Ảnh minh họa
Hợp đồng cung cấp than cho các nhà máy điện đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký kết với Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power). Theo đó, đại diện PV Power cho biết đã hoàn thành đàm phán với 7 đối tác cung cấp than quốc tế và các chủ mỏ than để cung cấp khoảng 15 triệu tấn than/năm cho 3 nhà máy nhiệt điện của PVN.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong giai đoạn 2011-2020, PVN được giao quản lý đầu tư và vận hành các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu gồm Long Phú 1 (công suất 1.200MW), Sông Hậu 1 (công suất 1.200MW) và Long Phú 3 (công suất 1.800MW). 3 nhà máy nhiệt điện này có tổng nhu cầu sử dụng than khoảng 12 triệu tấn/năm. Với tổng sản lượng điện thương mại lên đến hơn 20 tỉ kWh.
Dựa trên chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương (Công văn số 3508/VPCP-KTN và 6420/BCT-TCNL), PV Power sẽ chịu trách nhiệm nhập khẩu và đảm bảo nguồn cung cấp than cho các dự án nhiệt điện do PVN làm chủ đầu tư. Đến nay, PVN và PV Power đã thống nhất các nội dung và tiến tới ký kết hợp đồng nguyên tắc cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy sử dụng than nhập khẩu của PVN.
Chủ tịch HĐTV PV Power Hồ Công Kỳ cho biết tổng công ty hiện đã tìm hiểu và hoàn thành đàm phán với 7 đối tác cung cấp than quốc tế và các chủ mỏ than để ký hợp đồng khung, cung cấp khoảng 15 triệu tấn than/năm cho PVN. Và số lượng này sẽ đáp ứng đủ than cho các nhà máy than của tập đoàn
Lý giải nguyên nhân phải nhập khẩu than cho 3 nhà máy trên, đại diện PV Power cho rằng khả năng cung ứng than trong nước hiện vẫn còn hạn chế, chất lượng than chưa đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện than công suất lớn, hiện đại. Theo đó, việc công ty thực hiện công tác nhập khẩu than là giải pháp chính xác và hiệu quả.
Trong khi đó, tại Báo cáo Bộ Công Thương về tình tình hình sản xuất kinh doanh tháng 10 và dự kiến cả năm 2016 của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa qua, đại diện TKV cho biết hiện có hai nhóm nhà máy nhiệt điện sử dụng than antraxit (loại than của Việt Nam) và than bitum, á-bi tum (than phải nhập khẩu), nhưng nhiều nhà máy lựa chọn sử dụng nguồn than antraxit nhập khẩu để hưởng lợi thế về giá, trong khi than antraxit của TKV đang tồn kho rất lớn. Theo đó TKV đã đề xuất các cơ quan quản lý cần có chỉ đạo theo hướng, nếu các nhà máy sử dụng than antraxit thì ưu tiên sử dụng than antraxit trong nước.
Thời gian qua, số than được nhập khẩu về là chủ yếu phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép, xi măng... Việc nhiều nhà máy sử dụng than đá làm nguyên liệu, trong khi lượng than khai thác đã gần cạn kiệt, trong khi quy hoạch một số nhà máy điện, thép và xi măng đang tăng về số lượng nhà máy. Điều này đẩy áp lực khiến Việt Nam ngày càng phải lo nhập khẩu than trong khi vẫn phải khai thác xuất khẩu.
Theo dự báo, nhu cầu sử dụng than trong nước năm 2016 sẽ ở mức 47,5 triệu tấn, năm 2020 là 86,5 triệu tấn, năm 2025 là 121,5 triệu tấn và năm 2030 là 156,6 triệu tấn. Theo đó, khối lượng than nhập khẩu phải tương ứng với sản lượng thiếu hụt nêu trên. Cụ thể, năm 2016 là 6,5 triệu tấn, năm 2020 là 36,4 triệu tấn, năm 2025 là 67 triệu tấn và năm 2030 gần 100 triệu tấn.
Tuyết Nhung / motthegioi