Ngành Nhựa có tỷ trọng 4.48% so với toàn ngành công nghiệp nội địa và giữ vai trò một ngành phụ trợ thiết yếu cần phát triển trong các kế hoạch kinh tế của Nhà Nước. Ngành Nhựa là một trong 10 ngành được Nhà Nước ưu tiên phát triển do có tăng trưởng tốt và ổn định, xuất khẩu khá mạnh, và có khả năng cạnh tranh tốt với các nước trong khu vực.
Công nghệ sản xuất nhựa
Các công nghệ mà Việt Nam sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa bao gồm:
Công nghệ phun ép (Injection technology) - công nghệ này được sử dụng để làm cho các thành phần nhựa và phụ tùng cho các thiết bị điện tử, điện lực, xe máy và ngành công nghiệp ô tô. Theo các chuyên gia công nghiệp, có khoảng 3.000 loại thiết bị phun ép tại Việt Nam.
Công nghệ đùn-thổi (Blow-Extrusion technology): Ðây là công nghệ thổi màng, sản xuất ra các loại vật liệu bao bì nhựa từ màng, dùng trong các công nghệ thổi túi PE, PP và màng (cán màng PVC). Hiện nay nhiều doanh nghiệp nhựa sử dụng công nghệ đùn thổi bằng nhiều thiết bị nhập từ các nước, nhiều thế hệ để sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa.
Công nghệ sản xuất nhựa sử dụng thanh Profile (Profile Technology): Ở Việt Nam, công nghệ này được sử dụng để làm các sản phẩm như ống thoát nước PVC, ống cấp nước PE, ống nhôm nhựa, cáp quang, cửa ra vào PVC, khung hình, tấm lợp, phủ tường, v.v…
Nói chung, rất nhiều công nghệ sản xuất nhựa tiên tiến đang được áp dụng tại Việt Nam, tuy nhiên chưa được phổ biến. Từ năm 2005, nhiều nhà sản xuất nhựa tại Việt Nam đã đầu tư đáng kể vào việc nâng cấp trang thiết bị sản xuất và máy móc của họ để cải thiện sản phẩm nhựa của họ về chất lượng và thiết kế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và quốc tế. Ví dụ, một vài công ty lớn đang sản xuất sản phẩm nhựa chất lượng và công nghệ cao sử dụng thiết bị tiên tiến và máy móc nhập khẩu từ Đức, Italy và Nhật Bản. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi mà ngành công nghiệp Nhựa Việt Nam phấn đấu để duy trì khả năng cạnh tranh của mình và mở rộng năng lực thâm nhập trên thị trường thế giới.
Các doanh nghiệp nhựa
Đến nay, cả nước có hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh ngành nhựa với khoảng 120.000 lao động, thuộc các ngành sản xuất bao bì nhựa, nhựa gia dụng, nhựa vật liệu xây dựng, nhựa kỹ thuật…, chủ yếu ở miền Nam. Số lượng doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương và Long An chiếm 80% tổng số lượng DN nhựa trên cả nước trong khi số lượng doanh nghiệp ở miền Bắc và miền Trung chỉ chiếm 15% và 5%.
Các doanh nghiệp trong ngành Nhựa, hầu hết là những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), doanh nghiệp tư nhân (chiếm 90%). Các doanh nghiệp sản xuất nhựa gia dụng chiếm 40%, nhựa bao bì 35%, nhựa kỹ thuật 13%, nhựa xây dựng 11%. Điều này cho thấy giá trị gia tăng của ngành Nhựa còn thấp.
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp nhựa trong nước chỉ cung cấp được 20% - 30% nguồn nguyên liệu nhựa trong nước, chủ yếu là PVC, PET, PP. Đối với nhựa PVC, PET, hiện có hai DN sản xuất với năng lực 300.000 tấn/năm. Với nguyên liệu nhựa PP, duy nhất có nhà máy tại Dung Quất, Quảng Ngãi sản xuất 150.000 tấn/năm. Còn lại, nước ta vẫn nhập khẩu 70% - 80% (khoảng 3 triệu tấn) nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động sản xuất.
Tình hình xuất khẩu
Năm 2010, ngành Nhựa chính thức trở thành một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ (29%) cho thấy sức bật của ngành Nhựa nội địa cũng như thế giới năm vừa qua. Theo số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) kim ngạch xuất khẩu ngành Nhựa từ năm 2011 đến nay liên tục tăng: Năm 2011 đạt 1,7 tỷ USD, năm 2013 đạt 2,5 tỷ và năm 2014 đạt hơn 3 tỷ USD. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành Nhựa năm 2015 sẽ cao gấp đôi so năm 2014.
Đối với sản phẩm nhựa xuất khẩu, Nhật Bản hiện đang là thị trường lớn nhất của Việt Nam với 26%, tiếp đến là Mỹ (11%) và Đức (7%). Đối với nguyên phụ liệu nhựa xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường chính với 29% tổng kim ngạch, theo sát bởi Nhật Bản (25.7%) và Ấn Độ (11%). Điều này cho thấy châu Á, đặc biệt là Nhật Bản là có vai trò rất quan trọng đối với xuất khẩu nhựa Việt Nam. Trong số các sản phẩm xuất khẩu, có hơn 56% là sản phẩm bao bì các loại dùng trong vận chuyển, bao gói lương thực thực phẩm; 10,6% là các sản phẩm nhựa gia dụng; nhựa kỹ thuật chiếm 8,2 % và nhựa xây dựng 2,1%.
Tình hình nhập khẩu
Hiện nay, vật liệu nhựa PVC và PET có thể được đáp ứng trong nước. Có hai nhà sản xuất PVC với công suất tổng hợp 200.000 tấn/năm, trong đó 30% là dành cho xuất khẩu và 70% là dành cho thị trường trong nước. Đó là Công ty TPC Vina và Công ty Nhựa và Hóa chất Phú Mỹ. Ngoài ra, còn có Công ty Formusa Việt Nam, công ty 100% vốn của Đài Loan với công suất sản xuất nguyên liệu nhựa PET là 145.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, do ngành hóa dầu trong nước chưa đủ phát triển, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 70 - 80% nguyên liệu nhựa, chủ yếu là PP, PE, PS và Polyester và hầu hết các thiết bị và máy móc cần thiết cho sản xuất sản phẩm nhựa.., nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập siêu của ngành Nhựa nội địa. Việt Nam nhập khẩu hầu như tất cả các thiết bị và máy móc cần thiết cho ngành sản xuất nhựa, chủ yếu là từ các nước châu Á và châu Âu. Ngoài việc nhập khẩu 70% - 80% nguyên liệu nhựa đầu vào mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hầu như tất cả các thiết bị và máy móc cần thiết để sản xuất các sản phẩm nhựa. Phần lớn các thiết bị và các loại máy sản xuất nhựa được nhập khẩu từ một số nước châu Á bao gồm Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Nhật Bản. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu một số lượng các thiết bị sản xuất nhựa và máy móc từ Đức và Ý. Các thị trường lớn cung cấp nguyên liệu nhựa cho Việt Nam là Ả Rập Xê Út (23%), Hàn Quốc (18%), Đài Loan (14%), Thái Lan (9%), Trung Quốc (7%). Đây là các nước có công nghiệp hóa dầu đang phát triển mạnh và sản phẩm nguyên liệu nhựa của các nước này thường có giá thành thấp hơn so với nguyên liệu nhựa từ Đức, Mỹ. Nhựa thành phẩm phần lớn được nhập từ Nhật (28.5%), Trung Quốc (25%), Hàn Quốc (10.8%), và Thái Lan (9.8%).
Các nước cung cấp chính nguyên liệu nhựa cho Việt Nam
Nguồn: Hiệp hội nhựa Việt Nam |
Các nhà cung cấp chính máy móc và thiết bị sản xuất nhựa cho Việt Nam
Nguồn: Hiệp hội nhựa Việt Nam |
Thị trường trong nước
Tại thị trường nội địa, mức tiêu thụ nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam cũng tăng nhanh qua các năm, nếu như năm 2008 đã đạt 22kg/người/năm; năm 2010 là 30kg/người/năm thì hiện nay con số này đạt trên 35kg/người/năm. Theo dự báo của các chuyên gia ngành Nhựa, mức tiêu thụ người dân sẽ tăng lên 45kg vào năm 2020. Nhu cầu nhựa bình quân trong nước có nhiều khả năng sẽ lên cao hơn nữa, góp phần cải thiện sản lượng sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của Nhựa Việt Nam. Tiêu thụ sản phẩm nhựa tăng đã tạo ra một làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành xây dựng, giao thông vận tải và các ngành sản xuất khác phát triển.
2. Cơ hội và thách thức
Cơ hội phát triển
Một trong những triển vọng dài hạn đối với Việt Nam là thị trường nội địa. Dân số của Việt Nam khoảng 90 triệu, lớn thứ ba tại Đông Nam Á sau Indonesia và Philippines, cùng tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh trong khu vực, theo một báo cáo mới đây.
Về thị trường xuất khẩu, việc giá dầu thô liên tục giảm mạnh trong thời gian qua đã kéo theo giá nguồn nguyên liệu nhựa PP, LDPE, LLDPE, HDPE… giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp cho biết giá nguyên liệu giảm sẽ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Với những diễn biến thuận lợi về giá nguyên liệu năm 2015, doanh nghiệp có thể mở rộng thị phần xuất khẩu sang Đức, Hà Lan, Bỉ, Ý, Pháp, Malaysia, Indonesia… Đây là những nước đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm nhựa của Việt Nam.
Điểm thuận lợi là nhu cầu nhựa của khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) vẫn đang ở dưới mức trung bình của thế giới và khả năng tăng trưởng cao trong những năm tới. Rủi ro khá lớn nhất đến từ thị trường Nhật Bản khi nước này chiếm thị phần lớn trong xuất khẩu sản phẩm và nguyên phụ liệu nhựa. Diễn biến trên thị trường này sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường nhựa trong nước Đặc biệt, tại các thị trường châu Âu, sản phẩm của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá từ 8%-30% như các nước châu Á khác như Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhựa Việt Nam tăng sản xuất và xuất khẩu vào các thị trường này.
Đáng lưu ý, theo nhận định của VPA sản phẩm nhựa của Việt Nam hiện đang có cơ hộị lớn trong việc mở rộng thị phần xuất khẩu bởi thời gian gần đây chi phí sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh khiến cho giá sản phẩm nhựa của Trung Quốc không còn rẻ nữa mà ngang bằng với giá sản phẩm nhựa của Việt Nam. Theo đó, sản phẩm nhựa Trung Quốc đã mất đi một ưu thế lớn và sản phẩm nhựa của Việt Nam lại có cơ hội gia tăng sức cạnh tranh.
Bên cạnh đó, VPA đang kiến nghị Chính phủ cho phép hạ thuế suất xuất khẩu từ 2% xuống còn 1%. Nếu kiến nghị này được thông qua, cộng với việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo cơ hội lớn cho DN Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu.
Cuối tháng 1/2015 vừa qua, Hiệp hội Nhựa TPHCM đã xây dựng hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm nhựa. Chuỗi cung ứng này đã tập hợp được sự tham gia liên kết của các doanh nghiệp thuộc 4 nhà bao gồm: Nhà cung ứng nguyên liệu Singapore, ngân hàng cho vay nhập nguyên liệu với lãi suất ưu đãi, cảng Bến Nghé ưu tiên cho DN nhựa xuất khẩu và DN nhựa tham gia chuỗi cung ứng. Theo đó, chuỗi cung ứng từ nguyên liệu nhập khẩu, lưu kho cảng Bến Nghé và dịch vụ logistic phục vụ DN, đưa nguyên liệu nhập khẩu về tận kho sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhựa tại cảng Bến Nghé.
Ngoài ra, Hiệp hội đang hỗ trợ DN nhựa trong nước tiếp cận với các nhà đầu tư lớn nước ngoài như Công ty Samsung, Intel… để đăng ký sản xuất cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Việc triển khai chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ được xem có lợi cho ngành nhựa nhiều nhất, vì tạo tiền đề, cơ sở để các DN nhựa mạnh dạn đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất sang ngành nhựa kỹ thuật cao, góp phần gia tăng giá trị của sản phẩm. Không chỉ vậy, việc cải thiện nội lực theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm còn giúp các DN ngành nhựa mở rộng hợp tác, trở thành thành viên hệ thống chuỗi cung ứng cho sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, các DN cần chú ý thị trường Ấn Độ, một thị trường được đánh giá là tiềm năng và đầy triển vọng về xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam trong tương lai. Theo nhận định của chuyên gia trong ngành, Nhựa là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng GDP của Ấn Độ từ 2-2,5 lần. Phạm vi sử dụng sản phẩm nhựa trong các ngành công nghiệp của Ấn Độ đang được mở rộng, nhu cầu đóng gói tăng mạnh, sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa nông nghiệp, cơ sở kinh tế được nâng cấp, nhu cầu cải thiện lối sống, thu nhập khả dụng tăng và sự tập trung dân cư tại thành thị… đã đẩy nhu cầu về sản phẩm nhựa công nghiệp, hàng tiêu dùng có sử dụng nhựa tăng mạnh. Vì vậy, về quy mô Ấn Độ tương lai sẽ là một trong những thị trường nhập khẩu sản phẩm nhựa lớn không kém với Nhật Bản và Mỹ.
Thách thức
Năm 2015 cũng được cảnh báo là năm các doanh nghiệp nhựa sẽ bị cạnh tranh rất quyết liệt trong khu vực ASEAN khi hàng rào phi thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước với xuất phát điểm thấp, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ công nhân, kỹ sư chưa cao... Giá thành sản xuất tuy có lợi thế nhưng sẽ khó cạnh tranh nếu chất lượng không đạt yêu cầu. Không chỉ vậy, sở hữu công nghệ lạc hậu nên doanh nghiệp chưa thể đi sâu nghiên cứu, sản xuất các chi tiết sản phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do vậy để tận dụng tối đa những lợi thế phát triển trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam sẽ phải thúc đẩy nhanh khâu cải tiến, đầu tư công nghệ mới, nghiên cứu sản xuất những sản phẩm mang tính cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho các doanh nghiệp lắp ráp. Đặc biệt, các DN cần tìm hiểu những xu thế mới của các thị trường để không bị lạc hậu và có thể đáp ứng kịp thời các xu thế đó.
Sản phẩm nhựa phục vụ cho các ngành công nghiệp rất đa dạng và phong phú. Do vậy, để có định hướng phát triển phù hợp trong bối cảnh hội nhập, Bộ Công Thương cần nghiên cứu hình thành danh mục sản phẩm trọng điểm của quốc gia cho từng thời kỳ và đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp. Có như vậy mới giúp các doanh nghiệp bắt kịp nhu cầu phát triển trong tiến trình hội nhập.
Hoàng Sơn