Ngày 31/8/2016, Bộ Công thương đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Với mục tiêu xây dựng ngành Than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện, tổng nguồn vốn đầu tư cho ngành Than từ nay đến 2030 là 269.003 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 96.566 tỷ đồng (bình quân 19.313 tỷ đồng/năm), trong đó: đầu tư mới và cải tạo mở rộng là 89.026 tỷ đồng; đầu tư duy trì sản xuất là 7.540 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch, tổng nguồn vốn đầu tư cho ngành Than từ nay đến 2030 là 269.003 tỷ đồng, bình quân 17.934 tỷ đồng/năm
Giai đoạn 2021 – 2030, ngành Than cần nguồn vốn đầu tư khoảng 172.437 tỷ đồng (bình quân 17.244 tỷ đồng/năm), trong đó, đầu tư mới và cải tạo mở rộng là 146.880 tỷ đồng; đầu tư duy trì sản xuất là 25.557 tỷ đồng.
Được biết, vốn đầu tư phát triển ngành Than theo Quy hoạch dự kiến thu xếp từ các nguồn: Vốn tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo báo cáo, tổng trữ lượng và tài nguyên than dự tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 khoảng 48,88 tỷ tấn gồm khoảng 2,26 tỷ tấn trữ lượng và 46,62 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,34 tỷ tấn than bùn.
Trữ lượng và tài nguyên than huy động vào quy hoạch khoảng 3,05 tỷ tấn gồm khoảng 1,22 tỷ tấn trữ lượng và 1,83 tỷ tấn tài nguyên, trong đó có 0,06 tỷ tấn than bùn.
Bản Quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 chỉ rõ, về thăm dò than, tại bể than Đông Bắc, đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành công tác thăm dò đến mức -300m (như các mỏ mở Bảo Đài, Đông Triều – Phả Lại, vịnh Cuốc Bê, Đông Quảng Lợi) và một số khu vực dưới -300m đảm bảo đủ trữ lượng và tài nguyên; Phấn đấu đến hết 2025 hoàn thành cơ bản công tác thăm dò đến đáy tầng than đảm bảo đủ than để huy động vào thiết kế khai thác trong giai đoạn 2021-2030 và giai đoạn sau 2030. Phấn đấu đến năm 2030 nâng cấp phần tài nguyên còn lại từ cấp 333, 334a và 334b lên cấp 222 và 332.
Với bể than sông Hồng, quy hoạch đặt ra trước năm 2020 hoàn thành công tác thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình để phục vụ lập và thực hiện dự án thử nghiệm; Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tổng thể tài nguyên than phần đất liền bể than sông Hồng và kết quả thực hiện các dự án thử nghiệm, tiến hành thăm dò mở rộng làm cơ sở để phát triển các mỏ than ở quy mô công nghiệp với công nghệ hợp lý.
Về khai thác than, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than trong các giai đoạn của quy hoạch khoảng 41-44 triệu tấn vào năm 2016; 47-50 triệu tấn vào năm 2020; 51-54 triệu tấn vào năm 2025 và 55-57 triệu tấn vào năm 2030. Trong đó, bể than sông Hồng giai đoạn 2021-2030 thực hiện dự án thử nghiệm, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp; phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm quy đổi khoảng 0,5-1,0 triệu tấn vào năm 2030.
Về tổn thất than, phấn đấu đến 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.
Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, quan điểm phát triển tại Quy hoạch này là khai thác đáp ứng tối đa cho tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước; đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; đảm bảo xuất nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng.
Thế Hải / baodautu.vn