Không chỉ tuyển sinh khó khăn, ngành sư phạm đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, như: giáo viên hợp đồng ở nhiều địa phương bị sa thải, sinh viên ra trường khó kiếm việc làm, có việc làm thì lương thua cả giúp việc nhà.
Còn mô hình đào tạo sư phạm cũ, còn 'thợ dạy'
Dù đã vào năm học, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai vẫn thiếu bóng sinh viên. Ngôi trường rộng thênh thang, đủ chỗ cho hàng ngàn SV, với nhiều giảng đường đang bỏ trống.
Năm học 2019-2020, con số tuyển sinh đầu vào của trường này khiến nhiều người phải “giật mình”: chỉ tuyển được hơn 90 sinh viên, chủ yếu ngành mầm non. Nhưng tình cảnh này đã dần trở nên quen thuộc đối với người trong cuộc. Những người thầy buộc phải thích nghi, bởi mỗi năm, số SV vào trường cứ giảm dần, quy mô của trường dần teo tóp.
Hiệu trưởng xin nghỉ trước 3 năm, hàng chục giáo viên phải đi biệt phái
Mới đây, tiến sĩ Trịnh Đào Chiến - hiệu trưởng của trường, đã được giải quyết cho nghỉ sớm trước 3 năm vì lý do sức khỏe. Trường đã khó lại càng rối. Hơn 110 cán bộ, giảng viên của trường như ngồi trên lửa khi UBND tỉnh Gia Lai vẫn chưa có những chính sách chiến lược cho trường.
Ngoài việc thiếu lãnh đạo, Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Gia Lai còn lâm vào lắm khó khăn. Hơn 2.000 tiết dư giờ của giảng viên từ năm học 2016-2017 chưa được thanh toán, vì kiểm toán kết luận không hợp lệ trong việc chi trả, dù việc dư giờ là hoàn toàn đúng. Số tiền được thanh toán chỉ trên dưới 200 triệu đồng, nhưng phải chờ mãi, khiến giảng viên bức xúc. Một đại diện trường này cho hay: “Giảng viên nói họ không cần thanh toán nữa, bỏ luôn và lấy lại điểm đã chấm cho SV”.
Đã thế, giữa tháng Chín, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai lại chỉ đạo trường đưa giảng viên đi “biệt phái” tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Theo ông Nguyễn Tư Sơn - giám đốc sở này - thì sở đã xây dựng đề án thành lập Trường THCS & THPT Lý Thái Tổ, công lập tự chủ, đặt tại Trường CĐSP Gia Lai. Trong khi chờ ý kiến của UBND tỉnh Gia Lai cũng như giải quyết việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên tại các trường THPT, sở đã chỉ đạo trường cử giáo viên đi biệt phái xuống các trường THPT.
Chọn trở thành sinh viên sư phạm là một quyết định không dễ với nhiều bạn trẻ (ảnh chụp tân sinh viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM)
Có 28 giảng viên được “cho mượn” đến mười mấy trường THPT trong thời gian 1 năm học (9/2019-6/2020). Một giảng viên cho biết: “Mình phải đi đến huyện xa nhất của tỉnh, cách trường chính và nhà gần 140km. Nếu đi, cuộc sống sẽ xáo trộn, vì xa như thế, không thể đi về mỗi ngày. Nhiều giảng viên không đồng tình, nên đến nay quá trình “cho mượn” giảng viên vẫn chưa xong”.
Trường lắm, người học vắng
Thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có 113 cơ sở đào tạo giáo viên. Ngoài ra, còn có 40 trường trung cấp đa ngành đang đào tạo giáo viên mầm non. Tính trung bình, mỗi địa phương có trên hai cơ sở đào tạo giáo viên. Trường nhiều như thế, sẽ khó tránh khỏi sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và cả nguồn tuyển. Người học chỉ có bấy nhiêu, nhu cầu về giáo viên cũng chừng ấy, trường này tuyển tốt thì trường kia phải… thất thu.
Trường CĐSP Nam Định, Khoa Tự nhiên, năm học 2018-2019 có 16 giảng viên, nhưng chỉ có… 30 sinh viên. Ở Khoa Xã hội, lớp văn - giáo dục công dân K39 có 5 sinh viên; lớp văn - giáo dục công dân K40 có 2 sinh viên; lớp âm nhạc chỉ có 1 sinh viên. Nói thật, dù trường không đóng lớp, người học cũng bỏ lớp, chứ học hành gì khi chỉ có một mình. Sinh viên vào môi trường giáo dục chuyên nghiệp đâu chỉ có việc học, còn có các mối quan hệ xã hội cần tương tác, còn môi trường để sống cuộc đời sinh viên…
Kết quả tuyển sinh 2019 lại có thêm hàng loạt ngành ở các trường sư phạm có số lượng trúng tuyển dưới 5 sinh viên. Trường CĐSP Gia Lai, trong đợt 1, phải đóng cửa 3 ngành sư phạm toán học, ngữ văn và tiếng Anh do số thí sinh đăng ký xét tuyển quá ít. Trường CĐSP Đắk Lắk, trong đợt 1, dù chỉ lấy 16 điểm ở tất cả ngành, nhưng nhiều ngành sư phạm chỉ lác đác vài thí sinh đăng ký: sư phạm toán có 1 thí sinh, vật lý có 3, ngữ văn cũng 3, địa lý chỉ 2 và tiếng Anh có 3 thí sinh đăng ký.
Trường CĐSP Đà Lạt rơi vào khủng hoảng khi có đến 5 ngành trắng thí sinh, gồm: sư phạm toán học, tin học, vật lý, hóa học, giáo dục thể chất. Trường đại học Đồng Tháp, năm 2018, hàng loạt ngành không có thí sinh trúng tuyển. Những ngành khác, dù chỉ tiêu mỗi ngành là 20 sinh viên, nhưng chỉ có 5, 7 thí sinh trúng tuyển. Trong năm 2019, nhiều ngành tiếp tục không tuyển được người học.
Trường đại học Đồng Nai, trong hai năm liên tiếp, phải nhận “trái đắng”: các ngành sư phạm sinh học, lịch sử, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật đều không có thí sinh trúng tuyển. Trường đại học Phú Yên có ngành sư phạm toán chỉ 2 thí sinh trúng tuyển, lịch sử 1 thí sinh, tiếng Anh có 3… Các ngành sư phạm sinh học, hóa học, tin học, ngữ văn và các ngành hệ cao đẳng cũng không có thí sinh nào.
Với bức tranh tuyển sinh bèo nhèo như vậy, chất lượng đầu ra là thứ rất khó đòi hỏi cao. Vẫn biết, có lượng chưa hẳn đã đạt chất, nhưng không có người học thì lấy đâu ra người giỏi.
“Giải cứu” ngành sư phạm được không?
Câu trả lời là được, nhưng không dễ. Đó không chỉ là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, mà phải là sự thay đổi đồng bộ từ mặt chính sách. Nhưng trước hết, những đề xuất, chiến lược cho ngành này của Bộ GD-ĐT không nên tiếp tục “hớt phần ngọn” nữa.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Mỵ Giang Sơn - nguyên Trưởng phòng Đào tạo, Trường đại học Sài Gòn - trong 3 năm gần đây, Bộ GD-ĐT giữ quyền công bố điểm sàn, các trường sư phạm phải cắt giảm chỉ tiêu mạnh... với mong muốn cải thiện chất lượng đầu vào. Nhưng nút thắt của bài toán nằm ở đầu ra. Nếu việc làm và thu nhập của sinh viên sư phạm sau khi ra trường tốt thì mới mong thu hút người giỏi thi vào. Khi đó, ngành sư phạm sẽ không thiếu người giỏi đến mức khổ sở như hiện nay.
Còn theo ông Lê Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương TP.HCM thì bỏ chính sách miễn học phí là chuyện sớm muộn phải làm, nhưng phải có lộ trình và phải có nghiên cứu ở cấp Nhà nước. Nếu bỏ chính sách này, điều kiện tiên quyết là phải tăng lương giáo viên. Trong số 100 giáo viên, chỉ có vài ba người tâm huyết, sẵn sàng hy sinh vì nghề mà không màng đến yếu tố kinh tế.
“Bản thân tôi từng rất tâm huyết, say mê với nghề dạy, nhưng tôi không thể sống với đồng lương tiến sĩ chỉ 4-5 triệu đồng mỗi tháng”, ông Tiến nói.
Theo Gia Tuệ / PNO